Chiều ngày 22/11/2021, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tổ chức seminar trực tuyến với chủ đề “Triết lý nền kinh tế vừa đủ của Thái Lan và khả năng vận dụng vào Việt Nam” do Th.S Nguyễn Thị Huyền Châm – thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường trình bày. Chủ tọa của seminar là TS Nguyễn Hữu Nhuần cùng với sự tham gia của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Hiền, trưởng khoa Kinh tế & PTNT cùng đông đảo cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên trong Khoa.
Th.S Nguyễn Thị Huyền Châm trình bày seminar
Triết lý nền kinh tế vừa đủ (SEP) được khởi xướng bởi Cố Quốc Vương Bhumibol Adulyadej –Rama IX của Thái Lan. Ông có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với người dân Thái Lan do những đóng góp không ngừng nghỉ đối với các dự án phát triển nhằm làm thay đổi cuộc sống cho người dân nghèo. Triết lý nền kinh tế vừa đủ nhằm chỉ ra phương hướng để người dân xây dựng một cuộc sống ổn định, bền vững, nâng cao khả năng tồn tại và vượt qua khủng hoảng kinh tế, ứng phó linh hoạt, hiệu quả trước những thách thức của toàn cầu hóa và sự bất ổn từ bên ngoài.
Triết lý nền kinh tế vừa đủ khuyến khích mọi người đến “trạng thái đủ”, tự cung tự cấp và sống chan hòa với thiên nhiên. Do vậy, triết lý này có thể áp dụng ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và quốc gia. Triết lý cho rằng, mỗi cá nhân phải có tinh thần làm việc hằng ngày, cố gắng sống một cuộc sống vui vẻ vừa phải. Triết lý này được vua Bhumibol giới thiệu lần đầu vào năm 1974. Tuy nhiên phải đến năm 1997 khi khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra và Thái Lan là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề, mọi người mới cùng nhìn lại và ghi nhận tầm quan trọng của triết lý này. Sự vận dụng triết lý này sau đó đã giúp Thái Lan nhanh chóng khôi phục nền kinh tế sau khủng hoảng và có những bước tiến ổn định, vững chắc sau này.
Triết lý nền kinh tế vừa đủ được hình thành từ 3 trụ cột, gồm sự chừng mực, sự hợp lý và khả năng miễn dịch tốt. Sự chừng mực bao hàm sự vừa đủ, không quá ít và không quá nhiều, nằm trong khả năng và không lãng phí. Sự hợp lý hàm ý việc ra quyết định phải dựa trên các đánh giá cẩn trọng, thấu đáo các nhân tố liên quan nhân quả của hành động. Khả năng tự miễn dịch tốt hàm ý luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để quản trị tốt rủi ro, sẵn sàng ứng phó trước những bất ổn từ bên ngoài. Điều kiện cần có để thực hiện triết lý này là kiến thức và đạo đức, trong đó tính trung thực, thật thà và kiên nhẫn được đề cao triết lý này chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Phật giáo Thái Lan.
Ngày nay, triết lý nền kinh tế vừa đủ đã được phát triển rộng rãi, không chỉ ở Thái Lan mà có sức lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới, điển hình như Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Chi-le, Lào, Indonesia. Tại Việt Nam, triết lý này được áp dụng thí điểm lần đầu tiên ở 2 xóm Đồng Bòng và Đồng Xiền, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2021. Đồng Bòng có lợi thế sản xuất sản chè trong khi Đồng Xiền có lợi thế phát triển du lịch cộng đồng. Triết lý này khi vận dụng vào địa phương được kỳ vọng sẽ thay đổi nhận thức của người dân, phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ của địa phương để phát triển kinh tế. Do có những đặc điểm tương đồng với Thái Lan, việc vận dụng triết lý này tại 2 xóm Đồng Bòng và Đồng Xiền có nhiều hy vọng sẽ đạt được kết quả tốt.
TS. Nguyễn Minh Đức đặt câu hỏi cho tác giả
Tại phiên thảo luận, TS Nguyễn Minh Đức chia sẻ ở Việt Nam, triết lý này là một góc nhìn mới và phù hợp tại những vùng khó khăn khi kiến thức thị trường còn hạn chế. Triết lý này được vận dụng có ưu điểm tận dụng được nguồn lực sẵn có tại địa phương nên rất phù hợp với các chương trình, dự án hay các hoạt động cần sự tham gia của cộng đồng. TS Nguyễn Hữu Nhuần cho rằng khái niệm “Đủ” trong triết lý này mang ý nghĩa tương đối, nên việc vận dụng triết lý này ở cấp độ nào cần được thảo luận thêm. GS.TS. Đỗ Kim Chung đưa ra ý kiến chia sẻ Thái Lan tuy có nhiều thành công trong áp dụng triết lý nền kinh tế vừa đủ nhưng họ đã và đang vận dụng rất tốt mô hình kinh tế thị trường. Cuối cùng, Chủ tọa TS. Nguyễn Hữu Nhuần kết thúc cuộc họp bằng kết luận triết lý này mở ra một góc nhìn mới cho sự phát triển, có thể áp dụng triết lý này tại nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ hay có thể áp dụng trong bối cảnh xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid như hiện nay.
Tin bài: Nguyễn Thị Huyền Châm, Nhóm NCM Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường