Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn hay phân loại rác tại nguồn là một hành vi quan trọng của con người nhằm thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu (reduction) và tái chế (recycling) rác thải sinh hoạt góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chương trình phân loại rác tại nguồn được giới thiệu từ những năm 2003 tại Hà Nội dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Tuy nhiên, các chương trình phân loại rác tại nguồn đều chỉ tồn tại ở giai đoạn đầu của quá trình thí điểm. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra trong các nghiên cứu như nguyên nhân từ chính sách và các hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe, nguyên nhân từ những thuộc tính tâm lý xã hội của người dân trong việc sử dụng và phân loại rác.

Thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai bắt đầu giới thiệu chương trình phân loại rác tại nguồn kể từ cuối năm 2015. Cho tới nay, địa phương tích cực nhân rộng mô hình này tới toàn thành phố. Theo Báo cáo của Công ty Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai (2021), tỷ lệ phân loại rác tại nguồn của thành phố đạt trên 90%, tuy nhiên tỷ lệ các tạp chất trong rác được phân loại (contamination rate) còn khá cao; điều này là nguyên nhân gây cản trở quá trình tái chế rác thải hữu cơ thành phân compost ở nhà máy xử lý rác thải của thành phố.

Xuất phát từ những nguyên nhân trên, nhóm nghiên cứu do TS Lê Thị Thanh Loan, nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp đã tiến hành nghiên cứu năng lực phân loại rác tại nguồn của các hộ gia đình ở thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai để tìm hiểu thực trạng và phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực phân loại rác cuẩ hộ nhằm đề xuất một số giải pháp để góp phần cải thiện năng lực phân loại rác cho hộ gia đình ở thành phố Lào Cai. Kết quả của nghiên cứu đã được trình bày tại seminar khoa học ngày 24/10/2022, tại Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn.

leftcenterrightdel
 

TS Lê Thị Thanh Loan trình bày báo cáo khoa học

TS Lê Thị Thanh Loan chia sẻ rằng, nhóm nghiên cứu đã sử dụng khung đánh giá năng lực ASK (Attitude, Skill và Knowledges) để đánh giá năng lực phân loại rác tại nguồn của các hộ dân ở Lào Cai. Đây là mô hình được đề xuất bởi tác giả Bloom & cộng sự (1956). Các hợp phần trong mô hình này bao gồm: Kiến thức (Knowledges) thuộc về năng lực tư duy được hiểu là những gì con người tích lũy, thu nhận được. Đây là năng lực cơ bản mà một cá nhân cần có khi tiếp nhận một công việc. Mức độ phức tạp của công việc thúc đẩy việc trau dồi năng lực này ở mức cao hơn. Kỹ năng (Skill) hay còn được hiểu là kỹ năng thao tác (manual or physical). Đó là việc thực hiện công việc, chuyển hóa các kiến thức đã có của con người thành hành động. Thái độ (Attitude) thuộc về phạm vi cảm xúc hay tình cảm của con người. Đó là việc xem xét quan điểm hay cách nhìn của con người về các hiện tượng tự nhiên, xã hội.

Kết quả của nghiên cứu từ điều tra 300 hộ dân trên địa bàn thành phố Lào Cai cho thấy, năng lực phân loại rác tại nguồn của hộ gia đình ở thành phố Lào Cai được phản ánh qua 3 trụ cột kiến thức, kỹ năng và thái độ mới đạt được ở mức dưới 75% kỳ vọng. Trong 3 nhóm này kỹ năng có mức đánh giá thấp nhất trong 3 trụ cột. Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực phân loại rác tại nguồn của các hộ dân tại thành phố Lào Cai bao gồm các nhóm yếu tố như số năm đi học, số năm sống tại thành phố và số trẻ em trong gia đình. Như vậy, để góp phần nâng cao năng lực phân loại rác tại nguồn cho hộ gia đình thành phố Lào Cai thông qua cải thiện 3 hợp phần kiến thức, kỹ năng và thái độ theo chúng tôi có thể đề xuất một số nhóm giải pháp như sau: (1) Tăng cường các hoạt động truyền thông về lợi ích phân loại rác thải tại nguồn không chỉ trong trường học mà còn trực tiếp tới hộ dân; (2) Tăng cường lan tỏa năng lực phân loại rác tại nguồn cho các hộ dân thông qua các nhóm sở thích, câu lạc bộ; (3) Tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực phân loại rác tại nguồn bắt đầu từ nhóm trẻ em từ các trường học, các hoạt động ngoại khóa của các em; (4) Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cho các hộ gia đình.

leftcenterrightdel
 

          Các đại biểu tham dự seminar trao đổi, thảo luận

leftcenterrightdel
 

                    TS Lê Thị Thanh Loan trả lời các câu hỏi trao đổi, thảo luận

Bài trình bày được các đại biểu đánh giá cao về tính mới, tính thời sự và có giá trị tham khảo trong thực tiễn cho tỉnh Lào Cai và các địa phương khác. Seminar diễn ra sôi nổi với các câu hỏi và góp ý chia sẻ thêm kinh nghiệm của các thành viên tham dự với các góp ý chính rằng: việc thực hiện đánh giá năng lực phân loại rác tại nguồn của các hộ dân tại thành phố Lào Cai trên các khía cạnh rằng việc dùng khung đánh giá ASK cần phải thiết kế bổ sung thêm thông tin đánh giá cho phù hợp với yêu cầu, bên cạnh đó, việc đề xuất giải pháp cần quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động cho phù hợp với mọi nhóm đối tượng theo lứa tuổi, giới tính, vai trò trong việc sử dụng và phân loại rác thì sẽ mang tính hiệu quả cao hơn.

Phạm Thị Thanh Thuý, Nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp