Nằm trong các hoạt động sinh hoạt chuyên môn thường kỳ của các nhóm nghiên cứu mạnh, chiều ngày 25 tháng 10 năm 2021, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tổ chức seminar với chủ đề “Nông nghiệp tuần hoàn – cơ sở lý thuyết và thực tiễn”, do PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – trưởng Nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý Phát triển nông thôn trình bày. Buổi seminar diễn ra theo hình thức trực tuyến trên nền tảng MS Teams, do GS.TS. Nguyễn Văn Song chủ trì, với sự tham gia đông đảo của các cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên của Khoa.

leftcenterrightdel
 

Tăng trưởng kinh tế, CNH, ĐTH với việc khai thác tài nguyên theo mô hình truyền thống đã tạo ra một lượng chất thải lớn vào môi trường gây ô nhiễm và suy thoái môi trường. Nông nghiệp được đánh giá là môt ngành thiếu bền vững, đang tạo ra một lượng chất thải khá lớn, đồng thời nhiều phụ phẩm của ngành nông nghiệp có thể có ích nhưng hiện đang bỏ lãng phí hoặc cách xử lý như hiện nay cũng đang gây ô nhiễm môi trường. Kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn là giải pháp, là xu thế phát triển trên toàn cầu và hiện đang được nhiều nước trên thế giới triển khai áp dụng. Kinh tế tuần hoàn được đưa ra từ những năm 60 và 70 của thế kỷ trước bởi một số nhà kinh tế môi trường và kinh tế sinh thái, nhưng được nhắc đến nhiều hơn và được quan tâm nghiên cứu là vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20. Ở Việt Nam, Kinh tế tuần hoàn đã được đề cập đến trong Đại hội Đảng lần thứ 11 và trong nhiều văn bản chính sách, chiến lược của nhà nước, song kinh tế tuần hoàn nói chung và nông nghiệp tuần hoàn nói riêng vẫn là vấn đề còn khá mới mẻ.

Mục tiêu của bài trình bày nhằm chia sẻ 1) Các quan điểm và các khái niệm khác nhau về kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp tuần hoàn; 2) Phân tích các nguyên tắc, lợi ích của nông nghiệp tuần hoàn, chỉ ra các rào cản trong việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn và 3) Tổng kết các bài học kinh nghiệm trong thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới để vận dụng cho Việt Nam.

Nông nghiệp tuần hoàn (Circular Agriculture) được hiểu là Kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp. Có nhiều định nghĩa khác nhau về nông nghiệp tuần hoàn. Nhưng tựu trung thì đều cho rằng nông nghiệp tuần hoàn là nền sản xuất nông nghiệp theo một chu trình khép kín mà ở đó chất thải hay phế phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Nông nghiệp tuần hoàn dựa trên nguyên tắc tối ưu hóa việc sử dụng tất cả sinh khối nông nghiệp nhằm mục đích khép kín vòng lặp nguyên liệu và vật chất; giảm cả việc sử dụng tài nguyên và chất thải ra môi trường. Thông qua việc ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn sẽ có một sự kết hợp hợp lý giữa trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi và đánh bắt thủy sản theo quy luật sinh thái, nhằm tạo ra nhiều lợi ích kinh tế và sinh thái bằng cách sử dụng vật liệu và năng lượng hiệu quả hơn.

Nông nghiệp tuần hoàn đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử loài người. Nông nghiệp cũng được đánh giá là một lĩnh vực dễ dàng áp dụng kinh tế tuần hoàn do nông nghiệp có lợi thế gắn kết chặt chẽ với môi trường tự nhiên, nên dễ dàng hơn với quá trình tái chế vật liệu của các hệ sinh thái tự nhiên. Ba nguyên tắc chính của nông nghiệp tuần hoàn đó là (i) Sự bảo tồn và nâng cao giá trị của tài nguyên thiên nhiên, (ii) Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, (iii) Sử dụng đa mục đích và thu hồi giá trị từ chất thải. Việc áp dụng nông nghiệp tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích cho sản xuất nông nghiệp như tạo ra sản phẩm an toàn, có chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm, lợi ích kinh tế, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tác động tới môi trường. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn còn giúp nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế và hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết, giúp mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất và được coi là một hình thức để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên việc áp dụng nông nghiệp tuần hoàn vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn và thách thức như rào cản về chính sách, văn hóa, tài chính, thông tin, công nghệ kỹ thuật, mạng lưới cung cầu.

            Tác giả cũng đã hệ thống lại các kinh nghiệm trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở các nước trên thế giới như ở EU, ở Đức, Hà Lan, Úc, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…. từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, cụ thể là: (i) Coi phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi tất yếu, mang tính chiến lược trong chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp; (ii) Xây dựng khung pháp lý cũng như cơ chế ưu tiên, hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn; (iii) Phát triển nông nghiệp tuần hoàn gắn với phát triển khoa học công nghệ; (iv) Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất mới, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát triển nông nghiệp tuần hoàn; (v) Phát triển nông nghiệp tuần hoàn thích ứng được với biến đổi khí hậu; (vi) Nâng cao nhận thức của xã hội về nông nghiệp tuần hoàn, sự cần thiết và ích lợi của phát triển nông nghiệp tuần hoàn thông qua gắn phát triển nông nghiệp tuần hoàn với giáo dục, đào tạo; (vii) Xây dựng chương trình đào tạo chính quy về nông nghiệp tuần hoàn ở các trường đại học hay những khóa đào tạo ngắn hạn ở các cơ sở giáo dục - dạy nghề; (viii) Tận dụng và huy động nguồn lực toàn xã hội cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra được xu thế phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên phạm vi toàn quốc; (ix) Tạo dựng, khuyến khích, hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp tuần hoàn.

leftcenterrightdel
 

Seminar đã diễn ra sôi nổi với các ý kiến thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm từ các giảng viên và nghiên cứu viên của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn. Kết thúc buổi seminar, GS.TS Nguyễn Văn Song kết luận Kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp tuần hoàn là một xu hướng tất yếu hiện đại để hướng tới tính bền vững trong phát triển nông nghiệp. Hiện nay Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm tới lĩnh vực này, bằng chứng là nhiều công trình, nhiều đề tài, dự án được phê duyệt đều liên quan đến nông nghiệp tuần hoàn. Hiểu rõ, hiểu sâu về nông nghiệp tuần hoàn và ứng dụng một phần hoặc toàn bộ trong sản xuất nông nghiệp là việc làm quan trọng, cần có sự góp sức của các nhà khoa học.

Tin bài: Đồng Thanh Mai, Nhóm NCM Quản lý và phát triển nông thôn