Nằm trong chuỗi các hoạt động sinh hoạt chuyên môn thường kỳ của các nhóm nghiên cứu mạnh, chiều ngày 18 tháng 10 năm 2021, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tổ chức seminar với chủ đề “Sở thích của nông dân về các đặc tính của bảo hiểm chăn nuôi bò sữa tại Hà Nội”, do TS. Trần Mạnh Hải - thành viên Nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý Phát triển nông thôn trình bày. Buổi seminar diễn ra theo hình thức trực tuyến trên nền tảng MS Teams, do TS. Nguyễn Minh Đức - Trưởng Bộ môn Kinh tế chủ trì, với sự tham gia của TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, cùng đông đảo cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên trong Khoa.

leftcenterrightdel
 

              Bảo hiểm nông nghiệp là vấn đề không mới, nhưng luôn là "bài toán hóc búa" và là vấn đề thời sự cần được quan tâm giải quyết, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nâng cao thu nhập, mức sống và an sinh xã hội của người dân nông thôn. Bảo hiểm nông nghiệp - một công cụ tài chính hữu ích nhằm chia sẻ rủi ro giữa người sản xuất kinh doanh nông nghiệp - được coi là tấm khiên vững chắc, đưa ngành nông nghiệp ngày càng tiệm cận hơn với sản xuất hàng hóa. Dù chỉ là loại hình non trẻ khi so sánh với đời sống sản xuất nông nghiệp của thế giới nhưng bảo hiểm nông nghiệp từ lâu đã trở thành “bảo hiểm nhân thọ” cho mùa vụ đối với người nông dân.

            Tại Việt Nam, bảo hiểm nông nghiệp đã được giới thiệu từ gần 40 năm qua, trải qua những giai đoạn thí điểm và thực thi chính sách khác nhau, nhưng cho đến nay tỷ trọng tham gia bảo hiểm vẫn ở mức rất thấp, tính cả theo tỷ lệ đối tượng tham gia và theo tỷ trọng doanh thu trong tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ. Thực tế này cho thấy bảo hiểm nông nghiệp hiện chưa phát huy hiệu quả, chưa đóng góp nhiều cho sản xuất nông nghiệp và việc triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

 

leftcenterrightdel
 

Sử dụng phương pháp thực nghiệm lựa chọn (Choice experiment - CE), nghiên cứu của TS. Trần Mạnh Hải đã tiến hành khảo sát, đánh giá sở thích của người nông dân về các đặc tính cơ bản của bảo hiểm chăn nuôi bò sữa tại huyện Ba Vì, Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy nông dân đánh giá dịch bệnh là yếu tố gây rủi ro lớn nhất, tiếp đến là biến động giá sữa, thời tiết bất lợi, biến động giá đầu, thiếu vốn, biến động giá bò giống. Phân tích 4 đặc tính cơ bản của bảo hiểm chăn nuôi bò sữa (thời hạn hợp đồng, số dịch bệnh được bảo hiểm, tỷ lệ bồi thường và phí bảo hiểm) dựa trên dữ liệu thực nghiệm lựa chọn, nghiên cứu chỉ ra rằng nông dân ưa thích nhất các gói bảo hiểm bao gồm nhiều dịch bệnh hơn được bao phủ trong hợp đồng, tiếp đến là tỷ lệ bồi thường cao hơn so với các chính sách cũ trước đây và thiết kế gói sản phẩm bảo hiểm có thời hạn 1 năm. Theo đó, đặc tính được nông dân quan tâm và sẵn chi trả cao nhất là số lượng dịch bệnh được bảo hiểm, mức sẵn lòng chi trả của nông dân cho việc đưa thêm nhiều hơn số lượng dịch bệnh được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm là cao nhất, tiếp đến là tỷ lệ bồi thường thiệt hại và các hợp đồng bảo hiểm được ký kết hàng năm. Từ phân tích sở thích của nông dân về các đặc tính của bảo hiểm, nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị cho phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp nói chung và bảo hiểm chăn nuôi bò sữa nói riêng trong thời gian tới, bao gồm: (i) Thiết kế và cung cấp đa dạng các gói bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của người chăn nuôi; (ii) Khuyến khích chăn nuôi tập trung, mở rộng quy mô chăn nuôi của nông dân chăn nuôi bò sữa; (iii) Đổi mới chính sách về bảo hiểm nông nghiệp theo hướng khuyến khích hình thành và phát triển thị trường BH, hỗ trợ người sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa; (iv) Khuyến khích áp dụng các mô hình/ quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP, GlobalGAP, hữu cơ,...); (v) Tăng cường và nâng cao nhận thức của hộ nông dân về thực hành chăn nuôi tốt, kiến thức về quản lý rủi ro và bảo hiểm nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

 Các thành viên tham gia trao đổi, thảo luận tại buổi Seminar

            Seminar đã diễn ra sôi nổi với các ý kiến thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm từ các giảng viên và nghiên cứu viên của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn. Kết thúc buổi seminar, TS. Nguyễn Minh Đức đã kết luận rằng phát triển bảo hiểm nông nghiệp nói chung và bảo hiểm chăn nuôi nói riêng ở Việt Nam vẫn còn đang đối mặt với rất nhiều thách thức, xuất phát từ đặc điểm sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của nền nông nghiệp; nhận thức hạn chế của nông dân về bảo hiểm nông nghiệp; thiết kế các gói bảo hiểm chưa đáp ứng nhu cầu cho từng nhóm nông dân, chưa phù hợp với điều kiện sản xuất và tự nhiên của các vùng; những vấn đề về hệ thống chính sách, khung thể chế và pháp lý cho thị trường bảo hiểm nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng cho sản xuất và cho bảo hiểm nông nghiệp còn lạc hậu, thiếu kết nối và đồng bộ. Trong thời gian tới, có nhiều khía cạnh cần được tiếp tục nghiên cứu về cách thiết kế sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp cho các hộ gia đình nông thôn, tập trung nhiều hơn đến các nghiên cứu theo hướng tiếp cận dựa vào thị trường và hoàn thiện hệ thống chính sách, khung thể chế và pháp lý cho sự hình thành và phát triển của thị trường bảo hiểm nông nghiệp.

 

Người viết bài: Nhóm NCM Quản lý Phát triển nông thôn