Seminar: Phân tích hiệu quả kinh tế của dự án “Phát triển nông thôn mới thông qua thiết lập mô hình làng mẫu để nâng cao giá trị gia tăng cho tằm tơ tại Yên Bái”
Cập nhật lúc 16:48, Thứ sáu, 30/12/2022 (GMT+7)
Đánh giá hiệu quả kinh tế của một dự án là nội dung mà được nhiều nhà nghiên cứu và tư vấn dự án quan tâm, đặc biệt là các nhà nghiên cứu và tư vấn dự án trẻ tuổi.
Đánh giá hiệu quả kinh tế của một dự án là nội dung mà được nhiều nhà nghiên cứu và tư vấn dự án quan tâm, đặc biệt là các nhà nghiên cứu và tư vấn dự án trẻ tuổi. Nắm bắt được nhu cầu đó, ngày 06 tháng 12 năm 2022, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã tổ chức seminar với chủ đề “Phân tích hiệu quả kinh tế của dự án “Phát triển nông thôn mới thông qua thiết lập mô hình làng mẫu để nâng cao giá trị gia tăng cho tằm tơ tại Yên Bái””. Chủ để được trình bày bởi TS. Đỗ Trường Lâm, thành viên nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường , dưới sự điều hành của PGS.TS. Nguyễn Thị Dương Nga.
Trong bài trình bày, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp với bảng hỏi bán cấu trúc để điều tra 40 hộ nông dân (tham gia và không tham gia dự án) về tình hình trồng dâu, nuôi tằm, và bán kén của họ ở huyện Văn Chấn và Trấn Yên của tỉnh Yên Bái ở hai thời điểm là trước khi dự án diễn ra (năm 2019) và khi dự án chuẩn bị kết thúc (2022). Qua đó, nhóm nghiên cứu đã ước lượng được hiệu quả kinh tế tính trên 1 vòng trứng tằm của các hộ nông dân tham gia và không tham gia dự án ở cả 2 thời điểm trước và sau khi dự án diễn ra. Với phương pháp khác biệt kép, nhóm nghiên cứu đã chỉ rõ tác động tích cực của việc tham gia vào dự án tới việc tăng thu nhập của các hộ nông dân trồng dâu nuôi tằm. Với các hộ mới tham gia trồng dâu nuôi tằm và cũng là hộ tham gia dự án thì không thể áp dụng phương pháp khác biệt kép này. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã so sánh hiệu quả kinh tê của trồng dâu nuôi tằm với cây trồng canh tranh nhất về đất đai (cây Ngô). Kết quả cho thấy, hiệu quả kinh tế của trông dâu nuôi tằm gấp gần 2 lần so với trồng ngô quanh năm trên cùng mảnh đất. Sau khi nhóm tác giả trình bày, các Thầy cô tham dự seminar đã thảo luận sổi nổi về các vấn đề cần được làm rõ trong nghiên cứu này như: Sự khác biệt giữa các giống dâu và giống tằm của dự án với các giống dâu và giống tằm trước đó (chủ yếu là giống dâu và giống tằm Trung Quốc). Các khoản chi phí khi chuyển giao giữa các lần nuôi tằm. Lao động trong độ tuổi và ngoài độ tuổi tham gia trồng dâu nuôi tằm. Sự cạnh tranh của dự án với các thương lái Trung Quốc về thu hút người dân nuôi tằm, bán kén, và giá bán kén.
Nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường