Chiều ngày 11 tháng 12 năm 2023, nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường đã tổ chức seminar với sự tham gia của các thành viên trong nhóm. Chủ trì là GS.TS Nguyễn Văn Song – trưởng nhóm với sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Mẫu Dũng – Phó trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, TS. Phạm Thị Thanh Lan – trưởng bộ môn Kinh tế tài nguyên môi trường, cùng các giảng viên, nghiên cứu viên khoa Kinh tế và PTNT. Seminar tháng 12 này là một trong chuỗi các hoạt động theo kế hoạch định kỳ của các nhóm nghiên cứu mạnh thuộc Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (PTNT) trong năm 2023. Các bài trình bày trong seminar được chuẩn bị kỹ lưỡng với các chủ đề cấp thiết đang diễn ra trong thực tiễn phát triển của ngành nông nghiệp và thu hút sự quan tâm của các nhà kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường, cụ thể:
Mở đầu, TS. Nguyễn Thị Thu Quỳnh trình bày chủ đề “Thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc cho nông sản Việt Nam”.
Nghiên cứu chỉ ra nông nghiệp vẫn là một ngành kinh tế mũi nhọn, là bệ đỡ chiến lược đối với sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Vai trò của ngành nông nghiệp có thể được ghi nhận ở nhiều khía cạnh: Kinh tế, xã hội, môi trường. Ngành nông nghiệp nước ta đang hướng tới mô hình nông nghiệp đa giá trị. Nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường về: an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, sự tin cậy về nguồn gốc sản phẩm. Do vậy, nghiên cứu cho rằng cần có sự thay đổi “tận gốc” từ khâu sản xuất, đến khâu tiêu thụ nông sản để hướng tới tiếp cận được nhiều thị trường khó tính và gia tăng giá trị, gia tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên đâu là động lực cho sự thay đổi đó?
Nghiên cứu đã làm nổi bật ý nghĩa của việc phát triển sản xuất hồng giòn trên địa bàn là vô cùng quan trọng, nó thể hiện việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Trong những năm qua đã sản xuất hồng giòn của xã Nam Anh đã có sự phát triển nhất định: năng suất có xu hướng tăng lên, hiệu quả sản xuất của các nhóm hộ cũng khá cao, đặc biệt là nhóm hộ sản xuất theo quy mô lớn. Bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn tồn tại những yếu kém về quy hoạch, chất lượng sản phẩm chưa quản lý tốt, đất đai manh mún, các hộ dân có tư duy sản xuất nhỏ lẻ, hình thức hợp tác, liên kết kinh doanh giữa doanh nghiệp và người dân, nhà nước còn nhiều hạn chế, kênh tiêu thụ chưa ổn định. Tác giả khuyến nghị: để phát triển sản xuất hồng giòn trên địa bàn trong thời gian tới cần thực hiện một số các giải pháp: (1) Về quy hoạch diện tích đất; (2) Về nâng cao năng lực tổ chức sx của hộ (3) Giải pháp về thị trường (4) Về tăng cường liên kết, tham gia của các tác nhân; (5) Về đầu tư cơ sở hạ tầng.
Sau phần trình bày của các tác giả, các thành viên tham gia buổi seminar đã thảo luận sôi nổi nhằm làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông sản ở nước ta gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra những khoảng trống cần nghiên cứu thêm để tìm ra con đường phù hợp cho sự phát triển bền vững cho nền nông nghiệp đa giá trị của nước ta.
Nguyễn Thị Thu Quỳnh, Đoàn Bích Hạnh
Nhóm NCM Quản lý kinh tế và tài nguyên môi trường