Seminar: Photovoice: Phương pháp định tính trong nghiên cứu kinh tế - xã hội
Cập nhật lúc 16:45, Thứ ba, 27/12/2022 (GMT+7)
Chiều 26/12/2022 đã diễn ra buổi trình bày Seminar của Giảng viên, PGS. TS. Nguyễn Thị Dương Nga, thành viên nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường với chủ đề “Photovoice: Phương pháp định tính trong nghiên cứu kinh tế - xã hội”.
Chiều 26/12/2022 đã diễn ra buổi trình bày Seminar của Giảng viên, PGS. TS. Nguyễn Thị Dương Nga, thành viên nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường với chủ đề “Photovoice: Phương pháp định tính trong nghiên cứu kinh tế - xã hội”. Buổi Seminar diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng và sự tham gia của đông đảo các giảng viên, cán bộ và sinh viên của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn.
Trong bài trình bày, tác giả giới thiệu hai nội dung chính về khái niệm thế nào là phương pháp photovoice, và minh họa bằng trường hợp nghiên cứu trong một nghiên cứu nhỏ về sử dụng hóa chất trong nông nghiệp tại thành phố Hà Nội và tỉnh Sơn La. “Photovoice” – tiếng nói từ hình ảnh là một phương pháp nghiên cứu định tính, thu thập thông tin qua những bức ảnh do chính các cá nhân trong cộng đồng thực hiện (người dân). Đây là một phương pháp nghiên cứu có sự tham gia, được khởi xướng và ứng dụng bởi hai nhà khoa học là Caroline Wang và Mary Ann Burris tại tỉnh Yunan, Trung Quốc. Phương pháp này được thực hiện thông qua việc hướng dẫn, cung cấp máy chụp ảnh cho các thành viên / người dân trong cộng đồng để họ chụp ảnh, quay video về hiện thực cuộc sống xung quanh họ liên quan tới chủ đề nghiên cứu. Có nhiều ưu điểm của phương pháp này, trong đó cho phép những người không có tiếng nói được đưa ra quan điểm, ý kiến, cảm nhận và quan sát của mình thông qua bức ảnh họ chụp – “một tấm ảnh – ngàn lời nói”.
Tác giả cũng trình bày một số kết quả áp dụng phương pháp photovoice vào nghiên cứu kiến thức, thái độ và hành vi của người dân trong sử dụng hóa chất (phân bón và thuốc BVTV) tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) và huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội). Kết quả cho thấy với nhiều hình ảnh phản ánh được các câu chuyện tích cực, cũng như các hành vi chưa đúng trong sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.
Sau phần trình bày của PGS.TS. Nguyễn Thị Dương Nga, các thầy cô, đại biểu tham gia đã thảo luận chia sẻ xung quanh các vấn đề về phương pháp, cách thức thực hiện, các ưu điểm và hạn chế, và kinh nghiệm sử dụng phương pháp này tốt hơn cho các nghiên cứu kinh tế - xã hội trong tương lai.
Buổi Seminar là một hoạt động định kỳ, thường xuyên giúp tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học của các giảng viên, cán bộ và sinh viên của định kỳ của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn hướng tới nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên của Khoa và Học viện./.
Nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường