Ngày 19/12/2022, nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường đã tổ chức seminar trao đổi cùng GS. Nawalage S. Cooray, Đại học quốc tế Nhật Bản (International University of Japan) về chủ đề: “Development of Productive, Resilient, and Sustainable Farming Practices through Natural Capital Management - Phát triển các phương thức canh tác năng suất, có khả năng chống chịu và bền vững thông qua quản lý vốn tự nhiên”. Các thành viên của nhóm NCM Kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường, giảng viên khoa Kinh tế và PTNT, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia đầy đủ và trao đổi thảo luận trong buổi trình bày seminar.
Prof. Nawalage S. Cooray trình bày báo cáo seminar
Tại buổi seminar, GS. Nawalage S. Cooray trình bày bài bài seminar về quản lý tài nguyên tự nghiên cho phát triển các hệ thống canh tác năng suất, có khả năng chống chịu và bền vững. Trong đó chuyên gia nhấn mạnh, quản lý vốn tự nhiên không phải là vấn đề mới trong nghiên cứu, đây là một thuật ngữ được các nhà khoa học sử dụng từ rất lâu, có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau khi sử dụng khái niệm quan trọng này cho từng lĩnh vực chuyên sâu, phụ thuộc vào mục tiêu và quan niệm của mỗi tác giả nghiên cứu. Khi nghiên cứu lý thuyết về vốn tự nhiên tập trung vào các loại hình tài nguyên thiên nhiên chính là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và đa dạng sinh học. Tài nguyên là phần “vốn” của hệ thống có thể tiếp cận được, có thể sử dụng được hoặc có thể mang ra khỏi hệ thống như là một dạng đầu ra. Định nghĩa về tài nguyên giúp chúng ta có thể nhìn nhận thực chất vốn tự nhiên chính là tài nguyên, khi ra khỏi hệ thống tự nhiên đóng góp cho nền kinh tế với vai trò là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, phục vụ cho nhu cầu của con người và xã hội.
Các nguồn vốn tài chính, nhân lực, khoa học và công nghệ, tài nguyên thiên nhiên là những đầu vào quan trọng của mỗi nền kinh tế. Trong đó tài nguyên thiên nhiên chính là nguồn vốn quan trọng của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ và địa phương. Tuy nhiên, cũng giống như các dạng vốn khác, vốn tự nhiên cũng có thể bị suy giảm và suy thoái do quá trình sản xuất và tiêu dùng. Để giải quyết vấn đề này, đồng thời tạo động lực phát triển bền vững và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sự thịnh vượng quốc gia cần có giải pháp phát triển các phương thức canh tác năng suất, có khả năng chống chịu và thực hành nông nghiệp bền vững thông qua quản lý vốn tự nhiên, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững của các quốc gia.
Sau phần trình bày của chuyên gia, các thành viên tham dự buổi seminar đã có những tích cực trao đổi, thảo luận xoay quoanh chủ đề. Buổi seminar đã cung cấp thêm nhiều kiến thức mới, chuyên sâu làm cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo của các thành viên. Đồng thời, thúc đẩy quá trình mối quan hệ hợp tác nghiên cứu và đào tạo sinh viên hướng nghiên cứu về Phát triển các phương thức canh tác năng suất, có khả năng chống chịu và thực hành nông nghiệp bền vững thông qua quản lý vốn tự nhiên trong nông nghiệp.
Một số hình ảnh của buổi seminar:
Các đại biểu tham dự seminar
Gs. Nawalage S. Cooray trình bày nội dung nghiên cứu
Nhóm NCM Kinh tế và Quản lý Tài Nguyên Môi Trường