Nằm trong khu vực trung tâm vùng Đồng Bằng Sông Hồng, Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó rất nhiều làng nghề có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm.... Để phát triển bền vững, Hà Nội đã có nhiều chính sách thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch. Phát triển loại hình du lịch làng nghề mang lại lợi ích kép về kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời trực tiếp góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Nếu phát huy được hiệu quả của các làng nghề truyền thống gắn với du lịch thì lợi ích mang lại là rất lớn. Vì vậy, trong Quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thành phố Hà Nội cũng xác định du lịch làng nghề là một hướng đi chính. Trong những năm qua, Thành phố đã quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, lưới điện, nước sạch, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở; tổ chức gặp mặt nghệ nhân, thợ giỏi... Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, xây dựng bãi đỗ xe… Thời gian qua, du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố đã có sự phát triển mạnh mẽ..Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn chưa xứng với tiềm năng của làng nghề. Tỷ lệ khách đến làng nghề so với khách du lịch của cả thành phố vẫn thấp. Doanh thu chủ yếu từ việc bán các sản phẩm thủ công truyền thống. Chi tiêu của khách du lịch cho các dịch vụ phục vụ du khách rất hạn chế. Làng nghề chủ yếu chỉ là nơi sản xuất và cung cấp các sản phẩm mà chưa được khai thác ở các khía cạnh không gian văn hóa. Các hoạt động nhằm giúp du khách có được các trải nghiệm cũng chưa thực sự phong phú. Với mục tiêu đánh giá các kết quả đã đạt được cũng như các tồn tại khó khăn cần tháo gỡ trong phát triển du lịch làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội, nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam do TS. Nguyễn Thị Thu Phương chủ trì đã đề tài nghiên cứu: “Phát triển du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đề tài đã đánh giá thực trạng phát triển du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về kết quả nghiên cứu thực tiễn, quá trình nghiên cứu điểm một số làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy:
- Khách du lịch đến thăm các làng nghề tại các điểm được chọn khảo sát: Bát Tràng, Vạn Phúc và Phú Vinh tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2016, làng nghề Vạn Phúc đón 16.699 lượt khách, số lượt khách tới Bát Tràng là 65.044. Năm 2018, con số này tăng lên lần lượt là 18.399 và 80.706 lượt khách. Điều này chứng tỏ làng nghề truyền thống là điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, khách du lịch đến làng nghề chủ yếu là khách nội địa, chiếm trên 70%, việc thu hút khách quốc tế còn hạn chế. Đề tài cũng chỉ ra rằng hoạt động phát triển du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội đang còn tồn tại những bất cập. Các khó khăn chủ yếu bao gồm: Thứ nhất, công tác xây dựng, phê duyệt và triển khai quy hoạch làng nghề du lịch còn chậm. Tại 3 làng nghề khảo sát cho thấy: Làng nghề Vạn Phúc đang triển khai lập quy hoạch, làng nghề Bát Tràng đang chờ phê duyệt quy hoạch. Làng nghề Phú Vinh mặc dù được phê duyệt từ năm 2012 nhưng chưa triển khai. Thứ hai, yếu tố cơ sở hạ tầng làng nghề còn thiếu và xuống cấp đặc biệt là hệ thống bãi đỗ xe, đèn chiếu sáng, nhà vệ sinh công cộng. Thứ ba, các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch tuy đa dạng nhưng còn ở quy mô nhỏ, các sản phẩm du lịch đặc thù của làng nghề độ tinh xảo chưa cao, thiếu tính đặc sắc. Thứ tư, người dân tại làng nghề thiếu những kiến thức chung về văn hóa, về nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ cũng như khả năng giao tiếp với khách du lịch nên gặp khó khăn trong việc giới thiệu văn hóa, lịch sử làng nghề. Đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù của làng nghề còn nghèo nàn, manh mún, tự phát.
- Đề tài cũng chỉ ra các yếu tố chính ảnh hưởng đến phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay bao gồm: (1) Chủ trương, chính sách của nhà nước và địa phương. Hiện nay, thành phố Hà Nội có nhiều chính sách phát triển làng nghề như chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, tập huấn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp; Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu làng nghề; Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề. Trong khi đó chưa có chính sách cụ thể cho phát triển làng nghề gắn với du lịch; (2) Sự phối hợp thực hiện giữa các bên trong phát triển du lịch làng nghề chưa chặt chẽ. Phát triển du lịch làng nghề là trách nhiệm không chỉ của cơ quan quản lý du lịch của địa phương mà còn cần sự tham gia của doanh nghiệp, công ty lữ hành và đặc biệt sự tham gia của người dân người dân. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các tác nhân trong việc thiết kế tour và kết nối các làng nghề còn lỏng lẻo; (3) Ý thức và kỹ năng làm du lịch của người dân còn hạn chế, một số làng nghề vẫn còn hiện tượng chèn ép giá, bán hàng nhái, hàng lỗi. Kỹ năng ngoại ngữ và đón tiếp khách quốc tế của người dân cũng là một trong những thách thức của các làng nghề; (4) Khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Nguồn vốn đầu tư cho du lịch làng nghề chủ yếu là từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sự đầu tư từ ngân sách Thành phố cho việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng làng nghề như giao thông, hệ thống điện… còn hạn hẹp. Đặc biệt, việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống, bến bãi còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
- Căn cứ vào kết quả phân tích thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng, các hạn chế và nguyên nhân của các hạn chế trong phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn hiện nay, đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển hiệu quả và bền vững du lịch làng nghề trên địa bàn thành phố trong những năm tới. Các nhóm giải pháp chính bao gồm: Hoàn thiện và đẩy nhanh việc phê duyệt và thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch; Hỗ trợ đào tạo, nhân cấy nghề truyền thống; Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; Tổ chức các tour, tuyến du lịch làng nghề gắn với tham quan các di tích lịch sử văn hóa; Đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch làng nghề; Thúc đẩy quảng bá, xúc tiến du lịch làng nghề; Tăng cường sự hợp tác liên ngành và liên vùng trong phát triển du lịch làng nghề.
Tác giả bài viết: Nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý Phát triển nông thôn – Học viện Nông nghiệp VN
Một số hình ảnh liên quan:
Khách tham quan trải nghiệm công đoạn se tơ tại làng nghề Vạn Phúc
Sản phẩm của làng nghề gốm Bát Tràng
Du khách nước ngoài trải nghiệm tại làng gốm Bát Tràng