Ngày 17 tháng 10 năm 2021, Khoa Kinh tế & PTNT đã tổ chức seminar với chủ đề Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là một chủ đề mang tính thời sự, đặc biệt trong bối cảnh tất cả các địa phương trong cả nước bước vào giai đoạn hai của chương trình sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19. Chủ đề được trình bày bởi TS. Trần Thị Thu Trang đã thu hút được sự quan tâm lắng nghe và thảo luận sôi nổi của các thầy cô giảng viên Khoa Kinh tế và PTNT.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chương trình phát triển kinh tế ở nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế, đặc biệt là những sản vật, làng nghề truyền thống của các địa phương, vùng miền trên cả nước nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, được triển khai từ năm 2018 và cho đến nay kết quả từ Chương trình đã góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế của các địa phương trong cả nước.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chương trình OCOP đã thu hút được sự tham gia, phát triển sản phẩm OCOP của 72 DN, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất - kinh doanh; qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hơn 5.000 lao động nông thôn. Tính từ năm 2019 đến hết năm 2021, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, Hà Nội đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Để chương trình OCOP đạt được thành công như mong đợi, bên cạnh việc nâng chất cho các sản phẩm, việc tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Mặc dù đã gặt hái được những thành công bước đầu rất đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế khi triển khai chương trình này. Nhiều chủ thể chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc tham gia chương trình OCOP nên cũng chưa tham gia tích cực;  Nhiều chủ thể sau khi được Thành phố chứng nhận sản phẩm OCOP không phát huy được lợi thế (không tham gia xúc tiến, quảng bá thương hiệu, kết nối sản phẩm; quy mô sản xuất không được nâng cao, …); Kinh phí triển khai cho Chương trình OCOP của các Huyện còn hạn chế, nên chưa hỗ trợ được hết được các sản phẩm tiềm năng; Nhiều sản phẩm của các công ty, DN, HTX còn thô sơ, chưa hấp dẫn về hình thức, thiết kế bao bì, nhãn mác, chưa có đăng lý bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm còn yếu; Hoạt động sản xuất kinh doanh còn đơn lẻ, chưa liên kết theo chuỗi giá trị, chưa áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; Nhân lực quản lý, chất lượng lao động còn thấp, chủ yếu là lao động thủ công, đơn giản. Bên cạnh đó, những hạn chế về chính sách phát triển chương trình OCOP như chưa có quy định về mức hỗ trợ trực tiếp cho chủ thể có sản phẩm OCOP được cấp sao khiến nhiều tỉnh, thành (bao gồm cả Hà Nội) không thực hiện được cơ chế này. Hay như quy định mức chi đối với đơn vị tư vấn cho các chủ thể tham gia, thành viên hội đồng thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố cũng chưa được các cấp có thẩm quyền ban hành…cũng khiến cho chương trình OCOP chưa đạt được thành công như mong đợi.

Để việc tổ chức thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả mong đợi, trong thời gian tới Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình theo hướng hỗ trợ đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm; quy định rõ mức thưởng, mức chi cho các nhóm đối tượng tham gia nhằm động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho các chủ thể, tập thể, cá nhân tích cực đóng góp cho sự phát triển của Chương trình OCOP.

Một số hình ảnh tại buổi Seminar.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Trần Thị Thu Trang – Khoa Kinh tế & PTNT