Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Đại học thể chế giữa Học Viện Nông nghiệp Việt Nam và các trường đại học khối Pháp ngữ (Bỉ) và dưới sự tài trợ của Tổ chức ARES –CCD, Dự án Việt Bỉ đã tài trợ cho các tiến sĩ trẻ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện các nghiên cứu sau tiến sĩ. Theo đó, đề tài nghiên cứu “Giải pháp giảm nghèo dựa vào rừng cho người dân tộc thiểu số ở vùng lõi nghèo Tây Bắc, Việt Nam-Trường hợp nghiên cứu tại các túi nghèo huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên” được tuyển chọn và tài trợ thực hiện trong năm 2021. Ngày 8 tháng 10 năm 2022, Hội đồng đánh giá đề tài của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu kết quả nghiên cứu với các kết quả như sau:

Nghiên cứu đã đạt được mục tiêu tổng quan chính sách và giải pháp hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, sinh kế dựa vào rừng trong các chương trình giảm nghèo, đánh giá thực trạng, giải pháp và tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến giảm nghèo dựa vào rừng cho người dân tộc thiểu số từ đó đề xuất giải pháp giảm nghèo dựa vào rừng cho người dân tộc thiểu số, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Bằng kết quả phân tích dữ liệu 360 hộ DTTS điều tra, nghiên cứu chỉ ra, trung bình hộ nhận được từ 2 đến 5 hỗ trợ, tuy nhiên, hỗ trợ nhỏ lẻ, đơn điệu, chưa sát với nhu cầu của hộ nghèo DTTS. Tuy nhiên, các giải pháp đã góp phần cải thiện đáng kể thu nhập và tình trạng nghèo của hộ DTTS. Kết quả phân tích mô hình Logistic chỉ ra, mối tương quan giữa giải pháp hỗ trợ khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng và hỗ trợ đất rừng sản xuất có mối tương quan với khả năng thoát nghèo của hộ với xác suất tương ứng lần lượt là 29,12%, 18,03%, và 9,63%. Kết quả phân tích của mô hình hồi quy logistics thứ bậc chỉ ra mối tương quan giữa các giải pháp hỗ trợ với sự thay đổi thu nhập của hộ DTTS theo các mức: giảm ít, không giảm, tăng ít, tăng nhiều cho thấy, hỗ trợ nhận khoán và chăm sóc rừng, hỗ trợ khuyến nông, tham gia mô hình làm tăng nhiều thu nhập của hộ DTTS. Ngược lại, hỗ trợ giống cây trồng rừng lại làm giảm thu nhập của hộ. Như vậy, nghiên cứu cho thấy, những hỗ trợ về vật chất không còn phù hợp nữa, thời gian tới cần chuyển hướng sang hỗ trợ phần mềm.

leftcenterrightdel
 

Người dân thảo luận và vẽ sơ đồ lát cát, phân tích nguồn lực đất rừng

Các yếu tố ảnh hưởng được phân tích bao gồm đặc điểm của hộ DTTS, năng lực của cán bộ thực hiện giải pháp, chính sách, nội dung của giải pháp, chính sách, tổ chức bộ máy thực hiện, trong đó chỉ ra những hạn chế, bất cập nhằm đề xuất các hướng hoàn thiện.

Những giải pháp đề xuất bao gồm tăng cường tuyên truyền về giảm nghèo, sinh kế dựa vào rừng, nâng cao năng lực thực hiện giải pháp cho cán bộ địa phương, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ.

leftcenterrightdel
 

Người dân gặp gỡ và trao đổi thông tin sau khi họp dân bàn về giải pháp giảm nghèo dựa vào rừng

Với một khoản kinh phí, nguồn lực và thời gian đủ vừa, nghiên cứu này phân tích sâu hơn các giải pháp hỗ trợ sinh kế dựa vào rừng được thực hiện bởi chính quyền địa phương, các phương thức sinh kế dựa vào rừng mà cộng đồng địa phương đang thực hiện, những khó khăn bất cập, để đề xuất giải pháp sinh kế mới cũng như cải thiện giải pháp đã có nhằm hướng tới giảm nghèo dựa vào rừng ở cả hiện tại và tương lai ở vùng Tây Bắc.

 Nghiên cứu này được thực hiện đối với đối tượng cụ thể là người DTTS. Mô hình thống kê tập trung vào các biến độc lập có tác động tích cực đến giảm nghèo là các nội dung về hỗ trợ mềm, hỗ trợ sinh kế, mô hình để tìm ra nội dung nào có tác động, ảnh hưởng nhất, từ đó có những khuyến nghị hỗ trợ có trọng điểm để đánh tan lõi nghèo, túi nghèo của Tây Bắc.

 Nghiên cứu chỉ ra những nguyên nhân gốc rễ lý giải vì sao từng nội dung chính sách hỗ trợ sinh kế dựa vào rừng trong các chương trình giảm nghèo chưa được thực hiện tại địa phương, và nguyên nhân hạn chế tiếp cận chính sách từ đối tượng thụ hưởng là người DTTS từ đó, đề xuất giải pháp thực hiện nhằm hướng đến chính sách giảm nghèo hiệu quả tại địa phương.

Nghiên cứu này được thực hiện tại vùng “lõi nghèo” với mật độ nghèo cao nhất của vùng Tây Bắc và với đối tượng là người DTTS. Nghiên cứu được thực hiện ở một địa bàn nhỏ, nhóm đối tượng cụ thể nhưng là điểm sáng và có sức lan tỏa đến những túi nghèo khác có điều kiện tương đồng của vùng Tây Bắc và trên cả nước. Nghiên cứu tiến sĩ trước đây của tác giả đã có đóng góp quan trọng trong việc tìm ra mối tương quan giữa hỗ trợ phát triển nông nghiệp và giảm nghèo, giữa tỷ lệ người DTTS và tỷ lệ nghèo. Nghiên cứu này tiếp tục phân tích sâu hơn, tìm ra minh chứng thực tiễn cụ thể cho mối tương quan giữa tăng cường sinh kế dựa vào rừng và giảm nghèo. Kết quả nghiên cứu được công bố là sản phẩm truyền thông hữu ích cho chính người nghèo, chính quyền các cấp và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.

Tác giả: Nguyễn Thị Thiêm, Nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách Nông nghiệp, Khoa Kinh tế và PTNT