Hiểu biết về sử dụng nhãn dinh dưỡng, sự quan tâm đến sức khỏe và lượng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bổ sung đường của người dân thành thị Việt Nam
Cập nhật lúc 14:08, Thứ hai, 29/11/2021 (GMT+7)
Chiều ngày 22/11/2021, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tổ chức seminar trực tuyến với chủ đề “Hiểu biết người tiêu dùng về sử dụng nhãn dinh dưỡng, sự quan tâm đến sức khỏe và lượng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bổ sung đường của người dân thành thị Việt Nam” do TS. Nguyễn Anh Đức – thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường trình bày.
Chiều ngày 22/11/2021, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tổ chức seminar trực tuyến với chủ đề “Hiểu biết người tiêu dùng về sử dụng nhãn dinh dưỡng, sự quan tâm đến sức khỏe và lượng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bổ sung đường của người dân thành thị Việt Nam” do TS. Nguyễn Anh Đức – thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường trình bày. Chủ tọa của seminar là TS. Nguyễn Hữu Nhuần, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường cùng với sự tham gia của cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên trong Khoa. Nghiên cứu này là một phần trong luận án tiến sĩ của tác giả đã được xuất bản trên tạp chí quốc tế vào tháng 10 năm 2020.
Với sự phát triển của kinh tế, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi dinh dưỡng mạnh mẽ. Việc gia tăng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bổ sung đường là một mối quan tâm đáng kể về sức khỏe cộng đồng. Các chính sách và biện pháp can thiệp, chẳng hạn như sử dụng nhãn dinh dưỡng bắt buộc, đang được xem xét để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người tiêu dùng về các ảnh hưởng của thực phẩm và đồ uống bổ sung đường. Hiệu quả của các chính sách và biện pháp can thiệp này dựa trên sự hiểu biết về mối quan hệ giữa sử dụng nhãn dinh dưỡng của người tiêu dùng thành thị Việt Nam, mối quan tâm về sức khỏe, và lượng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bổ sung đường của họ.
TS. Nguyễn Anh Đức trình bày seminar
Nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu hoàn chỉnh bao gồm 4047 người lớn và 737 thanh thiếu niên từ 1590 hộ gia đình ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Dữ liệu được lấy từ các cuộc điều tra hộ gia đình toàn diện và nhật ký thực phẩm 24 giờ. Mô hình hồi ba giai đoạn (3SLS) được sử dụng nhằm giải quyết vấn đề biến nội sinh của mô hình. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng nhãn dinh dưỡng có liên quan đáng kể đến tỷ lệ calo thấp hơn từ thực phẩm và đồ uống bổ sung đường. Những phát hiện này cho thấy việc áp dụng nhãn dinh dưỡng có thể là một cơ chế chính sách hiệu quả để giảm các tác động tiêu cực đến sức khỏe của việc gia tăng các loại thực phẩm và đồ uống bổ sung đường ở khu vực thành thị Việt Nam.
TS. Nguyễn Hữu Nhuần điều hành phiên thảo luận của seminar
Tại phiên thảo luận, TS. Nguyễn Hữu Nhuần cùng các thầy cô giáo trong Khoa đã đặt nhiều câu hỏi để hiểu rõ hơn về các kết quả cũng như hàm ý chính sách của nghiên cứu này. Kết thúc phiên thảo luận, TS. Nguyễn Hữu Nhuần đã nhận định đây là một hướng nghiên cứu mới, kết hợp cả nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn về kinh tế và các lĩnh vực có liên quan như hệ thống lương thực thực phẩm, chăm sóc sức khỏe người dân. Nghiên cứu này đã góp phần khẳng định tính ứng dụng và sự đa dạng của các nghiên cứu khoa học của Khoa Kinh tế và PTNT cũng như nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường.
Nguyễn Anh Đức, Nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường