Chiều ngày 19/9/2022, Khoa Kinh tế và PTNT, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức seminar với chủ đề “Thực trạng quản lý phân bùn và đề xuất cơ chế tài chính cho quản lý phân bùn tại thành phố Bên Tre do Nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường phối hợp với Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ thực hiện.

leftcenterrightdel
 

Các đại biểu tham dự và thảo luận chia sẻ tại seminar ((Ảnh: Bùi Văn Quang – VNUA))

leftcenterrightdel
 

Trạm xử lý phân bùn thải bể tự hoại TP. Bến Tre được xây dựng trên diện tích 1.142m2, trong khuôn viên bãi rác Phú Hưng, xã Phú Hưng (Nguồn: báo Đồng Khởi, Bến Tre)

Mở đầu buổi seminar, chủ toạ, TS. Dương Nam Hà, Trưởng BM Phân tích định lượng, nêu nội dung, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của buổi trao đổi. Sau đó, TS. Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả nghiên cứu. Cũng giống như các tỉnh thành khác, thành phố Bến Tre có nguồn phát thải phân bùn khá lớn từ bể tự hoại của các hộ gia đình, trường học, bệnh viện, chợ, khách sạn… Các đơn vị thường không hút bể định kỳ, chỉ sử dụng dịch vụ hút khi gặp các sự cố như tắc hoặc xây mới. Việc hút, vận chuyển và xử lý phân bùn đang được thực hiện bởi cả công ty Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, cá nhân. Đối với khu vực công, phân bùn được xử lý và tái sử dụng một phần nhưng có công suất nhỏ. Đối với khu vực tư, có nhiều đơn vị, cá nhân tham gia nhưng phân bùn hầu như chưa được xử lý và khó kiểm soát về công nghệ và trang thiết bị bảo hộ lao động.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chi phí trung bình đối với hút, vận chuyển và xử lý phân bùn của cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân là 1.173.000 đồng/chuyến (3 m3) tại thời điểm khảo sát. Tuy nhiên đây là mức chi phí thực của thực tế của 2 loại hình doanh nghiệp tại thời điểm khảo sát có ảnh hưởng bởi bối cảnh chưa khai thác hết công suất xử lý do đại dịch Covid-19, các vấn đề kinh tế xã hội khác và chưa tính đến sự biến động của giá dầu. Nếu kịch bản giả định là các đơn vị hút và vận chuyển bình quân 2 chuyến/ngày, đơn vị xử lý khai thác tối đa công suất 20 m3/ngày, chi phí bình quân của cả 2 loại hình doanh nghiệp giảm xuống còn khoảng 537.000 đồng/chuyến. Dựa vào kết quả nghiên cứu thực trạng quản lý phân bùn tại thành phố Bến Tre và kinh nghiệm từ một số nước Châu Á, nhóm nghiên cứu đã đề xuất mô hình cơ chế tài chính trong quản lý phân bùn tại tỉnh Bến Tre trong thời gian tới.

Buổi seminar có sự tham giam và thảo luận sôi nổi của đông đảo các giảng viên và nghiên cứu viên trong Khoa. Các thảo luận liên quan đến các vấn đề xác định dịch vụ hút, vận chuyển và xử lý phân bùn là hàng hóa công cộng hay hàng hóa cá nhân, các chi phí trung gian (transaction cost) của dịch vụ và hướng sử dụng phân bùn sau xử lý.

Bùi Văn Quang, Nhóm NCM  Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường