Ở nước ta, Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) là thành phần kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong tập hợp, tổ chức nông dân và các thành phần kinh tế trong phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các Hợp tác xã Nông nghiệp ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ dẫn đến giá thành sản xuất cao, giá trị gia tăng thấp và khó cạnh tranh với hàng nông sản của cá nước trên thế giới.




    Trong bối cảnh sự lan tỏa của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trên phạm vi toàn cầu cũng như tình hình phát triển và yêu cầu phát triển nền nông nghiệp ở Việt Nam nhằm thực hiện thành công đề cán tái cơ cấu Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thì việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản là giải pháp mang tính đột phá và then chốt.

    Nhằm xây dựng khung lý thuyết để nghiên cứu hoàn thiện chính sách, giải pháp hỗ trợ, phát triển HTXNN ứng dụng công nghệ cao, trong khuôn khổ đề tài KHCN cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 24 tháng 05 vừa qua, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cơ quan chủ trì đề tài đã tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng khung lý thuyết nghiên cứu đề xuất chính, giải pháp thúc đẩy Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản”.

    Về dự với buổi hội thảo có GS.TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Ts. Lê Huỳnh Thanh Phương, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ (VNUA), PGS.TS. Trần Đình Thao, Chủ tịch Hội đồng Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó trưởng Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn cùng các giảng viên, nhà khoa học của Học viện và của Khoa.




    Hội thảo được sự tham dự và chia sẻ của các nhà khoa học: GS. Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Sinh học Nông nghiệp (VNUA), GS.TS. Phạm Mỹ Dung, Hội Kinh tế  Nông lân nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ThS. Tạ Hữu Nghĩa, Phòng Giảm nghèo và an sinh xã hội nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, TS. Nguyễn Tố Oanh, Ban Chính sách và Phát triển Hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã, TS. Chu Tiến Quang, Viện Kinh tế quản lý Trung ương, GS. Lê Duy Hàm, Nguyên viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, Trưởng Khoa Công nghệ nông nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Trịnh Quang Thoại, Đại học Lâm nghiệp, TS. Nguyễn Ích Tân, TS. Nguyễn Hồng Minh, Khoa Nông học (VNUA), TS. Bùi Hữu Đoàn, Khoa Chăn nuôi (VNUA)…




    Phát biểu tại buổi hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại diện cho đơn vị chủ trì đề tài đã nhấn mạnh bối cảnh xu thế và tính tất yếu cũng như tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cũng như việc ứng dụng công nghệ cao trong HTXNN trong sản xuất, chế biến và tiệu thụ nông sản. Đồng thời, GS.TS. Phạm Văn Cường cũng mong muốn và hy vọng các nhà khoa học sẽ có những trao đổi, đóng góp quan trọng để nhóm nghiên cứu, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, VNUA có thể đưa ra được những gợi ý về mặt chính sách và giải pháp phù hợp hiệu quả đối với việc thúc đẩy HTXNN ứng dụng công nghệ cao góp phần phát triển nông nghiệp Việt Nam hiệu quả và bền vững.

    Tại buổi hội thảo các nhà khoa học đã tổng kết 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững của Chính Phủ (năm 2013). Theo đó, nông nghiệp nước ta đạt được nhiều chuyển biến rõ nét, nhiều ngành hàng sản phẩm nông sản được hình thành góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam đạt trên 40 tỷ USD năm 2018, nâng cao vị thế một số hàng nông sản của nước ta và khẳng định những đóng góp của Việt Nam vào thị trường nông sản toàn cầu. Tuy nhiên, hội thảo cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay như sản xuất cơ bản vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, mức độ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ còn hạn chế, trình độ quản lý, tổ chức sản xuất, chế biến còn yếu kém, tốn nhiều chi phí cho logistic dẫn đến giá thành cao làm giảm lợi thế cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam ngay trong nước và trên thị trường quốc tế.

    Thông qua tổng kết một số mô hình ứng dụng công nghệ cao thành công ở Việt Nam như mô hình chế biến hành khô không dùng hóa chất thông qua ủ bằng rơm ở Bắc Giang, mô hình cải tiến bóng đèn chiếu sáng ban đêm cho Thanh Long ở Bình Thuận, các mô hình cải tiến giống hay phương thức sản xuất có ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất gạo ở Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định… đã mang lại những hiệu quả rõ rệt trong xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao và mang lại không chỉ hiệu quả kinh tế mà còn cả hiệu quả xã hội và môi trường. Vì vây, hội nghị thống nhất quan điểm việc phát triển nông nghiệp nói riêng và hệ thống HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản là tất yếu và có ý nghĩa trọng đại đối với việc thay đổi căn bản diện mạo nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lại.

    Về thực trạng HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ở Việt Nam hiện nay, trong bài tham luận của TS. Nguyễn Tố Oanh, Liên minh HTX Việt Nam nhận định: Hiện nay, ở nước ta có trên 13.000 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng hoạt động chủ yếu là trên các lĩnh vực cung ứng các yếu tố đầu vào và dịch vụ trong nông nghiệp cũng như cung ứng công nghệ trước và sau thu hoạch với nhiều mức độ ứng dụng công nghệ khác nhau và có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả. Việc đánh giá, phân loại HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang được thực hiện theo Thông tư số 09/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 17/4/2017 có phân loại các HTX nông nghiệp thành hai nhóm là nhóm hoạt động có hiệu quả cao và nhóm hoạt động có hiệu quả thấp. Tuy nhiên, TS Oanh cho rằng việc đánh giá, phân loại các HTX nông nghiệp trên thực tế rất khó khăn vì khó có bộ tiêu chí nào phù hợp, đặc biệt là bộ tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ cao.


