Vào hồi 14h00 ngày 20/03/2023 tại phòng Hội thảo của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã diễn ra buổi Seminar thường kỳ của Khoa với sự tham dự của Ban Chủ nhiệm Khoa và các giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên Khoa Kinh tế và PTNT. PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng Khoa đã nêu nội dung, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của buổi làm việc.
Mở đầu buổi Seminar thường kỳ, TS. Nguyễn Thị Thu Quỳnh – Giảng viên Bộ môn Kinh tế, Khoa Kinh tế và PTNT đã có bài trình bày với chủ đề “Lộ trình phát triển nghề nghiệp của lao động nông nghiệp”.
Nghiên cứu đã chỉ ra:
- Có nhiều góc nhìn, phân loại về lao động nông nghiệp khác nhau, chưa có sự thống nhất cả ở trong và ngoài nước
- Lao động nông nghiệp chưa xác định được vị trí, vị thế của họ trong hệ thống, chưa có mục tiêu, lộ trình phát triển nghề cụ thể
- Tuy nhiên, để nghiên cứu, đánh giá và có những can thiệp để nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, phục vụ phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, đặc biệt là mục tiêu tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu thì cần xác định được cách tiếp cận phù hợp.
Qua bài trình bày, cô Quỳnh đã chỉ ra các lộ trình phát triển nghề nghiệp của lao động nông nghiệp theo 04 cách tiếp cận:
1. Theo trình độ kỹ năng của người lao động
2. Theo tính chất công việc
3. Theo vị trí việc làm
4. Theo vị thế việc làm
Theo đó, tiếp cận theo vị trí việc làm được cho là phù hợp nhất để giúp xác định được các năng lực cốt lõi để bồi dưỡng, đào tạo lấp đầy khoảng trống, thiếu hụt cho người lao động. Tiếp cận theo vị thế việc làm lại giúp đánh giá tốt hơn vai trò của người lao động trong mỗi khâu trong hệ thống để có các điều chỉnh phù hợp hơn.
Sau phần trình bày của cô Quỳnh, nhiều đại biểu đã cho ý kiến nhận xét và đóng góp quan trọng, có ý nghĩa đối với nghiên cứu. Các ý kiến cho rằng nghiên cứu mang tính thời sự và cần được nghiên cứu thêm để có những đề xuất chính sách mới cho đối tượng lao động nông nghiệp hướng tới ổn định sinh kế và phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp của nước ta.
Buổi Seminar đã khép lại nhưng gợi mở nhiều chủ đề nghiên cứu mới cho các nhà nghiên cứu. Ban Chủ nhiệm Khoa hy vọng, sẽ có thêm các nghiên cứu về chủ đề này được trình bày trong các Seminar sắp tới của khoa để tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu viên có cơ hội chia sẻ, học hỏi nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy./.
Nhóm NCM Kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường.