Trong khuôn khổ đề tài “Phát triển kỹ năng cốt lõi cho lao động nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam” được thực hiện bởi nhiều đối tác trong và ngoài nước, trong đó Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn) là đối tác chính. Đề tài này được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) và Chương trình John Dillon Fellowship quản lý bởi trường Đại học New England (UNE, Úc). Mục tiêu của đề tài là xây dựng khung năng lực lao động nông nghiệp và kỹ năng cốt lõi, xác định các khoảng trống và sự thiếu hụt năng lực, kỹ năng cốt lõi cho lao động; cung cấp thông tin và các lộ trình khả thi nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng cốt lõi cho người nông dân trồng xoài trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam để phục vụ xuất khẩu xoài của Việt Nam trong tương lai.

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu của Khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam bao gồm TS. Dương Nam Hà, Trưởng Bộ môn Phân tích định lượng, Trưởng nhóm thực hiện đề tài phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Thu Quỳnh, ThS. Nguyễn Hữu Giáp, ThS. Ninh Xuân Trung (các thành viên tham gia đề tài) đã thảo luận cùng ông Lường Trung Hiếu (Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Sơn La); ông Nguyễn Thanh Tùng (Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Sơn La – Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao - Doveco); ông Nguyễn Khắc Hào (Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn); ông Cao Xuân Dũng (Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu); ông Nguyễn Văn Điện (Chủ tịch Hội nông dân huyện Yên Châu), một số cán bộ Hội nông dân tỉnh, cán bộ cấp huyện và xã có liên quan, một số hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu xoài, và đại diện thương lái thu mua xoài trên địa bàn hai huyện Mai Sơn và Yên Châu về những thiếu hụt về kỹ năng cốt lõi của người nông dân trồng xoài xuất khẩu ở Sơn La và khả năng chuyển đổi số trong quản lý vùng nguyên liệu xuất khẩu xoài của tỉnh Sơn La. 

leftcenterrightdel

Nhóm nghiên cứu Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn trao đổi với cán bộ địa phương và đại diện một số tác nhân trong chuỗi xoài xuất khẩu tại Sơn La

Qua các thảo luận nhóm, ông Lường Trung Hiếu và các cán bộ quản lý ngành nông nghiệp của huyện Yên Châu và Mai Sơn nhận định Sơn La hiện nằm trong số những địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng và chất lượng nông sản với rất nhiều sản phẩm cây ăn quả chủ lực như cà phê, nhãn, xoài, mận,… Toàn tỉnh đã có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Riêng về xoài được trồng chủ yếu ở huyện Yên Châu và Mai Sơn với sản lượng khoảng 75.000 tấn, đứng thứ hai toàn quốc. Không chỉ lớn về diện tích, sản lượng mà chất lượng xoài Sơn La cũng ngày càng được khẳng định. Hầu hết diện tích trồng xoài đã và đang được chăm sóc, thu hoạch theo quy trình sản xuất an toàn như VietGAP, GlobalGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện toàn tỉnh có 99 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Australia, Mỹ và New Zealand với diện tích trên 1.400 ha. Xoài Sơn La hiện đã xuất khẩu, giới thiệu tại 8 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch năm sau cao hơn năm trước, riêng năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song giá trị sản phẩm xoài xuất khẩu đạt khoảng 3 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay người nông dân trồng xoài ở Sơn La mới chủ yếu chỉ tập trung vào các kỹ thuật sản xuất xoài và một số chính sách của tỉnh, huyện mới chủ yếu tập trung vào phát triển sản xuất xoài và hướng dẫn người dân sản xuất theo các quy trình sản xuất như VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó làm cơ sở để xuất khẩu xoài. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất xoài của Sơn La đang gặp khó khăn vì dịch bệnh xảy ra nhiều, cùng với đó, tỉnh và huyện chưa có quy trình bài bản cụ thể trong hướng dẫn các hộ nông dân trong việc phòng trừ dịch bệnh (các cửa hàng đại lý, nhà khoa học cũng chưa có hướng để giải quyết); công tác phòng trừ sâu bệnh, phun thuốc bảo vệ thực vật chưa được thực hiện đồng bộ để tiêu diệt sâu bệnh (mỗi hộ làm 01 kiểu),… Điều đó gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất hàng hóa quy mô lớn để tạo ra vùng nguyên liệu đảm bảo cho xuất khẩu xoài.

leftcenterrightdel
Nhóm nghiên cứu Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn trao đổi với ông Lường Trung Hiếu – Chủ tịch Hội nông dân tỉnh và các cán bộ của Hội nông dân tỉnh Sơn La 

Ngoài ra, kỹ năng của người nông dân trong việc chuyển đổi số, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào trong sản xuất xoài để có thể quản lý quy trình sản xuất, quản lý dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm,… còn rất nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa có tâm lý sản xuất hàng hóa theo định hướng thị trường, nhu cầu của thị trường; trình độ, nhận thức của người dân (đa phần là người dân tộc thiểu số) chưa rõ ràng và đầy đủ về chuyển đổi số,… 

leftcenterrightdel
Nhóm nghiên cứu Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn thăm quan nhà máy Doveco Sơn La 

 Sau buổi làm việc, các thành viên của Nhóm nghiên cứu Khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hiểu hơn về những thiếu hụt các kỹ năng cốt lõi của người nông dân trồng xoài ở Sơn La. Trên cơ sở này, nhóm sẽ xây dựng đề xuất về một số hoạt động để hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân trồng xoài ở Sơn La nâng cao các kỹ năng và năng lực cốt lõi để áp dụng công nghệ số vào trong sản xuất xoài để có thể đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế như yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.

leftcenterrightdel
TS. Dương Nam Hà và TS. Nguyễn Thị Thu Quỳnh thăm quan vườn xoài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Úc ở Yên Châu 

Ninh Xuân Trung, Dương Nam Hà - Chi đoàn cán bộ Khoa Kinh tế PTNT