Trong khuôn khổ hợp tác, trao đổi học thuật Việt - Bỉ, 14h30 ngày 24/03/2025 tại Phòng 405, toà nhà Bùi Huy Đáp, Khoa Kinh tế và quản lý, nhóm NCM Quản lý Phát triển nông thôn đã tổ chức buổi Seminar với chủ đề “Điểm bùng phát và Nông nghiệp thích ứng: Từ nông nghiệp thông minh với khí hậu đến Nông nghiệp thông minh với tính dễ tổn thương” (Tipping Points and Resilient Agriculture: From Climate-Smart Agriculture to Vulnerable-Smart Agriculture”) do Giáo sư Hossein Azadi đến từ Đại học Liège, Vương Quốc Bỉ trình bày. Giáo sư Hossein Azadi đã xuất bản khoảng 500 bài báo trên tạp chí với trên 12000 trích dẫn và chỉ số H là 56, ông là nhà khoa học đứng trong top 3% nhà khoa học hàng đầu thế giới được xếp hạng bởi chỉ số AD Scientific. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là quản trị đất và sinh thái. Ông là thành viên của ban biên tập trong của nhiều tạp chí khoa học uy tín.

            Tham dự Seminar có PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý, trưởng nhóm NCM Quản lý Phát triển nông thôn; PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng – Phó Trưởng Khoa cùng giảng viên, nghiên cứu viên trong Học viện.

Theo chia sẻ của GS, dân số toàn cầu hiện nay là 8 tỷ người, tuy nhiên gần 700 triệu người (9% dân số toàn cầu) đang bị đói. An ninh lương thực sẽ gặp nhiều thách thức trong giai đoạn tới, để đáp ứng nhu cầu lương thực ước tính cho 9 tỷ người vào năm 2050, thế giới sẽ cần sản xuất thêm khoảng 70% tổng lượng lương thực hiện nay. Ở khía cạnh khác, nông nghiệp cũng chính là tác nhân góp phần tác động đến biến đổi khí hậu. Hiện tại, nông nghiệp góp phần khoảng 30% tổng lượng khí thải nhà kính (GHG). Do đó, cần cân bằng giữa sản xuất lương thực và bảo vệ môi trường. Cần có một loại hình nông nghiệp mới, Nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu (CSA), có khả năng phát triển bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu.

Trong bài trình bày, GS Hossein cũng đã chỉ ra nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) là giải pháp khắc phục vấn đề an ninh lương thực và phát triển sinh kế nông thôn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Mục tiêu chính của CSA là áp dụng công nghệ hiện đại và những tiến bộ khoa học để tăng năng suất và cải thiện hệ thống phục hồi.

Giáo sư cũng chỉ ra một số mô hình CSA được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ và đã được áp dụng ở các quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Uruguay, Brazil, Yemen và Malawi, các mô hình này được áp dụng tại thực tiễn đã mang lại kết quả khả quan vừa đảm bảo được an ninh lương thực mà cũng giảm thiểu được các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Tại buổi trao đổi, GS Hossein cũng giới thiệu hệ thống VSA - hệ thống phục hồi đặt hoạt động nông nghiệp quy mô nhỏ vào trọng tâm của bất kỳ chương trình can thiệp nào. Mục tiêu cuối cùng của VSA là trao quyền cho những người nông dân quy mô nhỏ. VSA được coi là một hệ thống thông minh vì nó có khả năng dự đoán các sự cố quan trọng (khí hậu và nông nghiệp) trong nông nghiệp. VSA dùng để đo lường tác động của những sự cố này đối với những người nông dân quy mô nhỏ. VSA có thể đánh giá các tài sản sinh kế của những người nông dân quy mô nhỏ và xác định các chiến lược ứng phó của họ để đối mặt với những sự cố như vậy.

Cũng trong buổi seminar, các nhà khoa học có nhiều câu hỏi của liên quan tới các cách tiếp cận với hệ thống cảnh báo và giảm thiểu rủi ro với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, ể giúp nông hộ, các trang trại và HTX giảm nhẹ thiệt hại do BĐKH và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Các trao đổi của diễn giả và các nhà khoa học, giảng viên diễn ra sôi nổi, học thuật. Thông qua buổi seminar các hướng nghiên cứu cũng được gợi mở cùng với sự hợp tác, trao đổi của các nhà khoa học.

Một số hình ảnh của buổi seminar:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

                        Tin và bài: Đồng Thanh Mai, nhóm NCM Quản lý phát triển nông thôn