Chiều ngày 06/12/2022, Khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn tổ chức buổi seminar với chủ đề “Một số biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa của các hộ nông dân tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa” do TS. Lê Phương Nam – thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý Tài nguyên Môi trường trình bày. Buổi seminar do PGS. TS. Nguyễn Thị Dương Nga chủ tọa với sự tham gia của các cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên trong Khoa.
Trong buổi seminar, TS. Lê Phương Nam đã trình bày về 3 nội dung chính: Lý do, mục tiêu nghiên cứu; Cơ sở lý thuyết, phương pháp nghiên cứu; Kết quả nghiên cứu nghiên cứu. Trong đó, lý do nghiên cứu đã đề cập Biến đổi khí hậu biểu hiện qua các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng thất thường, trong khi đó thời tiết – khí hậu là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, ngoài khả năng điều khiển của người nông dân. Các nghiên cứu trước đây đã phân tích đặc điểm hộ nông dân, nguồn lực sản xuất, yếu tố xã hội có ảnh hưởng đến khả năng thích ứng, đối phó với sự thay đổi khí hậu của hộ nông dân trong sản xuất lúa. Người nông dân sử dụng các biện pháp thích ứng để đối phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhằm duy trì, nâng cao sản lượng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các nghiên cứu dưới góc nhìn Kinh tế học Biến đổi Khí hậu về kết quả, hiệu quả của các biện pháp thích ứng vẫn cần phải xem xét, phân tích thêm. Trên cơ sở đó, để đánh giá quá trình thích ứng, đối phó với biến đổi khí hậu từ cấp độ hộ nông dân, nghiên cứu đã xem xét các mục tiêu như (i) phân tích, đánh giá nhận thức người nông dân về các biểu hiện của biến đổi khí hậu, (ii) phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định sử dụng các biện pháp thích ứng; (iii) Đánh giá kết quả sản xuất từ các biện pháp thích ứng.
Tác giả đã nêu ra cơ sở lý thuyết áp dụng cho nghiên cứu dựa trên Lý thuyết tối đa hóa độ thỏa dụng: Người nông dân lựa chọn thích ứng khi họ cho rằng nhận được lợi ích từ sử dụng biện pháp thích ứng. Tương ứng với việc phân tích các bước từ nhận thức người nông dân về sự thay đổi khí hậu thông qua nhiệt độ, lượng mưa, bước tiếp theo là phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn biện pháp thích ứng của người nông dân trong sản xuất lúa và cuối cùng là đánh giá kết quả, hiệu quả của các biện pháp thích ứng thông qua các chỉ tiêu như sản lượng, chi phí, doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ doanh thu trên chi phí trong sản xuất lúa.
Trong buổi seminar, TS. Lê Phương Nam cũng trình bày các phương pháp được sử dụng cho nghiên cứu, bao gồm kiểm định Mann-Kendall, Sen’s slop để xem xét xu hướng biến thiên và mức độ thay đổi của nhiệt độ, lượng mưa trong vòng 35 năm tại Nông Cống, đây là những phương pháp kiểm định có ưu thế trong đánh giá số liệu thời gian, phương pháp này tránh được xu thế giả tạo do một vài giá trị cực trị cục bộ gây ra nếu sử dụng phương pháp tính toán xu thế tuyến tính bằng bình phương tối thiểu và không cần quan tâm với sự phân bố của dữ liệu. Tiếp theo là mô hình probit đa biến (multivariate probit model – MPV) để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn biện pháp thích ứng, ưu điểm của mô hình MPV là sử dụng khi có nhiều lựa chọn đồng thời xảy ra cùng thời điểm, phù hợp với việc người nông dân chọn lựa nhiều biện pháp thích ứng trong một vụ sản xuất lúa. Cuối cùng, để đánh giá, so sánh kết quả các biện pháp thích ứng mang lại, tác giả trình bày về phương pháp ghép điểm điểm xu hướng (propensity score matching) để so sánh kết quả sản xuất lúa cho từng biện pháp thích ứng riêng lẻ, trong khi đó phương pháp Post-ANOVA để so sánh kết quả sản xuất khi kết hợp các biện pháp thích ứng.
Ở phần tiếp theo, tác giả đã trình bày về kết quả, ý nghĩa và hướng tiếp theo liên quan tới nghiên cứu. Theo đó, nhận thức về biến đổi khí hậu của người nông dân phù hợp với các số liệu khí tượng về sự thay đổi nhiệt độ, tuy nhiên lượng mưa thực chất không thay đổi trong vòng 35 năm qua tại Nống Cống, nhưng tần suất, cường độ các đợt mưa theo các hộ nông dân có sự thay đổi trong những năm gần đây. Từ đó, các biện pháp thích ứng phổ biến như Điều chỉnh lịch thời vụ trong khâu gieo cấy và thu hoạch; Điều chỉnh/Bổ sung lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đối phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan như khô hạn, rét đậm, các đợt mưa lớn và Thay đổi giống lúa ngắn ngày (từ 95-120 ngày) để nhằm thu hoạch sớm, tránh mùa mưa, bão. Kết quả đã cho thấy sử dụng biện pháp thích ứng giúp người nông dân sản xuất lúa chủ động trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, tiết kiệm được chi phí (như biện pháp thay đổi lịch thời vụ), đạt được lợi nhuận cao (như kết hợp giữa điều chỉnh lịch thời vụ và thay đổi giống lúa), hạn chế giảm sản lượng (như điều chỉnh/bổ sung lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đối phó với các đợt rét đậm, mưa lớn, khô hạn, thiếu nước nhiều ngày). Trên cơ sở đó, tác giả cũng đã trao đổi về một số biện pháp nâng cao khả năng thích ứng như các nội dung tập huấn về biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp cần lồng ghép trong các tập huấn về kĩ thuật sản xuất nông nghiệp, đầu tư xây dựng hệ thống để cung cấp thông tin thời tiết ngắn hạn và dài hạn ở quy mô huyện cho người sản xuất nông nghiệp, các hộ nông dân nên liên kết với các công ty sản xuất lúa gạo tại địa phương để tiếp thu và áp dụng kĩ thuật sản xuất chuẩn xác, mang lại kết quả và hiệu quả cao trong sản xuất lúa tại Nông Cống, Thanh Hóa.
Tại phần thảo luận, các ý kiến cho rằng, nghiên cứu đã áp dụng nhiều phương pháp để khẳng định kết quả áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đang mang hiệu quả cho sản xuất lúa và nghiên cứu có ý nghĩa trong việc phân tích, đánh giá thích ứng dưới góc độ kinh tế học biến đổi khí hậu – nội dung mà đang bắt đầu được giảng dạy tại Việt Nam. GS. TS. Nguyễn Văn Song trao đổi về các nghiên cứu về biến đổi khí hậu, cần xem xét các yếu tố khí tượng trong thời gian dài để xem xét xu hướng thay đổi trung bình, còn trong ngắn hạn cần đánh giá về cường độ, tần suất thay đổi. TS. Đỗ Trường Lâm đề xuất một số phương pháp liên quan chủ đề nghiên cứu này như có thể dùng thêm các mô hình lợi nhuận đơn vị, năng suất trong xem xét mối quan hệ với các biến đầu vào, biến khí tượng và các biện pháp thích ứng để khẳng định thêm kết quả nghiên cứu. Chủ tọa – PGS. TS. Nguyễn Thị Dương Nga kết luận nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu đang là vấn đề được Đảng và Chính phủ quan tâm, có ý nghĩa đặc biệt tới sản xuất nông nghiệp, đồng thời, nghiên cứu cần xem xét thêm trong bối cảnh hiện nay khi yếu tố thị trường, kĩ thuật sản xuất, chuyển đổi công nghệ đang xu hướng thay đổi trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các ý kiến thảo luận và đề xuất cho chủ đề nghiên cứu là những thông tin quan trọng để tác giả tham khảo, định hướng cho các nghiên cứu liên quan tiếp theo.
Nhóm NCM Kinh tế và Quản lý Tài nguyên Môi trường