Chiều ngày 25/10/2021, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tổ chức seminar trực tuyến với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu một số sản phẩm cây ăn quả chủ lực của tỉnh Sơn La” do PGS. TS Nguyễn Mậu Dũng – thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường trình bày. Chủ tọa của seminar là GS. TS Nguyễn Văn Song cùng với sự tham gia của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Hiền, trưởng khoa Kinh tế & PTNT cùng đông đảo cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên trong Khoa.
PGS. TS Nguyễn Mậu Dũng trình bày seminar
Sơn La nằm trong tiểu vùng khí hậu thích hơp cho phát triển các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, mận, chanh leo, sơn tra, chuối, bưởi … Giá trị xuất khẩu cây ăn quả năm 2019 đạt 17, 94 triệu USD, chiếm 12% tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu cây ăn quả chỉ chiếm 6,8% tổng sản lượng. Sản lượng xuất khẩu chính ngạch còn chiếm tỷ lệ thấp. Do vậy, rất cần thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn tỉnh một cách mạnh mẽ hơn.
Nghiên cứu lựa chọn 4 huyện và 5 loại cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Cây xoài ở huyện Yên Châu, cây mận và chanh leo ở huyện Mộc Châu, cây xoài và nhãn ở huyện Mai Sơn, cây nhãn ở huyện Sông Mã được chọn là những điểm nghiên cứu chính.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La, các loại cây ăn quả chủ lực như xoài, nhãn, mận và sơn tra chiếm 90% tổng diện tích cây ăn quả. Toàn tỉnh hiện có 216 doanh nghiệp, liên hiệp HTX, HTX trồng cây ăn quả. Lao động trồng cây ăn quả tại Sơn La hầu hết là lao động tại chỗ, là đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn 75% trong số đó chưa qua đào tạo. Giá trị xuất khẩu trái cây toàn tỉnh năm 2019 đạt 20,795 tấn, tương đương 17,94 triệu USD. Thị trường xuất khẩu là Trung Quốc, Úc, Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Nghiên cứu đã nêu lên thực trạng sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian qua và chỉ ra những khó khăn các hộ gặp phải trong sản xuất. Nước tưới là vấn đề khó khăn lớn nhất khi 45% số hộ sản xuất phụ thuộc nguồn nước tưới tự nhiên từ sông, suối và 43% số hộ thậm chí còn không có hệ thống tưới. Toàn tỉnh có khoảng 20% diện tích cây ăn quả cơ bản đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang một số nước EU, Úc, Mỹ và Nhật Bản. Đến năm 2019, toàn tỉnh đã có 164 mã vùng trồng, trong đó 113 được xuất sang Trung Quốc. Lao động trồng cây ăn quả tại Sơn La chủ yếu là lao động địa phương chưa qua đào tạo. Đa số trong số họ là đồng bào dân tộc thiểu số nên trình độ còn hạn chế.
Năm 2019, tổng giá trị sản xuất cây ăn quả tỉnh Sơn La đạt 2.450,82 tỷ đồng, xuất khẩu 20.795 tấn với tổng giá trị xuất khẩu đạt 17,94 triệu USD. Thị trường xuất khẩu gồm Trung Quốc, Úc, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Các đơn vị xuất khẩu cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Rủi ro chính sách,thương lái gây nhiễu giá, nhập khẩu tiểu ngạch lớn hay sự cạnh tranh ngày càng lớn với trái cây của các nước khác, bên đối tác yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao và đặc biệt là hiện có quá ít các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu là những thách thức không nhỏ mà các đơn vị sản xuất đang gặp phải.
Trong bài trình bày, một số những khó khăn tại các thị trường nhập khẩu cũng được tác giả nêu ra một cách cụ thể. Cuối cùng, tác giả đưa ra 8 giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững trái cây trong thời gian tới. Quy hoạch vùng sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng giống, tăng cường ứng dụng tiến bộ công nghệ, tăng cường liên kết, hỗ trợ cải thiện nguồn lực, nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở sản xuất, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng cường quảng bá sản phẩm cần được thực hiện.
TS. Đỗ Trường Lâm đặt câu hỏi cho tác giả
Tại phiên thảo luận, GS. TS Nguyễn Văn Song chia sẻ tại Sơn La, đặc biệt khu vực Yên Châu rất có lợi thế trồng cây xoài. Tuy nhiên Sơn La khó có lợi thế xuất khẩu sang thị trường khó tính vì hình thức không bắt mắt. Tập quán dân tộc khiến cho việc xuất khẩu khó khăn. TS. Đỗ Trường Lâm đưa ra góp ý nghiên cứu nên tính đến các chỉ tiêu phản ánh lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hoa quả. Trên cơ sở đó, biết được khâu nào đang yếu nhất. Cuối cùng, Chủ tọa GS. TS Nguyễn Văn Song kết thúc cuộc họp kèm nhận xét về bài trình bày là kết quả tóm tắt của một nghiên cứu công phu nghiêm túc, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
Tin bài : Nguyễn Thị Huyền Châm, Nhóm NCM Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường