Liên kết đào tạo đại học từ những hành động cụ thể và hiệu quả

     Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đòi hỏi một lực lượng nhân lực chất lượng cao có đầy đủ kiến thức chuyên sâu, kỹ năng nghề nghiệp và tinh thần cũng như tác phong làm việc hiện đại Do vậy, các trường Đại học phải đổi mới chương trình đào tạo, phương thức đào tạo phù hợp với thực tế. Ngoài đào tạo lý thuyết, các trường phải tăng cường trang bị kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho sinh viên thông qua việc xây dựng, mở rộng và phát huy những mối liên kết trong đào tạo để tạo cơ hội cho sinh viên được trải nghiệm trong môi trường thực tế. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Khoa Kinh tế và phát triển nông thôn luôn chủ trương gắn đào tạo với thực tiễn thông qua các mối liên kết đào tạo, nghiên cứu với nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức, phương thức liên kết khác nhau và liên kết với các tổ chức quốc tế, tổ chức Phi chính phủ luôn được khoa ưu tiên bởi không những tính phù hợp với định hướng, mục tiêu, lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu của khoa mà còn mang lại kết quả và hiệu quả cao.

    Thời gian vừa qua, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã hợp tác với tổ chức Action On Poverty (AOP) tổ chức cho sinh viên chuyên ngành Phát triển nông thôn đi thực hành nghề nghiệp. Mục tiêu của các chương trình này nhằm: (1) Tăng cường cơ hội thực tập và trải nghiệm cho sinh viên: áp dụng những kiến thức đã học được trong thực tế công tác tại địa phương; (2) Tìm hiểu hiện trạng cuộc sống của người dân địa phương, thu thập các dữ liệu ban đầu cho việc thực hiện dự án phát triển du lịch cộng đồng; (3) Xây dựng các sáng kiến đóng góp cho cộng đồng, dựa trên việc phát huy các tiềm năng và nguồn lực sẵn có tại địa phương.

    Trong khoảng thời gian rèn nghề, khoảng 6 tuần thực tập, sinh viên đã thực sự trải nghiệm cuộc sống, tập tục cũng như nhìn ra các cơ hội phát triển của cộng đồng và cùng cộng đồng làm việc để xây dựng các kế hoạch phát triển. Cụ thể trong đợt thực tập của năm 2019, sinh viên đã cùng với cộng đồng xây dựng và đề xuất 04 ý tưởng phát triển cộng đồng và được phía AOP thẩm định, phê duyệt, tài trợ. Các sáng kiến gồm: Xây dựng lò đốt rác kết hợp với tập huấn về thu gom, xử lý rác tại bản Nà Bai; Cải tạo rừng thông phục vụ du lịch cộng đồng ở bản Hua Tạt; Xây dựng khu sân chơi cho trẻ em để tránh tình trạng trẻ em đi chơi ngoài bờ suối, giảm nguy cơ đuối nước ở bản Vặt và Cuộc thi vẽ tranh cho trẻ em về chủ đề bảo vệ môi trường. Các sáng kiến được cộng đồng tích cực ủng hộ, cùng với sinh viên triển khai, hoàn thành. Kết thúc thực tập, sinh viên được Khoa và AOP cấp chứng nhận đã có thời gian thực tế tại AOP.

    Đánh giá về kết quả thực tập của sinh viên, ông Tạ Văn Tuấn, Giám đốc quốc gia của AOP tại Việt Nam cho rằng: “Sinh viên Phát triển nông thôn của Khoa Kinh tế và PTNT có kiến thức và kỹ năng tốt, đặc biệt tinh thần làm việc trách nhiệm cao, gắn bó với cộng đồng. Các hoạt động của nhóm sinh viên được cộng đồng, cũng như AOP đánh giá cao. AOP sẽ tiếp tục hợp tác cùng với Khoa Kinh tế và PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong các hoạt động liên kết đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển xã hội nói chung và cho các tổ chức phát triển như AOP nói riêng”.

Chuyên ngành Phát triển nông thôn bắt đầu khóa đầu tiên năm 2003, đến này đã được 17 khóa. Quan điểm đào tạo của chuyên ngành nhằm tăng cường tương tác giữa giảng viên và sinh viên, giữa sinh viên với thực tế. Theo đó, sinh viên được tăng cả cơ hội và thời gian được thực hành, đi quan sát thực tế để tự học hỏi các kiến thức xã hội, kinh nghiệm thực tiễn từ đó hình thành các kỹ năng cơ bản của nghề nghiệp. Chương trình trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về phát triển, phát triển nông thôn, phát triển cộng đồng, kiến thức và kỹ năng về tổ chức sản xuất và cung ứng dịch vụ phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo học chương trình Phát triển nông thôn sinh viên lĩnh hội được các kỹ năng về nghề nghiệp; kỹ năng phân tích, đánh giá các vấn đề trong nông thôn; kỹ năng thiết kế và triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển và phát triển nông thôn; Kỹ năng về tổ chức, sản xuất cũng như khả năng độc lập cung ứng các dịch vụ tư vấn phát triển nông thôn và khuyến nông; kỹ năng trong hoạt động và giải quyết các vấn đề xã hội và công tác xã hội trong phát triển nông thôn… Sinh viên theo học ngành này còn được trang bị các kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng quản lý, lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ, tin học…

 

Một số hình ảnh liên quan

Sinh viên tổ chức họp và làm việc cùng người dân

 

Sinh viên làm việc cùng người dân

 

 

Sinh viên thảo luận xây dựng bản đồ thôn bản

Sinh viên cùng người dân thực hiện sáng kiến phát triển

Trình bày kết quả thực tập

Nhận chứng nhận thực hành nghề nghiệp

Chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên và AOP

 

Minh Đức- Bộ môn PTNT