Ứng dụng phân tích tương quan giữa các tiêu thức thuộc tính trong việc đánh giá của người dân về quản lý cơ sở hạ tầng thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa
Cập nhật lúc 08:57, Thứ ba, 28/03/2023 (GMT+7)
Chiều ngày 27/03/2023, Khoa Kinh tế và PTNT, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Seminar với chủ đề: “Ứng dụng phân tích tương quan giữa các tiêu thức thuộc tính trong việc đánh giá của người dân về quản lý cơ sở hạ tầng thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa”. Kết quả nghiên cứu được trình bày bởi GVC. ThS. Lê Khắc Bộ, nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường.
Chiều ngày 27/03/2023, Khoa Kinh tế và PTNT, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Seminar với chủ đề: “Ứng dụng phân tích tương quan giữa các tiêu thức thuộc tính trong việc đánh giá của người dân về quản lý cơ sở hạ tầng thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa”. Kết quả nghiên cứu được trình bày bởi GVC. ThS. Lê Khắc Bộ, nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường. Nội dung trình bày tập trung vào việc phân tích ứng dụng phương pháp tiếp cận và phân tích tương quan giữa các tiêu thức thuộc tính trong đánh giá của người dân đánh giá về quản lý cơ sở hạ tầng tại địa bàn nghiên cứu. Buổi Seminar diễn ra với sự chủ trì của PGS. TS. Phạm Văn Hùng và sự tham gia của đông đảo các giảng viên, nghiên cứu viên của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn.
Mở đầu buổi seminar, chủ toạ nêu nội dung, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của buổi trao đổi. Sau đó, GVC. ThS Lê Khắc Bộ đã khái quát hóa về phân tích tương quan giữa các tiêu thức thuộc tính.
|
|
Bài trình bày seminar trực tiếp tại phòng 405 – Khoa KT & PTNT |
Diễn giả đã trình bày chi tiết các nội dung: (1) Tương quan giữa hai tiêu thức có thuộc tính thay phiên được đo lường bởi hệ số kết hợp (KA); (2) Tương quan giữa các tiêu thức có nhiều biểu hiện được đo lường bởi hệ số liên kết của Pearson (KP); (3) Sử dụng tiêu chuẩn Student cho kiểm định hế số kết hợp và hệ số liên kết của Pearson; (4) Kết quả & hiệu quả quản lý CSHT thị trấn Thống Nhất được đo lường mức độ kết hợp giữa đối tượng đánh giá (cán bộ và người dân) với mức độ đạt được (tốt và chưa tốt), có sử dụng tiêu chuẩn kiểm định Student để rút ra kết luận việc đánh giá là độc lập và khách quan; (5) Các mức độ hải lòng (rất hài lòng, hài lòng, bình thường và không hài lòng) đối với việc quản lý CSHT được đo lường bởi hệ số liên kết của Pearson và tiêu chuẩn kiểm định Student, chỉ rõ sự khác biệt đánh giá giữa cán bộ và người dân; (6) Các nội dung đánh giá về triển khai, thực hiện, xử lý, phối hợp và tính hiệu lực với các mức độ đạt được (rất tốt, tốt, trung bình, kém) cũng được đo lường bởi hệ số liên kết của Pearson và tiêu chuẩn kiểm định Student, chỉ rõ sự khác biệt đánh giá giữa cán bộ và người dân.
Đây là một bài trình bày về phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học có ý nghĩa về mặt lí luận và thực tiễn. Có các khái niệm mới và có nhiều đóng góp về mặt học thuật, lý luận về phương pháp nghiên cứu kết hợp đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Nội dung bài trình bày là sự chia sẻ kinh nghiệm tốt về cách xử lý số liệu đối với dữ liệu định tính.
Sau phần trình bày, các thành viên tham gia buổi seminar đã thảo luận sôi nổi đưa ra góp ý, chia sẻ thêm các kinh nghiệm. Sau khi trao đổi, căn cứ vào nội dung phương pháp luận về phương pháp kết hợp định tính và định lượng đã trình bày, chủ tọa đánh giá bài trình bày có giá trị khoa học và có ý nghĩa rất thực tế. Đây là nội dung khoa học có tính học thuật cao, góp phần nâng cao hiểu biết cũng như năng lực nghiên cứu cho các thành viên trong thời gian tới.
Lê Khắc Bộ, Nhóm NCM Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường