Trong ngày 12 tháng 7 năm 2023, nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp đã tổ chức Seminar với sự tham gia của chuyên gia Nicolas Lainez đến từ Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững của Cộng hòa Pháp (IRD). Đây là một trong những kế hoạch thường niên trong chuỗi các hoạt động của các nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (PTNT). Seminar có sự tham dự của GS.TS. Đỗ Kim Chung – Nguyên Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, Giảng viên Bộ môn Kinh tế nông nghiệp và Chính sách, TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, PGS. TS. Nguyễn Phượng Lê – Trưởng bộ môn Kinh tế nông nghiệp & Chính sách, TS. Lê Thị Thanh Loan – Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp, cùng các giảng viên, nghiên cứu viên Khoa Kinh tế và PTNT và Khoa Kế toán và QTKD tham dự. Đặc biệt trong buổi Seminar còn có sự tham gia của các bạn sinh viên ngành Kinh tế tài chính – chương trình liên kết với Đại học Massey – Newzeland.
Ông Nicolas Lainez tốt nghiệp tiến sĩ ngành Nhân chủng học xã hội tại Trường Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học Xã hội của Cộng hòa Pháp (EHESS). Trước khi trở thành một nhà nhân chủng học, ông là phóng viên ảnh cho giới truyền thông của các tổ chức phi chính phủ (NGO). Sau đó, ông là nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ cho Viện nghiên cứu Phát triển bền vững Pháp, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Viện Yusof Ishak ở Singapore, và là trợ giảng tại Khoa Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Các nghiên cứu của ông bao gồm tài chính hóa, tín dụng, nợ, di cư, buôn người, giới, tình dục và nhân học hình ảnh. Các nghiên cứu của ông đã được xuất bản trên nhiều các tạp chí danh tiếng như American Anthropologist, the Journal of Ethnic and Migration Studies, Geoforum, Time & Society, The Sociological Review, Culture, Health and Sexuality, and the Journal of Vietnamese Studies, Asian Journal of Law & Society, and Reseaux.
Bài chia sẻ của tiến sĩ Nicolas có tựa đề: “Consumer Finance in Vietnam: The De/personalization of Credit and Debt Collection – Tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam: Phi/Cá nhân hóa tín dụng và thu nợ”. Theo tác giả, tài chính tiêu dùng đang bùng nổ tại Việt Nam, thị trường này đã phát triển chưa từng có trong thập kỷ qua. Nghiên cứu xem xét khoảng cách giữa các câu chuyện chính trị về lợi ích của tài chính tiêu dùng và thực tiễn ngân hàng liên quan đến cho vay vi mô và thu hồi nợ. Nhà nước, tài chính và các công ty công nghệ tài chính thúc đẩy tài chính tiêu dùng như một công cụ kỳ diệu để thúc đẩy tài chính toàn diện, chính thức hóa các giao dịch, cá nhân hóa tín dụng và xóa bỏ khu vực 'tín dụng đen' 'cổ xưa' nhưng dai dẳng. Tác giả lập luận rằng các hoạt động cho vay dựa trên cơ sở xã hội tiêu biểu cho một nền kinh tế tự cung tự cấp cưỡng chế, được cá nhân hóa và không được kiểm soát nên được thay thế bằng một nền kinh tế thị trường được tối ưu hóa, phi cá nhân hóa và được điều tiết.
Nghiên cứu của tác giả về các hoạt động cho vay vi mô và thu nợ thách thức lập luận này, cụ thể cho rằng tài chính tiêu dùng ủng hộ việc phi cá nhân hóa tín dụng. Trên thực tế, các công ty tài chính và ngân hàng cá nhân hóa các giao dịch tín dụng và tự động hóa đánh giá rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, đồng thời, họ biến người thân, bạn bè và người sử dụng lao động của người vay thành tài sản thế chấp - một hành vi bất hợp pháp và cưỡng bức, được thực hiện bởi các băng nhóm tín dụng đen. Làm được như vậy sẽ hạn chế được rủi ro tín dụng và nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng. Nhưng chúng cũng góp phần cấu trúc lại các mối quan hệ tín dụng và củng cố sự gắn kết của tín dụng vào các mối quan hệ xã hội trong một môi trường mà tài chính dựa vào xã hội rất quan trọng đối với hàng triệu người Việt Nam. Phát hiện này thách thức sự tách biệt phổ biến giữa nền kinh tế và xã hội, nhấn mạnh rằng nợ và cặp song sinh của nó - tín dụng, là các mối quan hệ và quy trình xã hội mà tài chính hóa cần tài cấu trúc thay vì loại bỏ.
Seminar đã tạo ấn tượng sâu sắc, cung cấp kiến thức học thuật hữu ích và mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi về học thuật giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tiến sĩ Nicolas.
Các đại biểu tham dự đánh giá cao những công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Nicolas với các chủ đề thực hiện ở Việt Nam. Hy vọng trong thời gian tới Tiến sĩ tiếp tục có những hợp tác mạnh mẽ trong nghiên cứu với các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách Nông nghiệp