Trong suốt quá trình lịch sử phát triển đất nước, đất đai luôn được coi là vấn đề trụ cột, xuyên suốt trong hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình này dẫn đến những chuyển dịch lớn về quyền tài sản đối với đất đai. Trong khuôn khổ hoạt động Seminar khoa học thường kỳ của Khoa Kinh tế và PTNT, nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp đã tổ chức chia sẻ chủ đề Quyền tài sản về đất đai: Quan hệ giữa nhà nước, thị trường và người sử dụng đất. Seminar được tổ chức trên nền tảng trực tuyến MS Teams vào ngày 19 tháng 07 năm 2021.

 

GS.TS. Đỗ Kim Chung đã trình bày những vấn đề lý luận và thực tiễn về Sở hữu đất đai”, trong đó, giáo sư đặc biệt nhấn mạnh Kinh nghiệm một số nước và những điều cần lưu ý cho Việt Nam. Giáo sư Chung cũng đã tổng quan lại các mốc thời gian gắn với thay đổi lớn về hệ thống chính sách, pháp luật đất đai ở Việt Nam như: Cải cách ruộng đất, Tập thể hóa, Khoán 100 và Khoán 10. Đặc biệt là những thay đổi về tư duy, nhận thức sau thời kỳ Đổi Mới khi Luật đất đai các năm 1993, 2003 và 2013 được ban hành và thực thi. Bài trình bày đã khẳng định, gần 30 năm qua, chính sách, pháp luật đất đai đã dần được hoàn thiện, phục vụ tốt hơn cho phát triển của nền kinh tế thị trường, song vẫn tồn tại rất nhiều bất cập về: i) quyền sở hữu về đất đai; ii) các quyền tài sản về đất, thị trường đất; iii) cơ chế thu hồi đất, đền bù và giao đất cho các cá nhân, tổ chức phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Những bất cập này đã làm nảy sinh các mâu thuẫn về đất đai ở Việt Nam trong thời gian qua.

 

Nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia về sở hữu đất đai, GS.TS Đỗ Kim Chung chỉ ra rằng, đa sở hữu được xác lập ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các hình thức sở hữu đất đai được xác lập bao gồm: Sở hữu nhà nước, sở hữu cộng đồng và sở hữu tư nhân. Pháp luật ở các quốc gia tư bản như Mỹ, Nhật, Anh có lịch sử lâu đời quy định phương thức đa sở hữu đất đai. Các nước Đông Âu như Ba Lan, Rumani, Séc, Hungary, Slovakia, Ukraina và Mondova... cũng hoàn thiện chính sách đất đai theo xu hướng đa sở hữu đất đai sau khi tách khỏi liên bang Xô Viết. Trong nhóm các quốc gia ASEAN, có 7/10 quốc gia lựa chọn chế độ sở hữu đa sở hữu về đất đai. Có rất ít quốc gia trên thế giới như như Trung Quốc, Mông Cổ, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên thực hiện đơn sở hữu về đất đai. Việt Nam và Lào là hai quốc gia duy nhất áp dụng mô hình sở hữu toàn dân về đất đai.

 

Bài trình bày nhấn mạnh, Việt Nam đã từng có và đang có tiền đề cho đổi mới chính sách đất đai theo hướng: i) Cần thừa nhận các hình thức sở hữu khác nhau đối với đất đai (bao gồm: sở hữu nhà nước, sở hữu cộng đồng và sở hữu tư nhân); ii) Cần xác lập rõ quyền tài sản về đất đai; iii) Cần chấp nhận thị trường đất đai một cách đầy đủ; iv) Cần chuyển từ “thu hồi” sang “trưng mua”; và v) Chuyển từ “giao” sang “đấu giá quyền sử dụng đất” đối với đất công.

 

leftcenterrightdel

 

GS. TS. Đỗ Kim Chung trình bày tại hội thảo

 

Với nghiên cứu về “Ảnh hưởng của góp đất canh tác cao su đại điền đến quyền tài sản về đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc”, TS. Lưu Văn Duy đã trình bày chủ đề nghiên cứu mới mẻ về ‘land grabbing’ – phạm trù được hiểu là các hoạt động mua, thuê, nhượng đất canh tác của hộ nông dân với quy mô lớn do các tập đoàn đa quốc gia hoặc các doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Kết hợp giữa phương pháp định tính và định lượng, tác giả đã phân tích trường hợp canh tác cao su đại điền ở vùng Tây Bắc của Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG). TS. Lưu Văn Duy nhấn mạnh, ‘land grabbing’ ở Việt Nam không được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nước ngoài, cũng không phải các tập đoàn đa quốc gia như ở nhiều quốc gia khác. Dưới sự trợ giúp của nhà nước, “land grabbing” ở Việt Nam được thực hiện bởi các tập đoàn nhà nước, đặc biệt là VRG thông qua các dự án canh tác cao su đại điền ở các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Quan hệ giữa VRG và hộ dân tộc thiểu số trong quá trình thu hồi đất, góp đất để canh tác cao su đại điền ở vùng Tây Bắc cho thấy ngoài mục đích hướng tới các lợi ích kinh tế như phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất thì nhà nước còn khẳng định được vai trò của mình trong quản lý tài nguyên đất thông qua việc phân phối lại đất canh tác.

 

leftcenterrightdel
 

TS. Lưu Văn Duy trình bày tại hội thảo

 

Nghiên cứu chỉ ra rằng, quá trình góp đất canh tác cao su đại điền ở vùng Tây Bắc đã làm thay đổi hoàn toàn quyền tài sản về đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số. Quyền sử dụng và định đoạt về đất đai theo phong tục tập quán lâu đời của người dân đã bị thay thế bằng quyền kiểm soát đất của VRG trong các nông trường cao su. Mặt khác, dự án cao su đã gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của hàng ngàn người dân vùng biên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và đời sống của các hộ dân tộc thiểu số thuộc vùng dự án.

 

Hội thảo chuyên đề về “Quyền tài sản về đất đai: Quan hệ giữa nhà nước, thị trường và người sử dụng đất” đã nhận được sự quan tâm của hơn 40 giảng viên, nghiên cứu viên khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn và khoa Khoa học Xã hội. Bài trình bày của các tác giả nhận được những ý kiến đóng góp sôi nổi, thẳng thắn từ nhiều thành viên tham dự hội thảo.

 

Hội thảo đã tạo ấn tượng sâu sắc, cung cấp kiến thức học thuật hữu ích cả ở cấp độ vĩ mô lẫn vi mô về vấn đề quyền tài sản về đất đai ở Việt Nam. Quý độc giả quan tâm nội dung các bài trình bày có thể tải xuống tại đây.

Nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp