Ngày 12 tháng 09 năm 2022, nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã tổ chức seminar về cụm liên kết ngành (CLKN) nông nghiệp. Đây là chủ đề mới, dành được nhiều sự quan tâm của thầy cô trong khoa. Bài thuyết trình được trình bày bởi PGS. TS. Nguyễn Phượng Lê, nội dung chủ yếu của bài trình bày là những vấn đề liên quan đến lý luận và phương pháp luận liên quan đến cụm liên kết ngành.
CLKN bao gồm một ngành/nhóm ngành làm ra sản phẩm cuối cùng, các nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ chuyên môn hóa, các ngành công nghiệp liên quan (chia sẻ cùng hoạt động kinh tế, lao động, công nghệ, kênh truyền dẫn, khách hàng) và các tổ chức hỗ trợ (tài chính, giáo dục đào tạo, hiệp hội thương mại, tiêu chuẩn chất lượng) Porter (2007). Phát triển không gian kinh tế, hình thành các cụm liên kết ngành là một xu thế phát triển phổ biến được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng với mục đích là nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu.
Đặc trưng của cụm liên kết ngành là tập trung trong một khu vực địa lý với mức độ tập trung, mức độ năng động và liên kết; Tính chuyên môn hóa, mỗi CLKN thường tập trung xung quanh một hoạt động cốt lõi; Tính đa chủ thể bao gồm cơ sở sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp, HTX, hộ), cơ sở cung cấp đầu vào, dịch vụ, tổ chức giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, định chế tài chính, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng…; Chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.
CLKN nông nghiệp được hiểu một cách đơn giản là sự tập trung của các nhà sản xuất và các tổ chức tham gia vào ngành nông nghiệp và thực phẩm, có liên kết với nhau và xây dựng mạng lưới giá trị, chính thức hoặc không chính thức, nhằm giải quyết các thách thức chung và theo đuổi các cơ hội chung. Theo nghĩa rộng hơn, CLKN nông nghiệp bao gồm các hoạt động sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, chế biến thực phẩm, máy móc và thiết bị nông nghiệp, cũng như các hoạt động vận chuyển và phân phối nông sản
Vai trò của CLKN nông nghiệp thứ nhất là CLKN nông nghiệp thứ tạo ra môi trường lành mạnh cho thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức sản xuất kinh doanh; Thứ hai, CLKN nông nghiệp thứ hoạt động như một hệ thống qua đó thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo cả về kỹ thuật và tổ chức; Thứ ba, CLKN nông nghiệp là một trong những phương thức thể hiện sự hỗ trợ của khu vực công nhằm tăng năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp và nông-công nghiệp ở một vùng cụ thể; Thứ tư, CLKN nông nghiệp mang lại lợi ích cho nông dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp quy mô nhỏ, khi các đơn vị sản xuất nhỏ tham gia vào CLKN nông nghiệp sẽ đạt được tính kinh tế nhờ quy mô; Thứ năm, CLKN nông nghiệp góp phần giải quyết những khó khăn trong phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đặc biệt trong đa dạng sinh học, hội nhập, tăng mức đầu tư/thâm canh và tăng quy mô; Thứ sáu, CLKN nông nghiệp đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của vùng
Điều kiện hình thành và phát triển CLKN nông nghiệp
· Lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhất là đất đai
· Sự hỗ trợ của chính phủ
· Hợp tác công – tư trong hình thành và phát triển CLKN ngành nông nghiệp
· Vai trò của doanh nghiệp đầu tàu (FDI)
· Các cơ quan khoa học và viện nghiên cứu
· Quy mô sản phẩm lớn, chất lượng cao và sản xuất theo hướng xuất khẩu
· Hành động tập thể của các tổ chức trong CLKN: Giải quyết các vấn đề chung; Tạo ra hàng hóa công; Thiết lập và duy trì hệ thống giám sát; Thiết kế và thực hiện CLKD thông minh; Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao; Tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, môi trường và xã hội.
Nhóm nghiên cứu cũng đã trình bày các kinh nghiệm quốc tế về CLKN nông nghiệp bao gồm CLKN rượu vang Pháp, CLKN đánh bắt thủy sản Uganda; Cụm liên kết ngành cà phê tại Kenya. Một số tổng kết được rút ra qua nghiên cứu là CLKN hầu hết đều được hình thành một cách tự nhiên; Chính phủ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các CLKN; Chính sách của chính phủ đối với các CLKN có thể tập trung vào là hỗ trợ hình thành mạng lưới giữa các tác nhân, hỗ trợ hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển CSHT chuyên biệt dành cho cụm ngành, thu hút và khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào cụm và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp trong cụm ngành; Vai trò của các cá nhân, tổ chức trong CLKN bao gồ thúc đẩy liên kết, hợp tác trong CLKN, xây dựng mạng lưới, tìm hiểu các vấn đề cũng như tầm nhìn chung của ngành, hình thành tổ chức đại diện CLKN chính thức đai diện cho toàn bộ các thành viên trong CLKN.
Bài trình bày của nhóm đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thầy cô trong khoa. Những đóng góp và gợi ý nổi bật đáng quan tâm có liên quan đến định hướng nghiên cứu là xem xét sự liên quan của CLKN nông nghiệp với kinh tế tuần hoàn và phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện tại, nhóm nghiên cứu mạnh đã tiến hành nghiên cứu thực tế và ứng dụng vào tư vấn 1 số dự án và thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu và sẽ trình bày vào các Seminar sau tại Khoa và Học viện.
Nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp thuộc khoa Kinh tế và phát triển nông thôn, trong thời gian qua nhóm đã thực hiện nhiều các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và công bố kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước. Các lĩnh vực nghiên cứu nhóm tập trung vào như giảm nghèo bền vững, an ninh lương thực, nông nghiệp đô thị, chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bình đẳng giới trong nông nghiệp nông thôn, quản lý rác thải sinh hoạt hướng tới nền nông nghiệp bền vững. Các hoạt động chuyển giao đã thực hiện gồm nâng cao năng lực cho chủ trang trại, tập huấn giảng viên khuyến nông quốc gia về giới, phương pháp khuyến nông…
|
Hình ảnh tại buổi Seminar
Đặng Xuân Phi – Nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp