QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Khoa Kinh tế và Quản lý (tiền thân là Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn) là một trong các khoa lớn của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, được thành lập năm 1961. Những ngày mới thành lập số lượng cán bộ của Khoa chỉ là 5 người trong một tổ bộ môn và đào tạo duy nhất một ngành là Kinh tế nông nghiệp cho hệ đại học. Năm 1963 Khoa phát triển lên 3 bộ môn truyền thống là Bộ môn Kinh tế nông nghiệp, Tổ chức quản lý xí nghiệp và Bộ môn Thống kê (Thống kê - Kế hoạch - Kế toán) và sau này các bộ môn trong khoa cũng được phát triển từ các bộ môn này. Năm 1996, Khoa đổi tên thành Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn mà các ngành đào tạo được mở rộng, đa ngành, đa lĩnh vực. Ngày 27.9.2024 Khoa đổi tên thành Khoa Kinh tế và Quản lý, tiếp tục định hướng đào tạo, nghiên cứu đa ngành, đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực cao trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Khoa Kinh tế và Quản lý đã trưởng thành và lớn mạnh, trở thành một tổ chức uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về kinh tế, kinh tế nông nghiệp, quản lý kinh tế, tài chính, nhân lực và phát triển nông thôn. Khoa đã đóng góp cho đất nước đội ngũ đông đảo các nhà giáo có uy tín, các nhà khoa học đầu ngành, các cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, doanh nhân thành đạt góp phần to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang chuyển đổi theo hướng hiện đại và hội nhập. Từ khi thành lập đến nay Khoa đã đào tạo trên 18.000 cử nhân, 5000 thạc sĩ và 180 tiến sĩ.
Nhiệm vụ chính
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế, kinh tế nông nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý phát triển nguồn nhân lực và phát triển nông thôn, bao gồm trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và đào tạo ngắn hạn theo yêu cầu của xã hội;
- Tổ chức và triển khai các nghiên cứu về kinh tế, quản lý, chính sách, các vấn đề kinh tế- xã hội, các vấn đề phát triển trong nông nghiệp và nông thôn;
- Mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế. Thực hiện các trách nhiệm với xã hội và cộng đồng vì sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Cơ cấu tổ chức
Khoa được tổ chức thành 6 bộ môn và một tổ văn phòng. Hội đồng Khoa gồm 15 thành viên để tư vấn chiến lược phát triển khoa. 6 Bộ môn trong Khoa bao gồm 1) Kinh tế; 2) Kinh tế nông nghiệp và chính sách; 3) Kinh tế tài nguyên và môi trường; 4) Quản lý kinh tế; 5) Quản lý phát triển và 6) Kế hoạch và Đầu tư. Với nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó có 2 giáo sư, 8 phó giáo sư, trên 70% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 90% tu nghiệp sau đại học tại các trường đại học nước ngoài ở Thái Lan, Philipines, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Newzeland, Pháp, Bỉ, Anh, Đức, Mỹ…
Đào tạo: Khoa hiện đào tạo ở cả 3 bậc: Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ
- Đào tạo đại học cho 7 ngành: 1) Kinh tế nông nghiệp; 2) Kinh tế; 3) Kinh tế đầu tư; 4) Quản lý kinh tế; 5) Kinh tế tài chính; 6) Quản lý và phát triển nguồn nhân lực; 7) Kinh tế số
Bên cạnh các ngành đào tạo tiêu chuẩn, Khoa còn có 2 chương trình đào tạo chất lượng cao (Kinh tế Nông nghiệp và Kinh tế Tài chính), được dạy bằng tiếng Anh và đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra Khoa còn đào tạo các lớp vừa làm vừa học, văn bằng 2, liên thông, các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại Học viện và các địa phương.
- Đào tạo thạc sỹ cho 3 ngành: 1) Kinh tế nông nghiệp; 2) Quản lý kinh tế; 3) Phát triển nông thôn
- Đào tạo tiến sỹ ở 3 ngành: 1) Kinh tế nông nghiệp; 2) Kinh tế phát triển; 3) Quản trị nguồn nhân lực
Sinh viên, học viên cao học và NCS học tập tại khoa có cơ hội học tập trong môi trường sư phạm, khoa học và năng động, có cơ hội được lĩnh hội các kiến thức chuyên ngành chuyên sâu, môi trường học tập sáng tạo, có điều kiện thực hành, thảo luận làm việc nhóm chuyên nghiệp để hoàn thiện các kỹ năng, năng lực nghề nghiệp, định hướng tương lai. Ngoài ra sinh viên còn có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học, thực tập nghề nghiệp ở các doanh nghiệp lớn, cơ hội trao đổi sinh viên và rèn nghề, thực tập tại nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Úc.
Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế
Bên cạnh các hoạt động đào tạo Khoa Kinh tế và Quản lý thực hiện các hoạt động nghiên cứu và tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, làm các dịch vụ tư vấn theo yêu cầu của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các thành phần kinh tế trong các lĩnh vực: Chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn; Kinh tế và kinh tế sản xuất; Kinh tế tuần hoàn; Hành vi người tiêu dùng; An ninh và an toàn thực phẩm; Marketing và quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; Quản lý phát triển nông thôn, nghèo đói, việc làm, sinh kế, giới và cải cách thể chế nông thôn; Kinh tế và Quản lý nguồn tài nguyên tự nhiên và môi trường; Khuyến nông và chuyển giao công nghệ; Kinh tế và truyền thông số; Dự báo kinh tế và phát triển; Quản lý kinh tế; Quản lý và phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng, quản lý, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư và phát triển.
Khoa có hợp tác rộng rãi với các Bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Lao Động TBXH, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban dân tộc, các địa phương, tổ chức và cá nhân ở trong nước để đào tạo, nghiên cứu và phát triển.
Khoa có hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức phát triển ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipine, Thái Lan, Trung Quốc, Úc, Newzeland, Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Thuỵ Điển, Đan Mạch Canađa, Mỹ... Khoa còn hợp tác với các tổ chức quốc tế như Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) và các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGO).