Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: 'Đã là con người thì không thể giống nhau. Hãy để các em tự do sáng tạo, đừng ép các em phải làm theo hình mẫu sẵn có'.
"Các em có thấy làm phân vi sinh vất vả không? Các em có thấy quét rác, dọn nhà vệ sinh, nhổ cỏ, trồng cây vất vả không?”
“Lúc mới nhập trường, các anh, chị cũng không biết quét nhà, không biết dọn đồ, không biết nhổ cỏ, làm phân là gì. Nhưng sau một năm học ở đây, anh chị đã biết tự dọn chỗ ăn, chỗ ở của mình, biết quan tâm đến các bạn khác và tự chịu trách nhiệm đối với những việc mình làm. Thời gian đầu để làm quen với môi trường mới, anh chị nghĩ rằng các em sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng hãy yên tâm, đã có các anh chị ở đây, anh chị sẽ tích cực giúp đỡ và học tập, hoạt động cùng các em để các em làm quen với môi trường này nhé”.
Đó là chia sẻ của một bạn học sinh lớp 11 tại Lễ đón 88 học sinh khóa 2, Trường cấp 3 Nông nghiệp (TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) vào sáng 5/9. Đây là ngôi trường đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản.
Khai giảng không diễn văn, báo cáo thành tích
Buổi lễ có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan; Bí thư thứ Nhất Đại Sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - Ngài Ishi Chikahisa và ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cùng các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ đào tạo kỹ thuật nông nghiệp và tiếng Nhật cho các em học sinh tại Trường cấp 3 Nông nghiệp.
Đó là một buổi lễ khai giảng đặc biệt. Ở đó, Ban Tổ chức là các em học sinh khóa 1 và khách mời là thầy cô và học sinh khóa 2. Trong hội trường nhỏ khoảng 180 chỗ ngồi, các em đã thiết kế một sân khấu “độc nhất vô nhị” gồm những bức tranh giấy ngộ nghĩnh về các hoạt động của Trường Cấp 3 Nông nghiệp gồm trồng cây, chế biến các loại bánh, bóng đá, đọc sách tại thư viện tự giác…
Những tiết mục múa “Hào khí Việt Nam”, “Tát nước đầu đình”, “Nón lá Việt Nam”… do thầy cô và học sinh biên đạo, biểu diễn khiến không khí buổi lễ sôi động và ấm cúng.
Thầy Phạm Hữu Lợi - đại diện nhà trường cho biết, năm học mới, nhà trường sẽ đón 88 em học sinh khóa 2 đến từ các tỉnh, thành phố gồm Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau.
Tại đây, ngoài học các môn văn hóa cơ bản, các em học sinh sẽ được thực hành kỹ thuật làm nông nghiệp và tiếng Nhật do các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp giảng dạy, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Triết lý dạy học của nhà trường là tạo không gian cho các em thỏa sức hoạt động, vui chơi và sáng tạo, gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thông qua đó, các em được kết bạn, sẻ chia, yêu thương nhau và thu nạp kiến thức với tâm thế hứng khởi.
Lần thứ 3 về thăm ngôi trường này chỉ trong hơn 1 năm, nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan vẫn phải thốt lên rằng: “Tôi chưa bao giờ dự một buổi lễ khai giảng nào xúc động như vậy. Các em lớp trước tổ chức đón các em lớp sau, thật là gần gũi, ý nghĩa”.
Tư lệnh ngành nông nghiệp chia sẻ, “chúng ta thường nói học sinh là trung tâm”, nhưng thực tế ở nhiều môi trường giáo dục, vẫn còn thiên về trang bị kiến thức, chứ chưa chú trọng đến yêu cầu “phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”.
“Tôi nhớ đến lời chia sẻ của nữ nhà văn thích xê dịch Nguyễn Phương Mai trong tập bút ký “Tôi là một con lừa”. “Trước mỗi lần lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trỗng rỗng, không mong chờ, không phán đoán, để trái tim mình rộng mở, trần trụi. Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay.” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan tâm sự.
Bỏ tự ti, thêm tự tin
Tại không gian dung dị, nhẹ nhàng, giàu cảm xúc, giàu năng lượng tích cực của những học sinh cấp 3, Bộ trưởng đã thấy được một môi trường đào tạo mà ở đó, học sinh chính là trung tâm.
Ông cho rằng, một buổi lễ khai giảng cần tránh những phân biệt về thứ tự, tầng nấc, khuôn mẫu, mực thước. Bởi, sự phân biệt giữa người có chức vụ cao và người có chức vụ thấp, người có chức vụ với người không có chức vụ, giữa thầy và trò, giữa người lớn và người nhỏ… dễ dẫn đến những khoảng cách không đáng có.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần mạnh dạn vượt qua tâm lý dè dặt, tự ti, mặc định mình là người nhỏ bé, như: “Tôi xin phép phát biểu một ý kiến nhỏ”, “Tôi phát biểu với thân phận nhỏ nhoi”… Điều này làm giảm đi sự sáng tạo, mất đi sự tự tin đóng góp giá trị ở mỗi người.
“Không có cái gì là nhỏ, không có cái gì là lớn, chỉ có điều chúng ta có biết tạo giá trị và nâng giá trị lên hay không”, ông Hoan nhấn mạnh và nhắn gửi các em học sinh đừng bao giờ nghĩ rằng mình nhỏ bé, mà hãy tự tin hơn vào bản thân, và biết tự hào về Ngôi Trường cấp 3 Nông nghiệp mình đang theo học.
Hãy nhớ rằng chúng ta đang làm những điều ý nghĩa, hữu ích, có đóng góp thiết thực cho nền nông nghiệp Việt Nam, và sự thay đổi đang diễn ra ở ngôi trường này, từ chính các em ngồi trong hội trường ở đây hôm nay. Nếu mỗi em học sinh ở đây có ý chí, nghị lực và khát vọng thì sẽ tạo ra những giá trị tích cực, lớn lao thậm chí vượt qua những điều mà chúng ta kỳ vọng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan ấn tượng với triết lý giáo dục của Trường cấp 3 Nông nghiệp, ở đó, kỹ thuật làm nông nghiệp, trước hết, bắt đầu từ tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người và tinh thần sẻ chia.
Chúng ta muốn đào một cái giếng sâu thì miệng giếng phải rộng. Muốn trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản đạt giá trị cao thì phải hiểu hết được hệ sinh thái, hệ sinh vật, môi trường, hiểu về xã hội, con người và hiểu chính bản thân mình. Từ đó, chúng ta sẽ nhìn nhận, phân tích được các sự vật, hiện tượng, hiểu được nghề của chúng ta và đưa ra những giải pháp, định hướng phù hợp.
Ông cho rằng: “Chúng ta vẫn cứ nói về thực trạng các em học sinh ít chọn lựa ngành nghề nông nghiệp. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy tự trách mình vì chưa tạo ra môi trường để các em tự do sáng tạo và thực sự cảm thấy vui vẻ khi theo đuổi nghề nông”.
Có câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, nhưng chúng ta đừng tạo ra những khuôn đúc y hệt nhau, đừng biến ngôi trường thành những “chiếc máy in” khô cứng, thiếu cảm xúc. Bởi đã là con người thì không thể giống nhau được. Hãy để cho các em tự do sáng tạo, các em tự tổ chức các hoạt động, đừng ép các em phải làm theo những cách thức định sẵn.
Trước đó, tại buổi họp chuyên đề về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã cùng thảo luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về hiệu quả và khả năng nhân rộng, phát triển của mô hình trường cấp 3 nông nghiệp ở các địa phương, dựa trên nền tảng cơ sở vật chất của các trường đào tạo đã có.
“Chúng ta không cần xây dựng mới mà chỉ cần thay đổi cách tiếp cận. Tôi đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam để có thể hiện thực hóa được dự định này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, các em học sinh đang ngồi ở hội trường ngày hôm nay chính là một phần của đất nước. Bởi vậy, các em cần phải hiểu được giá trị của chính mình, của những kiến thức mình đang học, việc mình đang làm và không ngừng nỗ lực, phấn đấu để thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ngày 15/9/1945: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Nguồn báo: Nông nghiệp Việt Nam