Trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ Khoa học - Công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam”, từ ngày 27/03 đến ngày 02/04 năm 2023, đoàn công tác của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn , Học viện nông nghiệp Việt Nam do PGS.TS. Mai Thanh Cúc làm trưởng đoàn đã triển khai khảo sát thực tế một số mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở tỉnh Tây Ninh.

Trong thời gian công tác ở tỉnh Tây Ninh, đoàn giảng viên Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã gặp trao đổi với lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo và nhân viên các Phòng Kinh tế thành phố Tây Ninh, Phòng Kinh tế Thị xã Hòa thành và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu. Tại các buổi làm việc với lãnh đạo, nhân viên Sở và các Phòng, đoàn đã được địa phương chia sẻ những thông tin, số liệu tổng quát về đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung và tình hình phát triển nông nghiệp, phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh nói riêng. Theo đó:

Tây Ninh là tỉnh nằm ở miền Đông Nam bộ, phía Đông giáp các tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, phía Tây và phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240km, với 02 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát cùng 4 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ. Tỉnh có 02 trục lộ giao thông quan trọng là quốc lộ 22 và quốc lộ 22B. Tây Ninh có 08 huyện và 01 thành phố thuộc tỉnh, tổng diện tích tự nhiên 404.125,3 ha, dân số tính đến 31/12/2017 là 1.126.179 người. Nằm ở vị trí tiếp giáp với các địa phương có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế phía Nam và tỉnh Bình Dương, Tây Ninh được xem là một tỉnh giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, Tây Ninh là cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng sang Campuchia và các nước ASEAN. Do vậy, đây không chỉ là một đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, du lịch, thương mại giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông, mà còn là một vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh.

Với vị trí địa lý như vậy, cùng với đó là điều kiện tự nhiên về khía hậu, thổ nhưỡng đất đai phong phú nên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung. Năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 55.914 tỷ đồng, tăng 8,84% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.700 USD (kế hoạch năm 2022 là 3.500 USD). Đến cuối năm 2022, tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 61/71 xã (85,9%), trong đó 100% xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 16/61 xã (26,2%), 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các ngành công nghiệp chủ yếu đều tăng sản lượng. Một số ít sản phẩm duy trì hoặc giảm so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 19,7% so với KH, tăng 25,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 5,7 tỷ USD, tăng 19,3% so với KH, tăng 26,3% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại dịch vụ đã khôi phục, thị trường hàng hóa phục vụ đời sống người dân đã ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 96.938 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 11.725 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ, tăng 17% dự toán địa phương, tăng 26,3% dự toán Trung ương giao.

Nhờ đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế cho nên Văn hoá – xã hội tiếp tục phát triển và đạt những kết quả tích cực; Hầu hết các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt Nghị quyết Đại hội đề ra, đã góp phần ổn định xã hội, cải thiện và nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thầnh trong nhân dân; Chất lượng dạy và học tiếp tục nâng lên. Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở trước một năm so với Nghị quyết đề ra. Duy trì kết quả huy động trẻ em 6 tuổi đến lớp hàng năm trên 99%; Chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện: 100% trạm y tế xã có bác sĩ; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3% (tiêu chuẩn của tỉnh), trong đó hộ nghèo theo tiêu chuẩn trung ương còn 1,5%; chất lượng lao động được tăng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề đạt 45%./.

            Về phát triển sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp tuần hoàn, nhiều năm gần đây, bắt kịp xu hướng của cả nước, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách, chương trình, đề án quan trọng là kim chỉ nam để ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh và huyện Tân Châu; Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thuỷ sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng; Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi; ... Nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn đã được ban hành và triển khai thực hiện: chính sách hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ liên kết sản xuất – tiêu thụ, hỗ trợ áp dụng VietGAP, …Các tiến bộ khoa học, công nghệ cao, chuyển đổi số được đưa vào sản xuất, chế biến ngày càng nhiều và càng được người dân chú trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Kết quả là, năm 2022, trồng trọt tiếp tục được duy trì ổn định, chăn nuôi phát triển tốt, giá trị gia tăng (VA) toàn ngành tăng 2,7% so với năm 2021 và đóng góp 0,65% vào tăng trưởng chung của tỉnh. Giá trị sản xuất toàn ngành Nông – Lâm – Thủy sản đã tạo ra 20.720 tỷ đồng, đóng góp 20,24% GRDP.

            Đối với phát triển kinh tuần tuần hoàn nói chung và nông nghiệp tuần hoàn nói riêng, thời gian gần đây, tỉnh Tây Ninh cũng luôn chú trọng và ban hành nhiều chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án lồng ghép với các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp chung của tỉnh và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm của các đơn vị, tổ chức trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhờ đó, mấy năm gần đây, nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã và đang hình thành và phát triển trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tiêu biểu như: Trang trại bò sữa Tây Ninh ở Long Khánh, Bến Cầu, Tây Ninh với mô hình tận dụng chất thải từ bò để xử lý biogas phục vụ sản xuất và sinh hoạt đồng thời làm nước tưới cho đồng cỏ là thức ăn chăn nuôi. Mô hình với 8.000 con bò, trung bình 1 tháng trang trại sinh ra 500 con bê. Một ngày lượng phân thải ra khoảng 50 tấn. Đồng thời, đàn bò cũng tiêu tốn 200 tấn thức ăn; nước uống, tắm cho bò, nước vệ sinh chuồng trại cũng lên tới gần 2.500 m3. Do đó, trang trại đòi hỏi phải có một hệ thống thu gom, chứa và xử lý chất thải đồng bộ. Trang trại đã đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng để tạo hệ thống xử lý các chất thải khép kín. Theo đó, phân và nước thải được tái sử dụng để cung cấp cho các hầm biogas. Sau đó, phân từ hầm chứa biogas được ủ với các men vi sinh bón cho đồng cỏ để cung cấp thức ăn xanh cho đàn bò. Từ đó, môi trường của trang trại ngày được cải thiện, đàn bò khỏe mạnh hơn, từng bước hình thành một môi trường chăn nuôi lý tưởng như một resort.

Một mô hình nông nghiệp tuần hoàn khác cũng khá hiệu quả đó là mô hình khép kín, tuần hoàn tận dụng lợi ích của rau và cá trên cơ chế cộng sinh cá nuôi rau, rau nuôi cá, do Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. HCM) chuyển giao kỹ thuật cho UBND tỉnh Tây Ninh cũng được xem là mô hình điển hình tại địa phương. Mô hình khép kín, tuần hoàn này được thực hiện tại ấp Giồng Tre, xã Bình Minh, TP. Tây Ninh. Mô hình này, cá và rau được nuôi trồng trong cùng một hệ tuần hoàn. Theo đó, Cá ăn thức ăn và tạo ra chất thải trong nước. Nước có chứa chất thải từ bể thủy sản được đưa vào hệ thống lọc cơ học và vi sinh. Nhờ sự tham gia của vi khuẩn có lợi, sẽ biến đổi nước thải từ bể thủy sản thành chất dinh dưỡng hữu cơ phù hợp cho cây trồng phát triển. Hiệu quả mô hình này đã được kiểm chứng rất rõ ràng khi vừa tiết kiệm chi phí phân bón và nguồn nhân lực, vừa tạo ra rau an toàn và đạt năng suất cao. Trung bình 1 ha trồng được 7.000 – 8.000 cây rau, mỗi cây nặng khoảng 200 – 300 gram, các bể cá được bố trí nuôi tùy theo mô hình. Trung bình một bể cả 3 tháng cho thu hoạch từ 500 – 1.000 kg.

Ước mơ phát huy giá trị giống sâm quý của đất nước và phục vụ lợi ích, sức khỏe của người dân Việt Nam, năm 2015, Công ty CP Bà Đen Farm đã tiến hành nghiên cứu, và mang giống sâm bố chính về trồng thí điểm trên diện tích 1,2 ha trên địa bàn TP.Tây Ninh. Sau vụ trồng đầu tiên, cây sâm bố chính tỏ ra phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất Tây Ninh và cho năng suất cao. Với khát vọng xây dựng mô hình theo hướng phát triển bền vững: chủ động nguồn nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến, ra thành phẩm. Với phương châm “chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng và phát triển kinh tế địa phương”. Nên Công ty còn liên kết thêm với một số bà con nông dân trồng, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Từ đó, mô hình trồng Sâm Bố chính đã được bà con nhân rộng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đến nay, công ty đã liên kết với nông dân mở rộng diện tích trồng lên gần 8ha tại các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Châu Thành và Tân Biên và mang lại hiệu quả kinh tế cao (Giá bán sâm bố chính từ 200.000-400.000 đồng/kg sâm tươi, năng suất cao từ 5-7 tấn/ha, sau khi trừ hết chi phí người dân thu lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng/ha.) Đặc biệt là, mô hình trồng sâm Bố chính tại tỉnh Tây Ninh còn được áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn theo hướng hữu cơ. Theo đó, sâm tươi sau khi thu hoạch được chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau: Trà sâm bố chính, bột sâm, sâm sấy và rượu sâm bố chính, công ty đang phát triển thêm nước giải khát từ sâm bố chính và dòng sản phẩm dinh dưỡng nhằm tăng lực cho người bệnh sau điều trị; Những phế phẩm từ sâm (thân, củ không đạt tiêu chuẩn sẽ được chế biến làm thức ăn cho trang trại gà của công ty, phân và chất thải từ chăn nuôi gà được xử lý vi sinh làm phân bón cho sâm...). Nhờ mô hình khép kín và tận dụng như vậy mà công ty chủ động, tiết kiệm chi phí sản xuất từ 15 – 20%, đồng thời kiểm soát được chất lượng của sâm, thịt gà, đa dạng thị trường tiêu thụ và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao.

Nổi bật hơn cả và là đơn vị đi đầu trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại tỉnh Tây Ninh là mô hình NNTH của công ty TNHH MTV trà Tâm Lan có địa chỉ tại tổ 6, ấp Khởi Trung, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh, Tây Ninh. Mô hình sử dụng nguyên liệu dược liệu được sản xuất hoàn toàn hữu cơ được lấy từ phân bón đã được ủ và xử lý thông qua nuôi giun trùn quế từ trang trại bò thịt rộng 5ha với gần 1000 con bò của công ty. Ngoài ra, lượng phân bón từ trang trại bò cũng được sử dụng để trồng cỏ và cho sản xuất lúa để lấy rơm phục vụ làm thực ăn cho bò. Nhờ cách làm bài bản như vậy nên hiệu quả mô hình đã được kiểm chứng trên thực tế bằng việc khẳng định được thương hiệu sản phẩm trà dược liệu Tâm Lan trên thị trường, đa dạng nguồn thu cho công ty và giải quyết việc làm và bảo vệ môi trường.

Như vậy, thời gian qua, nhận thấy được tính tất yếu và hiệu quả của mô hình nông nghiệp tuần hoàn, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã có những chủ trương, chính sách, chương trình và giải pháp bước đầu cho sự phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp này tại tỉnh. Mặc dù mới triển khai nhưng đã đạt được một số kết quả khả quan: Trên cơ sở những mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống mang tính tận dụng, thì hiện nay, người nông dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác trên địa bàn tỉnh đã có những tư duy bao quát, tổng quát hơn về tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn; Đã xuất hiện những mô hình nông nghiệp tuần hoàn được đầu tư công phu bài bản từ tiếp cận, tư duy sản xuất, đầu tư và tổ chức quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đạt được hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và góp phần bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn của tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Một số hình ảnh chuyến khảo sát.

leftcenterrightdel
 

Bạch Thủy – Bộ môn Phát triển nông thôn