Sáng ngày 25/9/2020, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đã tiến hành họp xét, đánh giá nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp sản xuất phục vụ thúc đẩy xuất khẩu một số sản phẩm cây ăn quả chủ lực trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ tịch Hội đồng.
PGS.TS Nguyễn Mậu Dũng, chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tổng kết tại Hội đồng nghiệm thu
Đề tài do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, PGS.TS Nguyễn Mậu Dũng làm chủ nhiệm với mục tiêu: Đánh giá thực trạng, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu một số sản phẩm cây ăn quả chủ lực trên địa bàn tỉnh, đề xuất các giải pháp sản xuất để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới. Sau hơn một năm triển khai nghiên cứu, đánh giá về thực trạng phát triển sản xuất cây ăn quả tại tỉnh Sơn La cho thấy: Hiện nay toàn tỉnh có trên 70.000 ha cây ăn quả, giai đoạn 2015-2019, diện tích cây ăn quả chủ lực như: Xoài, nhãn, mận, chanh leo… tăng 50.000 ha, bình quân tăng 30-50%/năm. Theo kế hoạch đến năm 2025, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 100.000 ha, sản lượng ước đạt 1,1 triệu tấn. Các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trên 10.000 ha/vùng bao gồm các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Mường La và Thuận Châu. Phát triển cây ăn quả trong những năm đạt hiệu quả tích cực và thu hút nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã và cá nhân tham gia, toàn tỉnh có trên 200 Hợp tác xã cây ăn quả với khoảng 6.000 thành viên/đơn vị sản xuất, giá trị sản xuất cây ăn quả đạt gần 2.500 tỷ đồng, trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả chủ lực năm 2019 đạt 17,94 triệu USD. Tuy nhiên, quá trình phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả chủ lực vần còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ và phân tán; chưa có mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ; sản phẩm tiêu thụ hơn 90% dạng trái cây tươi…
Trên cơ sở nghiên cứu, đề tài đưa ra những đề xuất và các giải pháp sản xuất phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới đó là: Đẩy mạnh sản xuất cây ăn quả nhằm khai thác tối đa điều kiện, lợi thế về tự nhiên, khí hậu của vùng gắn với cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; Tập trung ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng hiệu quả và tính bền vững, đáp ứng yêu cầu thị trường; Tăng cường mối liên kết giữa các hộ gia đình, Hợp tác xã, sản xuất với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp về: Tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm cây ăn quả; Quy hoạch vùng sản xuất tập trung; Nâng cao chất lượng giống và tăng cường quản lý giống; Hỗ trợ cải thiện nguồn lực của các đơn vị sản xuất cây ăn quả; Nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở sản xuất sản phẩm cây ăn quả; Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, hoạt động Logistic cho sản xuất cây ăn quả…
Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học đề tỉnh Sơn La có định hướng, quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây ăn quả bền vững, tránh phát triển tràn lan, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu.
Nguồn tin: Sở khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La