Cụm liên kết ngành trong lĩnh vực nông nghiệp được hiểu là sự tập trung của các nhà sản xuất, các tổ chức tham gia vào ngành nông nghiệp và thực phẩm, có liên kết với nhau và xây dựng mạng lưới giá trị, nhằm giải quyết các thách thức chung và thao đuổi các cơ hội chung. Đây được xem là một trong những công cụ hữu ích để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới, thương mại hoá, thúc đẩy hoạt động liên kết - hợp tác cũng như tạo ra nhiều tác động lan toả cho cộng đồng như tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho các tác nhân trong ngành và phát triển bền vững ngành.
Cà phê, cây chủ lực với hiệu quả kinh tế cao ở Tây Nguyên
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên khoảng 54.700 km2; trong đó đất nông nghiệp chiếm tới 36%; là vùng trồng cà phê chủ lực của Việt Nam với diện tích là 588.000 ha (chiếm 90% diện tích và 95% sản lượng) là điều kiện rất thuận lợi để hình thành cụm liên kết ngành. Trong những thập kỷ qua sản xuất cà phê đã góp phần rất quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn vùng miền núi đã thay đổi từng ngày theo hướng hiện đại và văn minh; đời sống người nông dân được cải thiện. Nông dân trồng cà phê đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật theo hướng thâm canh cao để đạt năng suất tối đa, đặc biệt là trong những thời kỳ giá cà phê tăng cao cùng với những thời điểm đó thì việc mở rộng diện tích là không thể kiểm soát được (ngoài quy hoạch).
Ngày 31/10/2022, trong chuỗi các hoạt động Seminar định kỳ, tại phòng Hội thảo, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, TS Lưu Văn Duy – thành viên Nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp đã trình bày kết quả nhiên cứu nghiên cứu về các điều kiện cần thiết để hình thành và phát triển cụm liên kết ngành cà phê ở vùng Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển ổn định, bền vững ngành hàng này trong tương lai.
TS Lưu Văn Duy trình bày kết quả nghiên cứu
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiện nay, Chính phủ và 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng đã ban hành rất nhiều văn bản chính sách để khuyến khích việc hình thành cụm liên kết ngành hàng cà phê, tập trung vào các nhóm nội dung như Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển cụm liên kết ngành theo chuỗi giá trị, khuyến khích hợp tác và liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030….Đây được coi là một trong những điều kiện đầu tiên cho việc phát triển cụm liên kết ngành cà phê.
Điều kiện tiền đề thứ hai mà nghiên cứu đề cập tới chính là điều kiện về tự nhiên – xã hội của khu vực Tây Nguyên. Với diện tích sản xuất cà phê lớn 588.000 ha, lượng lao động bình quân/ hộ lớn đều trên 2,6 lao động/ hộ và tỷ lệ người tốt nghiệp từ THCS trở lên cao chiếm gần 86% tổng dân số, là nguồn lao động dồi dào, có thể học hỏi và áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất cà phê hiệu quả.
Điều kiện thứ ba đó là Hợp tác công tư (PPP) ngành hàng cà phê đã và đang phát triển khá nhanh thời gian qua. Ban Điều phối Cà phê Việt Nam đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách giúp phát triển ngành hàng cà phê, nhất là xây dựng được 256 mô hình thí điểm PPP trong sản xuất cà phê bền vững ở cấp tỉnh và cấp huyện khá thành công với 100.000 nông dân tham gia và 50.600 nông dân thí điểm quy trình/ công nghệ mới và đã có tới 44.903 nông dân đạt chứng nhận sản xuất cà phê an toàn, bền vững.
Điều kiện thứ tư là vai trò của doanh nghiệp đầu tàu. Những doanh nghiệp này đã và đang xây dựng cho mình các vùng sản xuất chuyên canh, theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao để đáp ứng các thị trường xuất khẩu khó tính nhất. Do đó, vai trò của các đơn vị như Công Ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Công ty TNHH cà phê Vĩnh Hiệp, Simexco Đắk Lắk, Louis Dreyfus Company Việt Nam, Nestlé Vietnam Co., Ltd và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang với công suất chế biến từ 100.000 – 750.000 tấn/ năm và kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt từ 81,2 triệu – 243,6 triệu USD cho trên 300 khách hàng quốc tế là tiềm năng vô cùng lớn cho việc hình thành các vùng liên kết sản xuất bền vững trong sản xuất và tiêu thụ cà phê ở Tây Nguyên.
Điều kiện thứ năm là xu hướng hiện nay, việc sản xuất cà phê đều hướng tới xuất khẩu, với sản lượng cà phê xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới sau Brazil và tỷ lệ xuất khẩu là trên 80% tổng sản lượng đã cho thấy tiềm năng vô cùng lớn của cà phê khu vực Tây Nguyên với thế giới.
Điều kiện thứ sáu là mối liên kết giữa các tác nhân gần gũi giữa các bên cung ứng đầu vào, người sản xuất, tổ chức nông dân, đơn vị thu mua chế biến, các bên cung cấp dịch vụ logistic, xuất khẩu và tổ chức nghiên cứu với phạm vi địa lý gần gũi chính là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cụm liên kết ngành khi mà mối liên kết giữa nhà nước – nhà nông- doanh nghiệp – nhà khoa học trở nên gần gũi, thuận tiện cho phát triển cà phê cho khu vực và các địa phương.
Điều kiện thứ bảy chính là mức độ tập trung và chuyên môn hoá cây cà phê ở Tây Nguyên vô cùng cao thời gian qua. Đây là cây trồng truyền thống, chủ lực với diện tích trồng tập trung, năng suất cao của cả nước, đặc biệt là 4 điểm nghiên cứu, vì vậy, việc phát triển cụm liên kết ngành cà phê ở đây là điều hoàn toàn khả thi và sẽ có hiệu quả cao.
Các đại biểu tham dự seminar góp ý, trao đổi, thảo luận
TS Lưu Văn Duy trả lời các câu hỏi trao đổi, thảo luận
Theo các đại biểu tham dự seminar thì kết quả nghiên cứu mang tính mới và thực tiễn cao, rất có ý nghĩa tham khảo cho hoạt động nghiên cứu và thực tiễn không chỉ cho Tây Nguyên với sản phẩm cà phê mà còn với các sản phẩm cây chủ lực đặc sản ở các vùng khác. Các trao đổi, góp ý và thảo luận của các đại biểu sẽ giúp cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện hơn kết quả cũng như mở ra nhiều khía cạnh mới cho những nghiên cứu sau.
Phạm Thị Thanh Thuý, Nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp