Chiều ngày 17 tháng 10 năm 2022 Nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý và Phát triển nông thôn đã tổ chức seminar khoa học, trong đó có sự trình bày của Thạc sĩ Đỗ Thị Nhài với chủ đề “Chính sách thúc đẩy HTX nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản: Thực trạng và một số giải pháp” tại phòng họp của khoa Kinh tế & PTNT
Th.S Đỗ Thị Nhài trình bày báo cáo
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sạch. Có nhiều chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như doanh nghiệp, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và các hộ nông dân. Trong đó, hợp tác xã là tác nhân quan trọng cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình, để tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến. Tuy nhiên, số lượng HTX NN UDCNC còn hạn chế, quy mô nhỏ và chưa đồng bộ. Hầu hết các HTX NN mới chỉ ứng dụng CNC trong một khâu hoặc một vài công đoạn sản xuất. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp CNC chung và khuyến khích, tạo động lực để các tác nhân tham gia ứng dụng CNC trong nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, tổng kết từ các báo cáo có liên quan cho thấy, các chính sách còn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa có chính sách đặc thù, cụ thể đối với các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC; Có sự chồng chéo giữa nhiều văn bản, chính sách; HTX khó tiếp cận các chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai, cơ sở hạ tầng, thuế…
Tác giả đã trình bày rất chi tiết các nội dung như (i) Đánh giá thực trạng chính sách thúc đẩy HTXNNUD CNC vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; (ii) Phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả thực thi chính sách thúc đẩy HTXNNUD CNC vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; (iii) Đề xuất hoàn thiện một số chính sách thúc đẩy Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trong thời gian tới
Các giảng viên và nghiên cứu viên chăm chú nghe báo cáo
Thực trạng chính sách thúc đẩy HTX nông nghiệp ứng dụng CNC được tổng hợp theo ba nhóm chính sách gồm: Nhóm chính sách định hướng; nhóm chính sách tạo động lực và nhóm chính sách quản lý rủi ro. Ở mỗi nhóm, tác giả trình bày tổng quan các chính sách, kết quả thực thi và những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai chính sách.
Tình hình triển khai và kết quả thực hiện nhóm chính sách định hướng: (1) Quy hoạch được 03 khu NN ƯD CNC do Thủ tướng phê duyệt, 9 vùng NN CNC được công nhận, (2) Các địa phương đã triển khai chính sách định hướng loại CNC ứng dụng trên các loại cây trồng, vật nuôi; 3) Một số địa phương đã xây dựng kế hoạch về cơ cấu các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo loại công nghệ như Hà Nội; 4) Các tiêu chí lựa chọn HTX NN ứng dụng CNC được áp dụng linh hoạt ở một số tỉnh như Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với nhóm chính sách tạo động lực cho HTX NN ứng dụng CNC cho thấy, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai, xúc tiến thương mại, thuế, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chế biến đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất ít HTX tiếp cận được các hỗ trợ này do chưa có những chính sách đặc thù hoặc những hướng dẫn cụ thể đối với HTX. Hầu hết các chính sách được lồng ghép vào chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp CNC nói chung và chính sách phát triển HTX.
Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phòng ngừa rủi ro và giảm thiểu thiệt hại cho HTX: (1) Đến hết năm 2019, các địa phương đã tổ chức 78 cuộc tuyên truyền với sự tham gia của 399 người, kinh phí thực hiện 571 triệu đồng. Nội dung và hình thức tuyên truyền đa dạng; (2) Có 19 tỉnh được lựa chọn hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, trong đó có Nghệ An: Hơn 7.000 hộ tham gia; 1.465ha lúa hè thu được BH; (3) 06 tỉnh đã trợ cấp, hỗ trợ rủi ro trong trồng trọt và chăn nuôi song chủ yếu cho đối tượng là hộ nông dân; (4) Các địa phương đã thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay với lãi suất ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân vay vốn (trong bối cảnh dịch Covid- 19).
Bên cạnh những kết quả đạt được, nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều hạn chế, xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các nguyên nhân khách quan như điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của các địa phương; nguồn lực của các HTX nông nghiệp, điều kiện cơ sở hạ tầng của địa phương và các HTX phục vụ cho sản xuất nông nghiệp CNC, sự phát triển của thị trường khoa học công nghệ và sự tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp CNC của các HTX. Các nguyên nhân chủ quan có ảnh hưởng tới kết quả thực thi các chính sách bao gồm: tính rõ ràng, cụ thể; tính phù hợp, độ trễ của chính sách, các nguồn lực cho triển khai chính sách và sự phối hợp của các bên có liên quan.
Nghiên cứu cũng đề ra một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện ba nhóm chính sách gồm: Nhóm chính sách định hướng, nhóm chính sách tạo động lực cho các HTX NN trong việc ứng dụng CNC và nhóm chính sách quản lý rủi ro.
Sau khi nghe bài trình bày của ThS. Đỗ Thị Nhài, rất nhiều nhà khoa học đã đưa ra các ý kiến đóng góp bao gồm: Chính sách nào của Nhà nước là khả thi nhất, tại sao các chính sách đưa vào áp dụng thực tế lại mang lại hiệu quả chưa cao, nghiên cứu cũng cần phân tích để chính sách hiệu quả thì quản lý nhà nước ở vị trí nào, việc thực thi chính sách cần tương quan hai chiều giữa chính quyền và HTX nông nghiệp…
Buổi báo cáo Seminar kết thúc lúc 16h với nhiều tranh luận sôi nổi.
Nhóm NCM – Quản lý và PTNT
Ảnh và bài: Th.s Đồng Thanh Mai