Trong ngày 29 tháng 5 năm 2023, tại phòng 405 của Khoa Kinh tế và PTNT, Nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường tổ chức sinh hoạt seminar với hai chủ đề nghiên cứu: (1) TS. Hồ Ngọc Cường đã trình bày nghiên cứu với chủ đề: “Tăng trưởng xanh và các chính sách tăng trưởng xanh trên thế giới”; (2) TS. Nguyễn Thị Ngọc Thương trình bày nghiên cứu với chủ đề: “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ nền tảng thương mại điện tử của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam”
Bài trình bày của TS. Hồ Ngọc Cường nhằm làm rõ tăng trưởng xanh, chính sách tăng trưởng xanh trên thế giới và Việt Nam, các yếu tố ảnh hưởng tới tới tăng trưởng xanh và các gợi ý tăng trưởng xanh cho Việt Nam. Bài trình bày đã làm rõ tăng trưởng xanh được đề cập gần với kinh tế xanh. Trong khi tăng trưởng xanh được đề cập chính thức tại Hội nghị Bộ trưởng về môi trường và phát triển năm 2005 tại Seoul Hàn Quốc thì Kinh tế xanh được chính thức đề cập lần đầu năm 1989 mang nghĩa tốt cho môi trường và cả con người. Tăng trưởng xanh nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bằng cách tránh gây các áp lực làm phá vỡ sự cân bằng của môi trường sinh thái. Kinh tế xanh toàn diện hơn khi mở rộng mục tiêu tới cả hạnh phúc của con người và công bằng xã hội. Tiếp cận của kinh tế xanh là quan tâm tới kinh tế và môi trường ở góc độ sinh thái trước, lấy đó làm nền tảng thúc đẩy sự thịnh vượng của con người. Về chính sách tăng trưởng xanh trên thế giới, bài trình bày đã tổng hợp kinh nghiệm, chính sách của các quốc gia trên thế giới như: Đức, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Các chính sách của các quốc gia này về tăng trưởng xanh tập trung vào giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng xanh, xử lý rác thải. Tại Việt Nam, các chính sách về tăng trưởng xanh cũng được đưa ra từ sớm. Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg về định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam). Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam chỉ rõ những hoạt động cần ưu tiên trong lĩnh vực kinh tế là thực hiện “công nghiệp hóa sạch”, xây dựng nền “công nghiệp xanh”. Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nêu rõ các nhiệm vụ cho giai đoạn này, trong đó có việc “Xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển nền kinh tế theo hướng các bon thấp. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia... Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 về Phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. Nghị quyết số 73/NQ-CP phê duyệt chủ trương đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, trong đó có Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh. Gần đây nhất là Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050". Tuy nhiên, tăng trưởng xanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Bài trình bày cũng xem xét các yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng xanh thông qua số liệu của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Statistics OECD và Ngân hàng thế giới (WB) thấy rằng: (1) Phát triển kinh tế ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng xanh; (2) Mở cửa kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng xanh; (3) Tiêu dùng năng lượng ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng xanh; (4) Tiêu dùng năng lượng tái tạo ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng xanh. Các gợi ý chính sách cho Việt Nam cần: (1) Đẩy mạnh phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Do đó, cần áp dụng chính sách phát triển kinh tế nhằm tăng GDP; (2) Các hoạt động hợp tác quốc tế như mở cửa kinh tế tăng xuất khẩu, tăng thu hút FDI sẽ làm giảm tăng trưởng xanh. Do đó, cần quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế để đảm bảo các hoạt động không ảnh hưởng tới môi trường; (3) Tăng cường sử dụng các năng lượng tái tạo, giảm sử dụng năng lượng hoá thạch.
|
|
TS. Hồ Ngọc Cường trình bày chủ đề: “Tăng trưởng xanh và chính sách tăng trưởng xanh trên thế giới” |
Trong buổi seminar, TS. Nguyễn Thị Ngọc Thương trình bày một chủ đề rất được quan tâm hiện nay trong bối cảnh chuyển đổi số và giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên. Nghiên cứu được triển khai ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam với đối tượng khảo sát là sinh viên của Học viện. Bài trình bày nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng nền tảng thương mại điện tử của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy mua sắm trực tuyến đang phát triển nhanh với doanh số bán hàng trực tuyến toàn cầu năm 2020 đạt giá trị 4,2 nghìn tỷ đô la, tăng 26%; tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của ngành kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) là 14,7% trong giai đoạn 2020-2027. TMĐT ở Đông Nam Á đang mở rộng nhanh chóng, với hơn 350 triệu người mua sắm trực tuyến và tốc độ tăng trưởng 15,1%/năm. Nhu cầu về TMĐT đã tăng lên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, dự báo TMĐT của Việt Nam sẽ trị giá khoảng 29 tỷ USD năm 2025, tăng 34% so với 2020; Hơn 70% dân số Việt Nam truy cập Internet, gần 50% mua sắm trực tuyến và trong đó 53% sử dụng ví điện tử, thanh toán kỹ thuật số.
|
|
TS. Nguyễn Thị Ngọc Thương trình bày chủ đề: “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ nền tảng thương mại điện tử của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam” |
Nghiên cứu từ các đối tượng khảo sát có những kết luận rất cụ thể về hành vi của sinh viên như sau: Hầu hết các mẫu là sinh viên nữ chiếm 77,1% và nam chiếm 22,9%; Hầu hết sinh viên ở độ tuổi 18-19 chiếm 51,6%, 20 tuổi chiếm 33,6% và từ 21 tuổi trở lên chiếm 14,8%; Hành vi chi tiêu của sinh viên, cho thấy hầu hết sinh viên đã có kinh nghiệm sử dụng dịch vụ sàn thương mại điện tử từ 3-4 năm chiếm 36,8%, trên 4 năm kinh nghiệm chiếm 30,9%; Nhóm hàng được sinh viên mua nhiều nhất là Quần áo và Giày dép chiếm 89,7%, tiếp đến là Mỹ phẩm và Làm đẹp chiếm 66,8%, tiếp theo là Thời trang và Phụ kiện chiếm 66,4%, tiếp theo là Sách và Dụng cụ học tập chiếm 62,8%; Tần suất mua hàng trong tháng của sinh viên nhiều nhất là 1-2 lần chiếm 52,5%, tiếp theo là 3-4 lần. Thanh toán theo địa điểm thanh toán trực tiếp 47,1%, 27,8% sinh viên muốn thanh toán qua Ví điện tử và 25,1% muốn thanh toán qua thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ; 11 yếu tố ảnh hưởng đến việc ra quyết định sử dụng dịch vụ sàn thương mại điện tử cho thấy có nhiều cấp độ ra quyết định khác nhau: có 1 yếu tố ảnh hưởng đến việc ra quyết định ở cấp độ rất cao (sản phẩm đa dạng), và 10 yếu tố ảnh hưởng đến việc ra quyết định ở cấp độ cao; Hành vi chi tiêu của sinh viên cho thấy: Không có sự khác biệt về giới tính và độ tuổi của sinh viên trong việc ra quyết định sử dụng sàn thương mại điện tử. Nghiên cứu cũng đưa ra những gợi ý cho nghiên cứu tiếp theo: Thông tin thu được từ nghiên cứu nên được sử dụng làm thông tin để phát triển hệ thống nền tảng; Quyết định nền tảng thương mại điện tử nào sẽ tiếp thị để tiếp cận càng nhiều người tiêu dùng càng tốt.
Seminar dưới sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Văn Song và đông đảo các đại biểu tham dự. Hai bài trình bày có được sự quan tâm và thảo luận của các đại biểu. Các đại biểu cũng kỳ vọng rằng trong thời gian tới, các chủ đề này sẽ tiếp tục được tìm hiểu, nghiên cứu thêm để làm cơ sở khoa học có giá trị góp phần khuyến nghị những chính sách và giải pháp thiết thực.
Nhóm NCM Kinh tế và Quản lý tài nguyên và môi trường