    Đóng góp ý kiến ở hội thảo, ThS. Tạ Hữu Nghĩa, Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nói chung và thúc đẩy HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng. Tuy thế, cần phải xem xét đến các khía cạnh về độ bao phủ và hiệu lực của chính sách cũng như đảm bảo nguồn lực cho thực hiện chính sách. Về phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ông Nghĩa đã đúc rút những hiệu quả rõ rệt của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông sản như giảm giá thành và rủi ro nhưng còn nhiều hạn chế. Do đó, trong thời gian tới cần phải chú trọng các khâu đào tạo bồi dưỡng nhân lực có chất lượng cao; Tạo môi trường thuận lợi để HTX công nghệ cao tiếp cận được chính sách; Phát triển theo chuỗi và hệ thống doanh nghiệp bảo hiểm (HTX, doanh nghiệp được hỗ trợ 2% phí bảo hiểm); Truyền thông về tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao;  Tổ chức liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

    Tham luận tại hội thảo PGS.TS. Trần Đình Thao, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (VNUA) cho rằng: Phát triển HTXNN ứng dụng công nghệ cao cần phải chú ý đến các khía cạnh HTX phát triển phải  có quy mô của HTXNN (thành viên, quy mô sản xuất…); Trình độ của các xã viên; Cần phải liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học và cần có những hỗ trợ về công nghệ. Bên cạnh đó, GS.TS. Thao nhấn mạnh, việc thúc đẩy HTXNN ứng dụng công nghệ cao ngoài những chính sách thông thường cần có những chính sách đăc thù. Đồng tình với quan điểm này, TS. Chu Tiến Quang, Viện Kinh tế Quản lý trung ương cho rằng để thúc đẩy HTXNN ứng dụng công nghệ cao ngoài những chính sách phát triển cần phải có những chính sách hỗ trợ đồng thời cần phân biệt và làm rõ mối liên hệ giữa chính sách phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao với chính sách phát triển khoa học và công nghệ. Đồng thời, muốn thúc đẩy HTX ứng dụng công nghệ cao cần chú ý các vấn đề: Một là, cần chỉ rõ bản thân HTXNN là loại hình tổ chức gì (tổ chức kinh tế hay tổ chức chính trị xã hội); mức độ tham gia vào thị trường hay mức độ sản xuất, kinh doanh. Nếu HTXNN không tham gia thị trường thì không cần ứng dụng công nghệ cao. Hai là, cần hiểu rõ thế nào là công nghệ cao hay chỉ cần thay thế công nghệ đang có bằng công nghệ mới đáp ứng được mục tiêu hiệu quả và tăng thu nhập cho thành viên HTX. Ba là, phải làm sao bản thân thành viên HTX có thực sự tâm huyết, gắn bó lâu dài với HTX, vì sự phát triển của HTX. Bốn là, HTXNN có thể tự chủ, tự nghiên cứu, phát minh ra công nghệ mới và tham gia vào thị trường khoa học và công nghệ. Năm là, cần chú ý yếu tố rủi ro cũng như khả năng tiếp cận được nguồn lực hỗ trợ trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

    Tại hội thảo, còn có một số ý kiến đóng góp của các nhà khoa học liên quan đến những khía cạnh kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng như những  ý kiến đóng góp về những tiêu chí đánh giá, xác định, biểu hiện của HTXNN ứng dụng công nghệ cao…

    Kết thúc hội thảo chỉ ra rằng: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nói riêng cũng như việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ở các HTXNN ở nước ta hiện nay là tất yếu và cần thiết. Thời gian qua, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cũng như nhiều HTXNN đã ứng dụng thành công mang lại hiệu quả và nét chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề làm sao để thúc đẩy HTXNN ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, bất cập từ chính sách đến các giải pháp thực thi. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và trong các HTXNN hiện nay gặp nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất lạc hậu, năng lực, chất lượng nhân lực yếu kém, sản xuất manh mún… Do vậy, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và HTXNN cần lựa chọn công nghệ phù hợp với tình hình, điều kiệnc ủa Việt Nam và tiến hành có lộ trình lâu dài. Việc thúc đẩy HTXNN ứng dụng công nghệ cao cần có hệ thống chính sách đặc thù song song với những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể, thích hợp theo hướng phát triển theo chuỗi và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm là yếu tố quyết định đồng thời chú ý đến khía cạnh rủi ro trong quá trình ứng dụng.


    Hội thảo xây dựng khung lý thuyết nghiên cứu thúc HTXNN ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản đã diễn ra thành công với nhiều quan điểm, ý kiến đóng góp được các nhà khoa học chia sẻ. Những chia sẻ, đóng góp đó có ý nghĩa định hướng và thực tiễn to lớn đến quá trình nghiên cứu đề xuất chính sách và giải pháp thúc đẩy HTXNN ứng dụng công nghệ cao nói riêng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói riêng nhằm phát triển nền nông nghiệp nước ta hiệu quả và bền vững.

Nhóm NCM Quản lý Phát triển nông thôn, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn