Đa dạng hóa sinh kế là một chính sách quan trọng để xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Nông nghiệp là sinh kế chính của hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng sản xuất nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao nên mức thu nhập của hộ dân tộc thiểu số vẫn còn rất thấp. Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS còn rất thấp (khoảng 1,1 triệu đồng/người/tháng) so với mức thu nhập bình quna đầu người cảu cả nước là 2,64 triệu đồng/người/thánh (TCTK, 2019). Việc tham gia vào cả nông nghiệp và các hoạt động phi nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng thu nhập của các hộ gia đình nông thôn. Vì vậy, vai trò của các hoạt động phi nông nghiệp ngày càng được quan tâm trong việc tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hộ nghèo.

Ngày 17/10/2022, trong chuỗi các hoạt động Seminar định kỳ, tại phòng Hội thảo 405, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, TS. Hồ Ngọc Ninh - Thư ký nhóm Nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế & phát triển thị trường và ThS. Trương Thị Cẩm Anh -Nghiên cứu viên đã trình bày kết quả nhiên cứu nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn chiến lược sinh kế của các hộ DTTS trên địa bàn tỉnh Sơn La. Chủ trì buổi seminar là TS. Quyền Đình Hà, Trưởng Bộ môn Phát triển nông thôn. Ngoài ra, còn có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng và TS. Nguyễn Hữu Nhuần– Phó Khoa Kinh tế & PTNT cùng đông đảo các giảng viên và cán bộ nghiên cứu trong Khoa Kinh tế & PTNT.

leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel
 

ThS. Trương Thị Cẩm Anh trình bày seminar

 

TS. Hồ Ngọc Ninh thảo luận và trả lời các câu hỏi

Ở Sơn La có 12 dân tộc anh em (Mông, Thái, Mường Kinh, Dao, Khơ Mú, Tày…) sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm gần một nửa. Hiện nay, các hộ gia đình DTTS đã xây dựng chiến lược sinh kế phù hợp với bối cảnh và văn hóa của họ. Tuy nhiên, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; Cơ hội việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của đồng bào DTTS ở Sơn La còn rất hạn chế; Sinh kế không đa dạng. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh Sơn La còn cao, chiếm 26,42% tổng số hộ nghèo. Việc đánh giá các nguồn vốn để thực hiện các chiến lược sinh kế phù hợp và phân tích các yếu tố quyết định việc lựa chọn chiến lược sinh kế của các hộ DTTSở tỉnh Sơn La là rất cần thiết và là cơ sở để giúp các hộ lựa chọn được các chiến lược sinh kế phù hợp và giúp các hộ DTTS thoát nghèo.

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá các nguồn vốn hiện tại để thực hiện các chiến lược sinh kế của các hộ (trong đó tập trung vào các nguồn vốn như: vốn con người, vốn tài chính, vốn tự nhiên, vốn vật chất và vốn xã hội) và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn chiến lược sinh kế của các hộ gia đình DTTS ở tỉnh Sơn La

Nghiên cứu được thực hiện tại hai huyện (huyện Quỳnh Nhai và huyện Bắc Yên) của tỉnh Sơn La, đây là hai huyện khó khăn nhất của tỉnh, có nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Nghiên cứu đã sử dụng mô hình phân tích hồi quy logistic đa thức (Multinomial Logistic Regression) để phân tích các yếu tố quyết định lựa chọn chiến lược sinh kế của các hộ DTTS ở tỉnh Sơn La. Trong đó, biến phụ thuộc là chiến lược sinh kế của hộ được đo lường như sau: Agriculture alone (AG -là hộ chỉ có sinh kế nông nghiệp); Agriculture and off farm (AG+ OFF - Các hoạt động nông nghiệp kết hợp với các hoạt động phi nông nghiệp: chẳng hạn như làm thuê trong nông nghiệp, cho thuê đất sản xuất, và đi săn băn, hái lượm);  Agriculture and non farm (AG+ NON: Các hoạt động nông nghiệp kết hợp với các hoạt động phi nông nghiệp: như tiểu thủ công, dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ, làm công ăn lương và xuất khẩu lao động).

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: Thứ nhất, tỷ lệ hộ nghèo DTTS tại địa bàn nghiên cứu còn cao (69,6%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo chỉ làm nông nghiệp (87,3%) cao hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo của hộ AG + OFF và hộ AG +NON lần lượt là 57,1% và 53,8%. Thứ hai, các hộ gia đình có chiến lược sinh kế kết hợp AG + OFF và hộ AG +NON có tài nguyên thiên nhiên (đất đai) hạn chế hơn so với các hộ gia đình chỉ sử dụng nông nghiệp nhưng có nguồn nhân lực (giáo dục; và số lượng lao động) cao hơn và thu nhập cao hơn so với hộ chỉ sản xuất nông nghiệp. Thứ ba, các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn chiến lược sinh kế của hộ DTTS là: Các yếu tố ảnh hưởng đến hộ chọn sinh kế AG+OFF hơn là mỗi sinh kế nông nghiệp bao gồm: Tuổi, trình độ học vấn, Quy mô lao động, tiếp cận vốn vay, tiếp cận chính sách, đào tạo nghề; Còn các yếu tố ảnh hưởng đến hộ lựa chọn sinh kế AG+NON hơn là chỉ làm nông nghiệp gồm: Tuổi, trình độ học vấn, quy mô lao động, quy mô đất, khoảng cách đến chợ, cú sốc thời tiết, tiếp cận vốn vay, tiếp cận chính sách,  và đào tạo nghề.

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả cũng đã đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm phát huy và tăng cường các chiến lược sinh kế phù hợp với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sơn La như sau: Thứ nhất, các công cụ chính sách nên tập trung vào việc nâng cao năng lực của nông dân trẻ DTTS trong các lĩnh vực phi nông nghiệp để nâng cao kỹ năng của họ. Ngoài ra, những hộ lớn tuổi không có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động phi nông nghiệp, vì vậy cần tập trung hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho các hộ này; Thứ hai, nâng cao trình độ học vấn cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cần tăng cường giáo dục để nâng cao nhận thức của các hộ gia đình DTTS về các lựa chọn sinh kế khả thi và phù hợp với nguồn lực của hộ; Thứ ba, hỗ trợ các hộ dân nâng cao chất lượng đất sản xuất. Bên cạnh đó, các chính sách cần tập trung phát triển sinh kế phi nông nghiệp để giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất; Thứ tư, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho các hộ dân tộc thiểu số; Thứ năm, công tác đào tạo nghề cho đồng bào DTTS cần đa dạng hơn, kết hợp đào tạo phát triển nông nghiệp và đào tạo các nghề phi nông nghiệp có tiềm năng và lợi thế của địa phương; Thứ sáu, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

leftcenterrightdel
 

Các đại biểu tham dự seminar tại Khoa Kinh tế và PTNT

Theo các đại biểu tham dự seminar thì kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Ngoài ra các đại biểu cũng tích cực chia sẻ, trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến cho nhóm tác giả. Cụ thể, một số đại biểu cho rằng, nhóm tác giả nên làm rõ hơn biến thời gian về lựa chọn hay chuyển đổi sinh kế của hộ để làm rõ hơn các ảnh hưởng lựa chọn sinh kế của hộ DTTS và cần so sánh thêm các yếu tố ảnh hưởng giữa chiến lược sinh kế “AG+OFF” và “AG+NON”. Các trao đổi, góp ý và thảo luận của các đại biểu sẽ giúp cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện hơn kết quả cũng như mở ra nhiều khía cạnh mới cho những nghiên cứu sau.

Nhóm Nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và phát triển thị trường