Ngày 19/7, nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp của Khoa Kinh tế và PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đồng tổ chức thành công hội thảo “Thực trạng và giải pháp cung cấp dịch vụ công cho phát triển chuỗi giá trị thịt lợn”.
Tới tham dự hội thảo, về phía Học viện có TS. Trần Hiệp – Phó Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ của Học viện, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – Phó Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, PGS.TS. Sử Thanh Long – Giảng viên Khoa Thú y, PGS.TS. Nguyễn Phượng Lê – Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp cùng GS.TS. Đỗ Kim Chung và các thầy cô thuộc Nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp và Khoa Kinh tế và PTNT. Đặc biệt, hội thảo có sự góp mặt của các bên liên quan trong cung cấp và tiếp nhận dịch vụ công cho phát triển chuỗi giá trị thịt lợn tại thành phố Hà Nội bao gồm đại diện của các Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng, Phòng Kinh tế của các quận huyện, Trung tâm Phát triển chăn nuôi, Trung tâm phân tích và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp, Trạm thú y, Trạm Khuyến nông tại các địa phương, đại diện các doanh nghiệp và hợp tác xã chăn nuôi, chế biến, sản xuất thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố.
Tại hội thảo, ThS. Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố đã trình bày báo cáo chia sẻ về thực trạng cung cấp dịch vụ công cho phát triển chuỗi giá trị thịt lợn. Báo cáo đã khái quát về các hoạt động dịch vụ công cho chuỗi như các dịch vụ về chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, chứng nhận vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, xác nhận sản phẩm an toàn thực phẩm theo chuỗi… Tiếp theo đó, hội thảo được thảo luận sôi nổi thông qua sáu báo cáo tham luận của các đại diện đến từ Trung tâm phát triển chăn nuôi, Chi cục Quản lý chất lượng, Chủ nhiệm HTX Đồng Tâm – Quốc Oai, Chủ nhiệm HTX Hoàng Long - Thanh Oai, Công ty Organic Green, và Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội. Các ý kiến thảo luận cho thấy việc tiếp nhận các dịch vụ công trong chuỗi còn khó khăn vì thiếu văn bản hướng dẫn, nhận thức của các tác nhân tham gia chuỗi còn hạn chế, chưa có chế tài minh bạch giữa sản phẩm được chứng nhận an toàn và sản phẩm không an toàn. Qua hội thảo, các bên cũng đã nêu nhiều giải pháp nhằm đổi mới công tác cung cấp dịch vụ công trong chuỗi giá trị thịt lợn như đề xuất các Sở, ngành chuyển từ cấp các loại giấy phép hành chính công sang tư vấn, chứng nhận hoàn thiện những điều kiện sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, cải tiến các hình thức cung cấp thông tin qua các phương tiện truyền thông, tiến hành hợp đồng với các đơn vị tiếp nhận trong cung cấp dịch vụ công.
Nội dung và chương trình của Hội thảo đã được các cơ quan truyền thông đưa tin trên các báo như báo Hà Nội mới, và các trang điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội.
Lê Thị Thanh Loan – Nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp