Các bên liên quan bao gồm: Nhà tuyển dụng, người lành nghề, cựu sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên… có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác cải tiến chương trình đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động và bám sát xu thế tuyển dụng. Ngày 27 tháng 6 năm 2023, Khoa Kinh tế & PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội thảo DACUM - Phân tích năng lực nghề nghiệp đối với người tốt nghiệp ngành Kinh tế đầu tư với sự tham gia của các bên có liên quan đến từ: Cục Quản lý đấu thầu, cục Kinh tế hợp tác, Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tập đoàn CP, FPT, Manulite, Japfa, Vinhome Ocean Park; Công ty Cổ phần Máy và Thiết bị thuỷ lực, Queen Land, Vietstar Land, DACE, Cảnh quan Babyloon và ngân hàng MSB; Trung tâm Xúc tiến đầu tư các tỉnh, Ban quản lý dự án các huyện và chính quyền các cấp… Cũng tại Hội thảo, Ban Quản lý đào tạo, Trung tâm Đảm bảo chất lượng, Tổ rà soát chương trình đào tạo và các giảng viên giảng dạy chương trình cùng tham gia để trao đổi, thảo luận với các đại biểu khách mời nhằm hướng tới hoàn thiện mục tiêu, chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo ngành Kinh tế đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu xã hội.

Khai mạc hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Hiền - Trưởng khoa Kinh tế & PTNT, Chủ tịch Hội đồng Khoa đã nêu rõ yêu cầu, mục đích, các nội dung chính của hội thảo; trân trọng cảm ơn các cơ quan/đơn vị và các đại biểu đã luôn đồng hành cùng Khoa và Học viện trong công tác đào tạo và nghiên cứu; đồng thời bày tỏ mong muốn được hợp tác sâu và rộng hơn nữa với các bên liên quan, đặc biệt là khối doanh nghiệp trong công tác rèn nghề cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa nói chung và của cử nhân Kinh tế đầu tư nói riêng.

Tiếp đó, PGS. TS. Nguyễn Mậu Dũng - Phó trưởng Khoa, Bí thư Chi bộ giới thiệu tới các đại biểu về các hoạt động, thành tựu và định hướng phát triển của Khoa trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hoá.

Đại diện Tổ rà soát, chỉnh sửa CTĐT, TS. Nguyễn Thị Minh Thu, trưởng Bộ môn Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày dự thảo mục tiêu, chuẩn đầu ra và cấu trúc chương trình và tiến trình đào tạo ngành Kinh tế đầu tư trên cơ sở đối sánh các CTĐT trong nước, trên thế giới và tiếp thu kết quả điều tra công giới. Mục tiêu đào tạo Cử nhân Kinh tế đầu tư có: (i) Phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức và sức khoẻ tốt, trách nhiệm xã hội; (ii) Kiến thức cơ bản toàn diện về quản lý, kinh tế - xã hội và kiến thức chuyên sâu vững vàng về kinh tế, kế hoạch và đầu tư; (iii) Kỹ năng thực hành tốt, khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và năng lực tiếp tục học tập và hoàn thiện nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc thuộc phạm trù kinh tế đầu tư trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hoá. Người học ngay sau khi tốt nghiệp sẽ đáp ứng 10 chuẩn đầu ra của nhân lực Kinh tế đầu tư bao gồm: 03 chuẩn đầu ra về kiến thức chung và chuyên ngành; 05 chuẩn đầu ra về kỹ năng chung và kỹ năng chuyên ngành; và 02 chuẩn đầu ra về năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Tại Hội thảo, ngoài cho ý kiến bằng phiếu, các đại biểu đã tập trung thảo luận rất sôi nổi về dự thảo: Mục tiêu chung và cụ thể của CTĐT ngành Kinh tế đầu tư; Chuẩn đầu ra: kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành, kỹ năng chung, kỹ năng chuyên ngành, năng lực tự chủ và trách nhiệm cần có của sinh viên khi ra trường để đáp ứng được các yêu cầu của công việc theo vị trí việc làm; Phân tích năng lực và mức độ đáp ứng với công việc của sinh viên đã ra trường hiện đang làm việc ở các tập đoàn, doanh nghiệp,  khối cơ quan nhà nước, quốc tế và tư nhân…

Các đại biểu đánh giá cao về những điểm đổi mới của bản dự thảo CTĐT: Mục tiêu, chuẩn đầu ra rõ ràng, sát với các vị trí việc làm thuộc khối kinh tế đầu tư, đặc biệt về kết cấu chương trình, lộ trình học tập và phát triển các học phần kĩ năng mềm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, đa số các đại biểu đều mong muốn tăng cường hơn nữa về: (i) Rèn kỹ năng viết dự án đầu tư, lập kế hoạch và thiết kế các mô hình kinh doanh… cho sinh viên; (ii) Rèn nghề cho sinh viên thông qua kết nối thực tập tại các Bộ, ngành, viện nghiên cứu, ngân hàng, tập đoàn, doanh nghiệp, ban quản lý dự án, bộ phận kế hoạch - tài chính… các cấp và các NGOs để sinh viên được học việc sớm; (iii) Đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua tăng kịch bản ứng dụng và mời chuyên gia lành nghề cùng trao đổi với sinh viên trong từng học phần; (iv) Quảng bá ngành học Kinh tế đầu tư bằng chính hình ảnh của giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên thành đạt, cảnh quan và môi trường học tập và hệ thống dịch vụ hỗ trợ đào tạo; (v) Chú trọng thực hành ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng viết và trình bày báo cáo… của sinh viên theo hướng tiếp cận thích ứng với bối cảnh mới…

Hội thảo DACUM sẽ là căn cứ quan trọng để Khoa Kinh tế & PTNT và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đổi mới CTĐT ngành Kinh tế đầu tư thích ứng với nhu cầu xã hội và đặc biệt là nhu cầu thị trường lao động.

Bộ môn Kế hoạch và Đầu tư