Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, du lịch được coi là ngành kinh tế, là mũi nhọn cho sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội nhất định. Trước Covid 19, hàng năm, du lịch đem lại nguồn thu nhập vô cùng lớn cho các quốc gia, trong đó điển hình là Mỹ với tổng thu từ du lịch 2018 đạt 214,5 tỷ USD (tốc độ tăng trưởng đạt 1,8% so với năm 2017), tiếp đến là Úc, Italy, Pháp, Thái Lan, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc với doanh thu hơn 150 tỷ USD….(UNWTO, 2018) với lượt khách quốc tế đi du lịch bình quân là 1.328 triệu lượt khách 2017 và 1.403 triệu lượt khách 2018.
Theo báo cáo của “Điểm nhấn du lịch 2018” của Tổ chức Du lịch thế giới, Việt Nam được xếp thứ 3 trong 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế đến tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới năm 2017, tính đến hết năm 2019, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 18 triệu lượt (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa với tổng giá trị đạt khoảng 720.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018 (Thanh Giang, 2020). Các điểm đến thu hút du khách trên thế giới như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang... (Khánh Trang, 2018). Những năm gần đây, với lợi thế về thiên nhiên và đặc trưng kinh tế - xã hội là nền kinh tế nông nghiệp, với tiềm năng sinh thái đa dạng, phong phú và hoang sơ, du lịch sinh thái đã và đang trở thành thế mạnh giúp Việt Nam thu hút một lượng lớn du khách và đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cũng như tạo thêm hàng nghìn việc làm cho lao động ở các khu vực này.
Huyện Giao Thủy với diện tích tự nhiên 232,1km2, có nhiều tiềm năng và lợi thế đặc biệt trong phát triển kinh tế nói chung, phát triển các hoạt động du lịch nói riêng, nhất là du lịch sinh thái nội địa và du lịch sinh thái biển với Vườn Quốc gia Xuân Thủy – một trong những hệ sinh thái đất ngập nước mang tầm quan trọng quốc tế với nhiều loài chim di cư quý hiếm có tên trong sách đỏ quốc tế; diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng lớn với hệ động, thực vật phong phú và quý hiếm cùng nền văn hóa mở đất tiêu biểu của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng với hàng trăm di tích, công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc. So với các ngành kinh tế khác, du lịch vẫn được coi là ngành kinh tế non trẻ của huyện, tuy nhiên với việc hoàn thành Đề án phát triển du lịch huyện Giao Thủy giai đoạn 2011 – 2015 tầm nhìn đến năm 2020, với việc phát triển tập trung cơ sở hạ tầng cho du lịch, đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp hóa phục vụ phát triển du lịch, du lịch Giao Thủy đã có nhiều bước tiến đáng kể.
Hệ động thực vật phong phú tại Giao Thuỷ
Trải nghiệm hoạt động xem chim tại vườn quốc gia
Tuy nhiên, ngành du lịch nói chung và du lịch sinh thái còn đối diện với nhiều vấn đề khó khăn thách thức như tiện nghi và trang thiết bị trong phòng nghỉ chưa đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách; khả năng ứng phó khi xảy ra sai sót trong phục vụ còn kém; khả năng giải đáp thắc mắc của du khách chưa thực sự tốt; điều kiện vệ sinh; sự an toàn về con người và tài sản khi du lịch tại huyện Giao Thủy còn hạn chế…. Với sự tài trợ kinh phí từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, năm 2021, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài: “Phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định” nhằm phân tích, đánh giá thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng cũng như đề xuất giải pháp cho phát triển du lịch sinh thái ở huyện Giao Thuỷ trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu cho thấy việc phát triển du lịch sinh thái đang dần trở thành một hoạt động thu hút sự tham gia của người dân và góp phần tích cực cải thiện sinh kế người dân địa phương cũng như nâng cao hiểu biết du khách về đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Năm 2015 – 2019, lượng khách hàng năm đến với Vườn quốc gia là trên 20.000 lượt khách đem lại doanh thu hàng năm trên 400 triệu đồng cho Vườn quốc gia và trên 2 tỷ đồng cho cộng đồng dân cư làm DLST trên địa bàn huyện (Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, 2020). Du lịch sinh thái của huyện Giao Thủy phát triển theo hướng thăm quan, du lịch Vườn quốc gia Xuân Thủy, tham quan mô hình Bảo tàng Đồng Quê và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở các xã Giao Xuân, Giao Phong. Phát triển du lịch sinh thái tại Giao Thuỷ đã đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương, đặc biệt lao động vùng ven vườn quốc gia. Khách du lịch chủ yếu là thăm quan cảnh sắc vườn và khám phá rừng ngập mặn, trải nghiệm hoạt động sinh kế của người dân địa phương. Do các dịch vụ du lịch sinh thái của địa phương chưa nhiều nên thời gian du khách ở tại Vườn quốc gia chỉ một ngày và số tiền chi cho hoạt động du lịch cũng không cao, dưới 1 triệu đồng.
Khai thác ngao (vạng) tại Vườn quốc gia
Du khách trải nghiệm đặc sản địa phương
Hiện nay, phát triển du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia Xuân Thuỷ đang gặp nhiều khó khăn thách thức như cơ sở hạ tầng cho du lịch sinh thái còn sơ sài, chưa đáp ứng nhu cầu du khách; trình độ của nhân lực ngành du lịch còn thấp, chuyên môn không cao cũng như các sản phẩm du lịch còn hạn chế, thiếu sự gắn kết với các đơn vị tổ chức tour, tuyến du lịch trong việc thu hút khách thăm quan
Từ phân tích thực trạng và những yếu tố ảnh hưởng, nghiên cứu đã đề xuất những giải pháp phát triển hơn nữa du lịch sinh thái của huyện trong thời gian tới bao gồm: cần tập trung vào một số giải pháp gồm: (i) Phát triển nguồn nhân lực cho du lịch sinh thái; (ii) Tổ chức, quảng bá về phát triển du lịch sinh thái; (iii) Nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ tài nguyên và môi trường; (iv) Đầu tư cơ sở hạ tầng lưu trú cho DLST.
ThS Phạm Thị Thanh Thuý và nhóm nghiên cứu, Khoa Kinh tế và PTNT