Chiều ngày 2/12/2024, Nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường, Khoa Kinh tế và Quản lý, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức seminar với chủ đề: “Phương pháp tập huấn kiến thức và kỹ năng thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa tảo hôn và bạo lực giới”.

leftcenterrightdel
 

Mở đầu buổi seminar, chủ tọa, PGS.TS. Nguyễn Thị Dương Nga nêu nội dung, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của buổi trảo đổi. Sau đó, TS. Nguyễn Thị Thu Huyền trình bày các phương pháp tập huấn thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa tảo hôn và bạo lực giới. Thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực giới và tảo hôn đang là vấn đề được quan tâm bởi cả các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch chính sách, nhất là đối với địa bàn vùng núi, vùng sâu và xa, nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân là do phân công lao động giới trong hộ gia đình ở các vùng này thường theo “việc đàn ông”/”việc nặng” và “việc đàn bà”/”việc nhẹ”, lao động nữ thường gắn với khuôn viên gia đình, khả năng tiếp cận và kiểm soát nguồn lực sản xuất thấp, tham gia nhiều trong các công việc không được trả công, tiếng nói của phụ nữ thấp kém. Bên cạnh đó, tảo hôn ở các dân tộc thiểu số phức tạp, một số dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Bạo lực giới cũng là một vấn đề phức tạp và nguyên nhân gốc rễ của bạo lực giới là các mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng giới và thái độ chấp nhận bạo lực trong cả gia đình và ngoài xã hội.

Để góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa tảo hôn và bạo lực giới, việc nâng cao kiến thức và kỹ năng cho bản thân những người dân tộc thiểu số là cần thiết. Buổi seminar có sự tham gia và thảo luận sôi nổi của các thành viên tham gia. Các thành viên tham gia seminar thống nhất với trình độ văn hóa thấp, rào cản ngôn ngữ và đặc điểm ngại chia sẻ, nhất là các vấn đề mang tính chất “nhạy cảm” thì các phương pháp tập huấn cần có những đặc thù riêng (dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo).

Bùi Văn Quang, Nhóm NCM  Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường