Xin ông cho biết kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn Hà Nội cho đến nay?
- Tính đến nay, TP Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu thuộc huyện Đan Phượng.
Trong 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, gồm có: Xã Đan Phượng đạt chuẩn nông thôm mới kiểu mẫu về 5 lĩnh vực: Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tổ chức sản xuất, Du lịch. Xã Liên Hà đạt chuẩn nông thôm mới kiểu mẫu về 3 lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tổ chức sản xuất. Xã Song Phượng và xã Tân Hội đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về 3 lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Y tế. Xã Thọ Xuân đạt chuẩn nông thôm mới kiểu mẫu về 2 lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
Toàn TP có 382 xã nhưng đến nay mới đạt 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu, theo ông kết quả trên có còn khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội?
- Để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bắt buộc phải đạt nông thôn mới nâng cao. Căn cứ văn bản số 521/VPCP-NN ngày 15/1/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc ban hành nội dung trọng tâm xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, điều kiện, tiêu chí xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020, định hướng chỉ đạo xây dựng tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu cùng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, ngày 20/8/2018 UBND TP ban hành Quyết định số 4212/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.
Sau 4 năm ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của TP Hà Nội, đến nay toàn TP có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó năm 2018 có 3 xã đạt, năm 2019 có thêm 8 xã đạt, năm 2020 có thêm 18 xã đạt và năm 2021 có thêm 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phải nói thêm rằng, để các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đã khó cần thời gian, nguồn lực rất lớn. Cụ thể, theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 của UBND TP Hà Nội, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, 60 chỉ tiêu, nhiều hơn 11 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020 (49 chỉ tiêu). Còn Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao gồm 19 tiêu chí, 78 chỉ tiêu. Trong đó có một số tiêu chí, chỉ tiêu mới so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 -2020 và một số chỉ tiêu yêu cầu cao hơn so với quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đến khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu còn khó khăn hơn rất nhiều do yêu cầu tiêu chí càng được nâng lên. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ và sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đến năm 2020, TP Hà Nội có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2021, có 5/29 xã nâng cao được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 17,24%, như vậy tỷ lệ cũng không phải quá thấp.
Như ông nói, để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu yêu cầu đặt ra rất cao, vậy những khó khăn, vướng mắc điển hình với các xã trên địa bàn Hà Nội là gì, thưa ông?
- Theo Quyết định số 691/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 – 2020, đặt ra yêu cầu của tiêu chí thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Yêu cầu này là tương đối cao so với các xã. Chẳng hạn, năm 2021, các xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu phải đạt từ 76,5 triệu đồng/người/năm trở lên trong khi thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hà Nội chỉ đạt 54,07 triệu đồng/người/năm. Đến giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đặt ra yêu cầu thu nhập bình quân đầu người cao hơn 10% so với xã nông thôn mới nâng cao, cũng là tương đối cao so với nhiều xã.
Nhìn chung, các yêu cầu của Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu cũng cao hơn rất nhiều so với Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, đặc biệt là lĩnh vực về môi trường, an ninh trật tự. Bên cạnh đó, yêu cầu bắt buộc để đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu là phải có mô hình thôn thông minh, đây là khái niệm mới.
Một trong những khó khăn lớn nữa là nguồn vốn hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu còn hạn chế. Trong hai năm 2020 – 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân bị giảm sút nên việc huy động, đóng góp của người dân cho xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nói riêng cũng giảm.
Trong tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, ngoài thu nhập bình quân đầu người cao hơn 10% so với xã nông thôn mới nâng cao, còn yêu cầu có ít nhất một mô hình thôn thông minh, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể. Theo ông, yêu cầu này có khó khăn với các xã hiện nay?
- Ngày 29/8/2022, UBND TP ban hành Quyết định số 3098/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu có quy định mô hình thôn thông minh, gồm: Tổ công nghệ số cộng đồng; Giao tiếp thông minh; Thương mại điện tử; Du lịch thông minh; Dịch vụ xã hội. Đây là một trong những nội dung mới trong giai đoạn 2021 -2025. Hiện nay TP đang giao Sở TT&TT chủ trì, xây dựng hướng dẫn để giúp các địa phương triển khai thực hiện.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP xác định, đây là một tiêu chí mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và phải có thời gian để khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới. Việc triển khai thực hiện tiêu chí này còn rất nhiều khó khăn do T.Ư không có khung hướng dẫn mà giao cho cấp tỉnh quy định (mỗi tỉnh, TP sẽ quy định riêng). Mặc dù vậy, trên cơ sở Bộ tiêu chí TP đã ban hành, hiện nay các địa phương cũng đã chủ động tiếp cận và triển khai thực hiện xây dựng mô hình thôn thông minh.
Vậy theo ông, xây dựng mô hình thôn thông minh ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cần gắn như thế nào với chương trình chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn nói riêng và chuyển đổi số quốc gia hiện nay?
- Ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn – thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 cũng quy định rất rõ mô hình thôn thông minh với các yêu cầu rất cụ thể. Đây chính là tiền đề ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng trên địa bàn một thôn, sau đó triển khai ra địa bàn các thôn, xã khác, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong giai đoạn tiếp theo.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của tất cả các ngành, lĩnh vực. Với ngành nông nghiệp Hà Nội, hiện nay Sở NN&PTNT đã phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch hàng năm. Trong đó yêu cầu các đơn vị trong ngành chủ động triển khai chương trình kinh tế số, từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Sở tiếp tục tham mưu với TP có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số. Vì vậy, xây dựng mô hình thôn thông minh cũng chính là một phần của chuyển đổi ngành nông nghiệp cũng như chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong quá trình chuyển đổi số ở nông thôn, người nông dân được coi là chủ thể quan trọng. Vậy theo ông, làm thế nào để giúp người nông dân trở thành nông dân 4.0?
- Xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số là mục tiêu mà toàn TP đang tập trung chỉ đạo triển khai và ngành NN&PTNT cũng không ngoại lệ. Ở trong nền kinh tế số, mỗi nông dân đóng vai trò là một DN, phải biết cách quản lý quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, chất lượng rồi xây dựng thương hiệu, tiếp thị, quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số. Đơn cử như cách đây vài năm, Hà Nội đã hỗ trợ nông dân minh bạch thông tin về nông sản và sản phẩm làng nghề thông qua quét mã QR code. Rồi từ năm 2021, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng đã hỗ trợ, tập huấn cho nông dân, các chủ thể OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) về bán hàng online, livestream giới thiệu sản phẩm trên Facebook; rồi thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP…
Được biết, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội vừa hợp tác với TikTok để đưa sản phẩm OCOP của Thủ đô lên quảng bá trên mạng xã hội này. Ông đánh giá TikTok có điểm gì khác và nổi bật so với các kênh thương mại điện tử khác?
- TikTok hiện đang là nền tảng giải trí hàng đầu hàng đầu thế giới và Việt Nam, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, mang đến những trải nghiệm thú vị cho người dùng. TikTok Shop tại thị trường Việt Nam là một giải pháp sáng tạo dành cho cả người mua, người bán, mang đến hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, liền mạch ngay trên TikTok, từ khâu tải sản phẩm lên nền tảng, quản lý đơn hàng, giao hàng và thanh toán, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các chủ thể OCOP. Đặc biệt, với xu hướng Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí), các DN vừa và nhỏ càng có thêm cơ hội để gắn kết với cộng đồng thông qua yếu tố giải trí, khả năng tương tác cao trong những nội dung giới thiệu hoặc tạo nhu cầu cho những sản phẩm mới.
Trước xu thế đó, ngày 31/8/2022, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã ký hợp tác với TikTok để đưa sản phẩm OCOP của Thủ đô lên quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp đó, ngày 19/9/2022, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với TikTok tổ chức lớp tập huấn và hỗ trợ xúc tiến thương mại trên nền tảng TikTok cho hơn 100 chủ thể OCOP của Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước.
Ngay sau buổi tập huấn này, Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới Hà Nội và TikTok sẽ tiến hành lựa chọn các chủ thể OCOP để đào tạo chuyên môn về tạo video ngắn trên TikTok. Trên cơ sở đó, các chủ thể có thể livestream chính thức vào ngày 11/10/2022 tại sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng tổ chức tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Hiệu quả kỳ vọng của việc hợp tác này như thế nào, thưa ông?
- Hà Nội có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhất cả nước với 1.649 sản phẩm được công nhận, chiếm 19% số sản phẩm của cả nước (8.340 sản phẩm). Các sản phẩm OCOP của Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tôi tin tưởng và kỳ vọng các sản phẩm OCOP được đăng tải trên TikTok Shop sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho các chủ thể. Đồng thời cũng là cơ hội để sản phẩm OCOP của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung sẽ được người dân Việt Nam và toàn thế giới biết đến, tiêu thụ sản phẩm trong thời gian không xa.
Cùng với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là một trong hai điểm đầu đất nước có thị trường và nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông sản, OCOP cao. Do đó, việc hợp tác với TikTok không chỉ giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chất lượng của Hà Nội mà còn kết nối, đưa nông sản và sản phẩm OCOP phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, như mục tiêu chúng tôi hướng đến xây dựng “OCOP của Thủ đô và Thủ đô của OCOP”. Trước mắt, chúng tôi kỳ vọng, các chủ thể được hỗ trợ tập huấn bán hàng trên TikTok trong đợt này sẽ trở thành những đầu kéo để nhân rộng những “nông dân số” trong thời gian tới.
