Sáng này 11 tháng 01 năm 2023, khoa Kinh tế & PTNT tổ chức bảo vệ đề tài Khoa học công nghệ cấp Học viện cho Giảng viên, Thạc sĩ Đồng Thanh Mai với chủ đề: Ảnh hưởng của Đại dịch Covid – 19 tới lao động di cư đang sinh sống trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh tại phòng họp 405 của khoa. Tham dự buổi bảo vệ có chủ tịch hội đồng là TS. Đỗ Trường Lâm, thư ký của hội đồng là TS. Nguyễn Thị Thu Huyền và 2 phản biện và 01 ủy viên, đều là các nhà khoa học có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế xã hội.
Tên đề tài được nghiệm thu
Sau khi TS. Đỗ Trường Lâm đọc quyết định thành lập hội đồng, Th.S Đồng Thanh Mai đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu trong thời gian 15 phút.
Tác giả cho rằng Covid-19 đã mang lại những hậu quả thương tâm cho sức khỏe và cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới, nó cũng khiến nền kinh tế ở khắp mọi nơi suy giảm. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến nền KT-XH và làm cho tăng trưởng GDP giảm từ 7,09% năm 2019 xuống còn 2,58% năm 2021. Là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 4, ước tính có đến hàng chục nghìn người lao động tại Bắc Ninh bị ảnh hưởng khiến cuộc sống bấp bênh. Với các phương pháp tiếp cận và nghiên cứu phù hợp, tác giả đã giải quyết đầy đủ ba mục tiêu nghiên cứu.
Đầu tiên nhóm tác giả đã cơ bản hệ thống hóa cơ sở lý luận về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 tới lao động di cư bao gồm những lý luận về lao động di cư, lý luận về dịch bệnh Covid – 19 và những ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập, chi tiêu, sức khỏe, tinh thần, tâm lý…của lao động di cư. Tiếp theo nhóm tác giả đã trình bày kết quả khảo sát 200 đối tượng lao động di cư cho thấy có 61,5% lao động tự do phải ngừng việc tạm thời và 56,3% lao động ở các khu công nghiệp bị giảm giờ làm. Từ đó tác động trực tiếp tới thu nhập, khiến 60% lao động thấy thu nhập không đủ chi tiêu. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sau đại dịch Covid - 19, có gần 80% lao động di cư đang sinh sống tại thành phố Bắc Ninh bị ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe và một phần khá lớn mối quan hệ gia đình trở nên xấu đi. Các lao động di cư đã có sự điều chỉnh về chi tiêu, lối sống để thích ứng và chung sống an toàn trước dịch bệnh. Sự tác động của dịch bệnh tới mỗi người lao động di cư là khác nhau do đặc thù nghề nghiệp của họ là khác nhau. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có trên 80% lao động di cư trên địa bàn nắm bắt được thông tin về các gói chính sách hỗ trợ do nhà nước ban hành. Tuy vậy, ngoại trừ hỗ trợ về tiền thuê nhà đối với nhóm công nhân KCN, toàn bộ các chính sách hỗ trợ khác có chưa đầy 40% người di cư tiếp cận được. Đánh giá phần lớn của người di cư là những chính sách mới chỉ hỗ trợ được một phần nhỏ trong những khó khăn của họ do dịch bệnh mang lại.
Tác giả Đồng Thanh Mai trình bày báo cáo tóm tắt
Để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực mà dịch bệnh Covid -19 mang đến cho người lao động di cư, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp như là tiếp tục khống chế tốt dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới, cần đơn giản hóa điều kiện và thủ tục để lao động di cư được thụ hưởng gói an sinh xã hội, thay đổi chính sách quản lý lao động di cư, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa tới lao động di cư thông qua việc tổ chức phối hợp với các bệnh viện để khám và chữa những bệnh hậu Covid – 19 miễn phí và bản thân người lao động cần chủ động thích ứng tốt hơn sau dịch bệnh.
Sau khi chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu, các phản biện đã đưa ra những nhận xét có ý nghĩa đóng góp thiết thực cho đề tài. Hai phản biện đều đồng ý đề tài có dung lượng và chất lượng đảm bảo yêu cầu của mà thuyết minh nghiên cứu đã đặt ra. Phương pháp và số mẫu nghiên cứu phù hợp với nội dung của đề tài. Kết quả nghiên cứu đã đáp ứng cả về mặt lý luận và thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh cả nước nói chung và thành phố Bắc Ninh nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid – 19. Hai phản biện cũng có một vài góp ý nhỏ để nhóm tác giả hoàn thiện nghiên cứu của mình như chỉnh sửa lại tên phần, tên chương, rút gọn nội dung về số trang theo yêu cầu của ban KHCN, sắp xếp các phân tích theo mục trước và sau Covid – 19. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng đã giải thích và trả lời đầy đủ các câu hỏi của ủy viên trong Hội đồng.
Thay mặt hội đồng, chủ tịch hội đồng TS. Đỗ Trường Lâm đã tuyên bố kết luận về những kết quả đạt được của đề tài và một số nội dung cần hoàn thiện. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả đạt yêu cầu, xếp loại khá.