Chiều ngày 26/7/2021 tại diễn đàn trực tuyến (trên nền tảng MS Teams) của Khoa Kinh tế và PTNT, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam đã diễn ra seminar với chủ đề “Một số xu hướng nghiên cứu nông nghiệp thông minh trên thế giới: Ứng dụng phương pháp tổng quan có hệ thống (Systematic review)” do TS. Dương Nam Hà, thuộc nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường trình bày. Đây là diễn đàn nhằm chia sẻ phương pháp và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của giảng viên, nghiên cứu viên và các học viên sau đại học của Khoa.

Tham dự buổi seminar có Ban chủ nhiệm Khoa Kinh tế và PTNT gồm PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng Khoa, PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng – Phó trưởng Khoa, TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó trưởng Khoa và đông đảo các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong Khoa tham dự. Điều hành chương trình là TS. Nguyễn Hữu Nhuần, một nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và thực hiện các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tại nhiều khu vực có điều kiện phát triển khác nhau của Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

Trình bày seminar trực tuyến qua ứng dụng Microsoft Teams (Ảnh: Nguyễn Thị Thu Huyền –VNUA)

Mở đầu buổi seminar, chủ toạ TS Nguyễn Hữu Nhuần nêu nội dung, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của buổi trao đổi. Sau đó, TS. Dương Nam Hà giới thiệu về bối cảnh nghiên cứu về nông nghiệp thông minh và sự cần thiết để tìm hiểu sâu hơn về xu hướng nghiên cứu chủ đề này. Diễn giả chú trọng bài trình bày này nhằm chia sẻ phương pháp tổng quan có hệ thống là một trong những phương pháp tổng quan tài liệu ngày càng được quan tâm và ứng dụng rộng rãi trên thế giới.

leftcenterrightdel
 

Ba phương pháp tổng quan tài liệu chính trên thế giới (Ảnh: Nguyễn Thị Thu Huyền –VNUA)

            Nghiên cứu đã sử dụng Cơ sở dữ liệu (CSDL) Scopus của Elsevier và kiểm tra chéo thêm 2 CSDL chuyên ngành khác là EconLit và AgEcon. Để đảm bảo tính khoa học và độ tin cậy học thuật cao của nghiên cứu, tác giả đã tập trung vào 179 bài báo có phản biện (peer-reviewed) trên các tạp chí khoa học tìm được trên hệ thống.

            Thông qua tổng hợp và phân tích sử dụng phương pháp tổng quan có hệ thống, nghiên cứu này khẳng định “Nông nghiệp thông minh” (Smart Agriculture) là chủ đề nghiên cứu mới và ngày càng được quan tâm hơn. Đến nay, các nghiên cứu về nông nghiệp thông minh chủ yếu được công bố từ các nước đã phát triển khi xét ở cấp độ quốc gia nhưng xét về khu vực thì ba trung tâm chính về nghiên cứu chủ đề này bao gồm châu Á, châu Âu và châu Phi.

Chủ đề nông nghiệp thông minh cũng đang được quan tâm ở mức độ học thuật cao vì các tạp chí đăng bài nhiều nhất chủ yếu thuộc nhóm Q1 (nhóm 25% các tạp chí chất lượng nhất của mỗi chuyên ngành theo Scimago). Bên cạnh đó, nghiên cứu về nông nghiệp thông minh chủ yếu được công bố từ các nhà xuất bản nổi tiếng, bởi các tác giả làm việc ở các tổ chức nghiên cứu chuyên về nông nghiệp và phần lớn là từ các nước đã phát triển. Trong đó, ngôn ngữ chính trong các công bố là tiếng Anh.

Về nội dung chủ yếu trong các công trình nghiên cứu về nông nghiệp thông minh có được, báo cáo cho thấy các chủ đề được tập trung công bố nhiều nhất thuộc vào nhóm khoa học nông nghiệp. Đa số những công bố về nông nghiệp thông minh có lượt trích dẫn thấp, tức mức độ phổ biến về học thuật chưa cao. Những công bố về nông nghiệp thông minh có lượt trích dẫn nhiều nhất thường sử dụng cách tiếp cận liên ngành hoặc đa ngành.

Thông qua tổng hợp các công bố tìm được, báo cáo này cho rằng nội dung cơ bản của nông nghiệp thông minh là: “Hệ thống nông nghiệp bền vững chú trọng vấn đề khí hậu và phát triển thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin hiện đại với các thiết bị di động và mạng Internet”.

Dựa trên các kết quả tìm được, diễn giả cũng trình bày một số hàm ý chính sách để thúc đẩy nghiên cứu nông nghiệp thông minh ở Việt Nam trong thời gian tới. Các hàm ý chính sách này dựa trên việc tận dụng lợi thế địa lí và mối quan hệ nghiên cứu sẵn có cũng như triển vọng của Việt Nam. Ngoài ra, các nghiên cứu của Việt Nam và cả việc ứng dụng nên tập trung vào hai hướng nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ thông tin (thiết bị di động và mạng Internet). Như vậy, sự kết hợp đa ngành hay liên ngành cả trong nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn (best pracices) trong nông nghiệp sẽ là hướng chính trong những năm tới.

Đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam cần sử dụng tiếng Anh thuần thục để tiếp cận các công bố về nông nghiệp thông minh vì 96% ấn phẩm loại này đang bằng tiếng Anh. Từ đó, xuất bản các bài báo tiếng Anh về nông nghiệp thông minh vì đây là vấn đề mới, sẽ có khả năng đóng góp nhiều hơn về học thuật và các tạp chí uy tín đều đang quan tâm chủ đề này.

Sau phần trình bày, các thành viên tham gia buổi seminar đã đưa ra rất nhiều các góp ý, phản biện cũng như các đánh giá chung cho bài trình bày và phương pháp tổng quan tài liệu. Tựu chung lại, căn cứ vào phương pháp và kết quả nghiên cứu, chủ tọa và các thành viên tham gia đều đánh giá đề tài có giá trị khoa học và có ý nghĩa thực tế. Đây là nghiên cứu góp phần nâng cao hiểu biết cũng như năng lực nghiên cứu cho các thành viên nhất là các nhà nghiên cứu trẻ trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay hạn chế việc tiến hành nghiên cứu thực địa, các phương pháp nghiên cứu tận dụng các cơ sở dữ liệu trực tuyến và tài liệu thứ cấp cũng là một giải pháp ứng phó thích hợp và khả thi.

 

Nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường