Trong khuôn khổ hợp tác Khoa học – Công nghệ và trao đổi học thuật, 14h30 ngày 07/03/2023 tại Phòng 405, nhà Hành chính, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, nhóm NCM Quản lý Phát triển nông thôn đã tổ chức buổi Seminar với chủ đề “Food Problem, Farm Problem, and thereafter in Japan: Implications to Vietnam” do Giáo sư Koichi Fujita đến từ Đại học Aoyama Gakuin, Nhật Bản trình bày.

            Tham dự Seminar có PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, trưởng nhóm NCM Quản lý Phát triển nông thôn; TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó Trưởng Khoa cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên các lớp Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế tài chính, Kinh tế, Quản lý kinh tế và PTNT.

leftcenterrightdel
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hiền phát biểu chào mừng chuyên gia 

Sự chuyển đổi từ “vấn đề khó khăn về lương thực” sang “vấn đề khó khăn trong nông nghiệp” diễn ra rất nhanh, điều này cũng ngụ ý rằng người nông dân cũng không phải dễ dàng thích nghi nhanh chóng với môi trường kinh tế xã hội mới. Bài trình bày của Giáo sư Fujita nhằm hệ thống lại các kinh nghiệm lịch sử của Nhật Bản và của các nước châu Á trong việc chuyển từ vấn đề khó khăn về lương thực sang vấn đề khó khăn trong nông nghiệp, để rút ra một số hàm ý cho trường hợp của Việt Nam.

leftcenterrightdel
GS Fujita trình bày trước gần 40 đại biểu tham dự tọa đàm 

Trong bài trình bày, GS Fujita đã khái quát lịch sử ngành nông nghiệp của Nhật Bản qua một giai đoạn dài từ thế kỷ 16, 17 đến sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 và cho đến nay; chỉ ra những thành tựu cũng như những vấn đề mà nền nông nghiệp Nhật Bản đã đạt được và đang phải đối mặt trong thời gian gần đây trên các khía cạnh về lương thực và nông nghiệp cũng như những hệ lụy của những vấn đề đó. Theo đó, ở giai đoạn đầu, đặc biệt sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 vấn đề khó khăn về lương thực đến từ hai nguyên nhân chính đó là 1) sự gia tăng dân số (ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế) trong quá trình “chuyển đổi nhân khẩu học” và 2) sự gia tăng mức tiêu thụ lương thực bình quân đầu người do chuyển dịch lương thực thiết yếu từ lương thực chất lượng thấp sang lương thực cao cấp (Trường hợp Nhật Bản, từ ngũ cốc thô đến gạo) và tăng tiêu thụ protein động vật. Những điều này đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến an ninh lương thực của quốc gia.

Tuy nhiên sau đó vấn đề khó khăn về lương thực đã nhanh chóng chuyển sang vấn đề khó khăn về nông nghiệp khi mức tiêu thụ lương thực bình quân đầu người cuối cùng đã đạt mức ổn định, hoặc thậm chí bắt đầu giảm. Sự gia tăng dân số cũng chậm lại. Hệ số Engel (tỷ lệ chi tiêu cho thực phẩm trên tổng chi tiêu hộ gia đình) giảm nhanh chóng. Điều này dẫn tới thu nhập của nông dân không thay đổi (thậm chí giảm), trong khi thu nhập của những nhóm phi nông nghiệp tăng nhanh. Hậu quả là khoảng cách thu nhập giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, giữa nông thôn và thành thị tăng lên nhanh chóng.

Ba cơ chế chính để giải quyết vấn đề này trong nông nghiệp đó là 1) Mở rộng quy mô trang trại trong sản xuất lương thực chính (lúa gạo); Phát triển thị trường bán và/hoặc cho thuê đất; 2) Chuyên môn hóa trong nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao (chăn nuôi, làm vườn, v.v.); và 3) Từ bỏ nông nghiệp và chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp. Giải pháp thứ 3 là chiến lược chính tuy nhiên thực hiện nó không phải dễ dàng khi phải cần đầu tư nhiều hơn cho vấn đề giáo dục và như vậy cũng phải có thời gian và qua nhiều thế hệ.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Các vấn đề khó khăn liên quan tới nông nghiệp như nông dân thu nhập thấp, thiếu các chương trình phúc lợi xã hội; cơ sở hạ tầng kém ở khu vực nông thôn, năng suất lao động thấp là các vấn đề mà chính phủ các nước ở Châu Á trong đó có Việt Nam cần quan tâm giải quyết. Với những đặc điểm tương đồng trong kết cấu làng xã của Việt Nam và Nhật Bản, những vấn đề về sản xuất nông nghiệp và những kinh nghiệm (cả tích cực và tiêu cực) mà Nhật Bản trải qua trong quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn đều là những bài học quý báu cho Việt Nam tham khảo.

            Cũng trong buổi seminar có nhiều câu hỏi có liên quan tới phát triển nông nghiệp và nông thôn cũng được các giáo viên, nghiên cứu viên và sinh viên trao đổi xoay quanh những vấn đề mà ngành nông nghiệp hai nước đã, đang và sẽ phải đối mặt cũng như những kinh nghiệm và gợi ý từ GS Fujita cho sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam trong tương lai.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Buổi seminar kết thúc lúc 16h00 cùng ngày trong không khí hữu nghị, chân tình và ý nghĩa đề lại những hình ảnh và kỷ niệm tốt đẹp cho GS Fujita về chuyến làm việc với Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn cũng như những tri thức khoa học mới làm phong phú hơn sự hiểu biết cho giảng viên, nghiên cứu viên cũng như sinh viên của Khoa, giúp cho việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập của giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên của Khoa hiệu quả hơn.

Nhóm NCM Quản lý PTNT