Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã nêu chủ trương: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.

Trong chủ trương đổi mới của Đảng, có một số khái niệm cần làm rõ, nhất là về “nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiện đại” và “nông dân thông minh”.

Ông Cao Đức Phát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Đức Thanh.

Ông Cao Đức Phát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Đức Thanh.

Hướng tới một hệ thống thực phẩm bình đẳng và bền vững

Những năm trước, Đảng ta chủ trương thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Gần đây Liên hợp quốc khuyến cáo nhiều về phát triển bao trùm và bền vững. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, khái niệm nông dân thông minh với khí hậu được đề xuất.

Để tận dụng tài nguyên, phát triển lành mạnh, nông nghiệp tuần hoàn được đề cao. Để đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường nông nghiệp hữu cơ đang phát triển ở nhiều nơi, EU chủ trương tới năm 2030 sẽ có ít nhất 25% diện tích cây trồng được canh tác hữu cơ. Trong nền kinh tế số, nông nghiệp cũng đang dần được số hóa. Từ năm 2015, Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc đưa ra cách tiếp cận nông nghiệp sinh thái.

Sở dĩ có nhiều khái niệm nêu trên là do cách nhìn nhận từ các góc độ khác nhau. Theo nghĩa hẹp, người ta thường nói đến khía cạnh môi trường. Theo định nghĩa mới nhất do FAO đưa ra năm 2015 và đã được 175 quốc gia thành viên đồng thuận: “Nông nghiệp sinh thái là phương pháp tiếp cận tổng hợp, áp dụng đồng thời các khái niệm và nguyên tắc về sinh thái và xã hội để xây dựng và quản trị các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm. Trong khi tối ưu hóa các mối tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường nó xem xét cả các yếu tố xã hội để hướng tới một hệ thống thực phẩm bình đẳng và bền vững”.

Năm 2019, Hội đồng FAO cũng đã phê duyệt 10 thành tố của nông nghiệp sinh thái gồm tính đa dạng; chia sẻ kiến thức và đồng khởi tạo; tính tương hỗ; tính hiệu quả; sự tái tạo; sức chống chịu, giá trị xã hội nhân văn; truyền thống ẩm thực và văn hóa; quản trị có trách nhiệm; kinh tế tuần hoàn và vững chắc.

Cách tiếp cận này không loại trừ việc áp dụng các phương thức canh tác hay nền tảng kỹ thuật phù hợp.

Nền nông nghiệp sinh thái không loại trừ việc áp dụng các phương thức canh tác hay nền tảng kỹ thuật phù hợp.

Nền nông nghiệp sinh thái không loại trừ việc áp dụng các phương thức canh tác hay nền tảng kỹ thuật phù hợp.

Một nông thôn hiện đại phải có kinh tế phát triển

Phát triển nông thôn theo hướng hiện đại là quyết tâm chính trị của Đảng nâng cao nhanh hơn đời sống của dân cư nông thôn, làm cho nông thôn tham gia và đóng góp cao hơn trong quá trình phát triển toàn diện của đất nước.

Hiện đại hóa nông thôn cần được thực hiện trên nhiều phương diện, cả về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng. Một nông thôn hiện đại phải có kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiếp cận các chuẩn mực đô thị; đời sống của người dân được nâng cao; quan hệ xã hội lành mạnh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường lành mạnh, có khả năng chống chịu cao trước biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các biến động bất lợi khác; chính trị ổn định; an ninh, an toàn, trật tự xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, mong đợi có thể rất cao nhưng xác định được mốc phù hợp để hướng tới và có thể đạt được trong mỗi giai đoạn có ý nghĩa thiết thực.

Bên cạnh đó, xây dựng nông dân văn minh phải được nhìn nhận từ các cấp độ giai cấp, cộng đồng, gia đình và mỗi con người; từ các khía cạnh vật chất, tinh thần, chính trị, văn hóa, xã hội một cách toàn diện.

Tầm nhìn chiến lược cho “tam nông”

Để làm được điều đó, trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đầu tiên, cần đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng sinh thái. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Tới năm 2030, giảm mạnh lượng sử dụng phân bón hóa học, lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, kháng sinh dùng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Phổ biến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Phổ biến áp dụng các quy trình quản lý sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng, vật nuôi tổng hợp…

Thứ hai, xây dựng nông thôn mới hiện đại gắn với đô thị hóa. Có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, đủ sức tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Đặc biệt ở vùng miền núi, ĐBSCL đảm bảo có đường đi lại 4 mùa tới tất cả các điểm dân cư. Rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa đối với nông dân và nông thôn. Bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp…

Thứ ba, xây dựng đội ngũ nông dân văn minh, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn giai đoạn 2021 - 2030”, đảm bảo nguồn lực để hàng năm đào tạo ít nhất 1,8 triệu lao động, trong đó 30% học nghề nông, số còn lại học các nghề phi nông nghiệp và quản lý.

Hoàn thiện chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn, liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho lao động. Xây dựng cộng đồng nông thôn đoàn kết, có nếp sống văn hóa, phát huy các truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc và cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Thứ tư, phát triển khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; nông nghiệp nông thôn chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hàng năm đạt 0,84% GDP nông nghiệp (hiện nay mới đạt 0,2% GDP nông nghiệp và tăng khoảng 4%/năm; Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế khuyến cáo nên đầu tư 0,84% và tăng 11,2%/năm). Đẩy nhanh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Năm là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách đất đai. Cần sửa đổi luật đất đai theo hướng vận dụng triệt để cơ chế thị trường để phân bổ lại và khuyến khích sử dụng đất đai hiệu quả; khắc phục những tồn tại trong việc thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng để đảm bảo công bằng và ổn định xã hội, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp. Điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng để tạo thuận lợi và giảm nhẹ chi phí của doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các vùng nông thôn. Tiếp tục thực hiện nguyên tắc sau 5 năm tăng gấp 2 lần đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn. Đối với chính sách tiền tệ, phát triển hệ thống tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Duy trì tốc độ  tăng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn 18 - 20%/năm. Xóa bỏ tín dụng đen.

Thứ sáu, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt là kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu mới đề ra.

TS CAO ĐỨC PHÁT

Minh Phúc (Ghi)

Nguồn báo: Nông nghiệp Việt Nam