Thưa ông, hiện nay tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 đã được ban hành. Tuy nhiên, tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu thì tại Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022, Thủ tướng chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện huyện nông thôn mới kiểu mẫu đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Dù vậy, đến nay chưa có hướng dẫn, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện, thưa ông?
- Hiện nay, có 4 huyện gồm: Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), Hải Hậu (tỉnh Nam Định), Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) và Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) được T.Ư chọn thí điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Việc thực hiện thí điểm các huyện ở các vùng trên cả nước nhằm phát huy tính đặc thù điều kiện kinh tế, tự nhiên, xã hội. Từ đó góp phần xây dựng vùng nông thôn văn minh, giàu bản sắc dân tộc, một nền nông nghiệp hiện đại với chuỗi giá trị, khai thác lợi thế từng vùng và nâng cao đời sống nông dân, tiến tới giàu có, văn minh.
Thông qua việc triển khai thí điểm 4 huyện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ để có hướng chỉ đạo cụ thể về nội dung này.
Như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu mới đây rằng, mỗi địa phương cần dựa vào thế mạnh vùng miền để tạo ra sự khác biệt, đa dạng trong xây dựng nông thôn mới. Chính sự khác biệt đó sẽ tạo ra hình ảnh địa phương hấp dẫn hơn, để tạo ra sự thu hút từ đời sống nông thôn, để mỗi địa phương không chỉ tự hào về những tiêu chí đã đạt được mà còn lưu giữ được những di sản nét đẹp văn hóa đặc trưng. Theo ông, Hà Nội cần dựa vào điều gì để tạo ra bản sắc riêng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu?
- Thủ đô Hà Nội được mệnh danh là vùng đất trăm nghề, hội tụ trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, lớn nhất cả nước. Trải qua hơn 1.000 năm văn hiến, các làng nghề xưa vẫn còn in dấu ấn lịch sử văn hoá cho tới ngày nay. Nền tảng văn hoá truyền thống này giúp Hà Nội tiếp tục sáng tạo, lan tỏa, thể hiện vai trò quan trọng trong xuất khẩu hàng hóa và phát triển kinh tế. Thêm vào đó, với vị thế Thủ đô, Hà Nội được chọn là điểm đến của rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Hà Nội còn có nhiều địa điểm có điều kiện tự nhiên thích hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh. Đây là điều kiện tốt để gắn kết xây dựng nông thôn mới với giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của nông thôn Hà Nội.
Giai đoạn 2022 - 2025, TP sẽ tập trung xây dựng thí điểm các mô hình, gồm: Du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.
Thưa ông, Hà Nội đã có đề án đưa 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng phát triển thành quận theo lộ trình từ nay đến 2025. Vậy, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mới ở những địa phương này phục vụ cho quá trình phát triển thành quận như thế nào?
- Mục tiêu xuyên suốt của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Do vậy, Thành ủy Hà Nội xác định việc xây dựng nông thôn mới song song với việc xây dựng xã thành phường, huyện thành quận.
Đối với 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng phát triển thành quận theo lộ trình từ nay đến 2025, thực hiện song song 2 bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới nâng cao và tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận. Trong đó nếu cùng một chỉ tiêu thì yêu cầu của Bộ tiêu chí nào cao hơn thì thực hiện, đảm bảo hiệu quả, tránh đầu tư lãng phí. Chúng ta xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các xã tiệm cận tiêu chí phường để tránh gặp phải bất cập khi đô thị hóa ở giai đoạn trước.
Nhiều người lo ngại rằng, sau khi đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện phát triển thành quận song người dân vẫn làm nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Việc các huyện phát triển thành quận người dân vẫn làm nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi là việc bình thường do quy hoạch của quận vẫn còn các vùng sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, Hà Nội xác định phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất và chia ra 3 vùng để định hướng phát triển như: Các quận nội thành, các huyện định hướng chuyển thành quận và các huyện ngoại thành Hà Nội.
Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025 cũng xác định đến năm 2025, Hà Nội có tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%. Đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...
Vậy đặc trưng của nông nghiệp đô thị Hà Nội khi đó sẽ như thế nào, thưa ông?
- Như tôi đã nói, đô thị hóa là quá trình tất yếu của Hà Nội và khi đó, phát triển nông nghiệp cũng sẽ phải chuyển dịch cho phù hợp và có những chính sách, định hướng riêng. Trong đó, với 8 quận lõi không có đất sản xuất nông nghiệp sẽ thực hiện phát triển nông nghiệp đô thị theo trục tung (thẳng đứng) với các mô hình như trồng hoa, cây cảnh, trồng rau hữu cơ, rau thủy sinh… nhằm tăng độ phủ xanh của đô thị. Với 4 quận còn đất sản xuất nông nghiệp và 5 huyện dự kiến phát triển thành quận (Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng) sẽ vừa phát triển sản xuất theo trục tung, phần đất nông nghiệp còn lại sẽ phát triển nông nghiệp sinh thái trải nghiệm, chế biến sâu, xanh, sạch gắn với du lịch.
Với 13 huyện, thị xã còn lại vẫn còn xã, thị trấn thì vừa phát triển nông nghiệp sinh thái, chế biến sâu gắn với du lịch vừa phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, do diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn nhiều. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp khi này cần phải có liên kết, trong đó DN đóng vai trò là đầu tàu, hợp tác xã là hạt nhân liên kết người nông dân vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Định hướng trọng tâm của Hà Nội vẫn tập trung vào sản xuất cây, con giống chất lượng cao.
Như vậy, phải xác định được từng vùng để có cơ chế, chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển đồng bộ nông nghiệp nông thôn của Hà Nội phù hợp với vị thế một đô thị đặc biệt.
Hiện nay, dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô cũng đang được chỉ đạo triển khai, đi qua một số huyện ngoại thành Hà Nội. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, cơ hội phát triển cho các địa phương này gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới?
- Hiện nay, dự án đường Vành đai 4 đang được Thành ủy, UBND TP chỉ đạo triển khai, đi qua một số huyện ngoại thành Hà Nội. Đây là cơ hội thuận lợi để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tạo sức hút giãn mật độ dân cư khu vực trung tâm đô thị, phát triển chuỗi đô thị vệ tinh và các khu vực đô thị, công nghiệp. Đồng thời mở ra không gian kết nối và phát triển, không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, tăng nguồn lực phát triển mà còn tăng khả năng liên kết, giao thương hàng hóa giữa nội thành với ngoại thành và giữa Hà Nội với các tỉnh, TP lân cận. Qua đó mang lại lợi thế lớn về vận chuyển, giúp giảm giá thành, chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm đồng thời là cơ hội để nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… phát triển một cách toàn diện. Đây sẽ là cơ hội cho các địa phương phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Các địa phương có dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô chạy qua cần làm gì để tận dụng được lợi thế đó, thưa ông?
- Giao thông là cốt lõi của phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Khi có tuyến Vành đai 4 chạy qua, mở ra liên kết vùng, các địa phương cần tận dụng tốt để xây dựng các trung tâm hậu cần logistics, chế biến cũng như khớp nối đầu ra sản phẩm với các địa phương khác. Đồng thời, tuyến Vành đai 4 khi chạy qua địa phương nào đó, có thể chia cắt địa bàn cũng đặt ra bài toán phải quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với tình hình mới để bảo đảm phát triển bền vững.
Được biết, TP Hà Nội đã chọn hai xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và Hồng Vân (huyện Thường Tín) để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô, ông có thể cho biết tiến độ thực hiện đến đâu?
- Thực hiện Thông báo số 1886-TB/TU ngày 5/4/2019 của Thành ủy Hà Nội kết luận của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI tại Tọa đàm “Nữ tri thức Hà Nội tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030”, giao Hội Nữ tri thức TP xây dựng Đề án thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó chọn hai xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và Hồng Vân (huyện Thường Tín) để làm điểm theo hướng hai xã này sẽ xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cả 7 lĩnh vực, gồm: Sản xuất, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Du lịch, Môi trường, An ninh trật tự, Y tế (nông thôn mới toàn diện).
Tuy nhiên, hết năm 2020, Đề án vẫn chưa được phê duyệt, trong khi căn cứ để xây dựng đề án là Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3745/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 của UBND TP chỉ áp dụng đến hết năm 2020. Tiếp đó, ngày 29/8/2022, UBND TP ban hành Quyết định số 3098/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 để triển khai áp dụng trên địa bàn TP. Trong đó thêm một lĩnh vực mới là chuyển đổi số.
Kết quả đến năm 2021, xã Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về 5 lĩnh vực: Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tổ chức sản xuất, Du lịch. Còn xã Hồng Vân huyện Thường Tín đang triển khai xây dựng và trình TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022.
Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 15 xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Theo ông, cần giải pháp như thế nào để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thành công?
- Để đạt mục tiêu trên, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự ủng hộ của người dân. Cùng với đó, tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó các xã cần xác định rõ lĩnh vực thế mạnh của địa phương để tập trung đầu tư, tránh đầu tư dàn trải.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân. Kịp thời phổ biến, tuyên truyền đầy đủ các văn bản của cấp trên, thông qua các hội nghị và các phương tiện truyền thông hiện có của địa phương, đặc biệt là những vấn đề, những nội dung mang tính bức thiết, nhằm động viên, huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong Nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn báo: Kinh tế & Đô thị