Chiều ngày 28/12/2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hoà Bình tổ chức họp hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KHCN cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước năm 2021 – 2022, tại phòng họp số 2 của Sở Khoa học và Công nghệ. Đề tài do TS. Nguyễn Thị Minh Thu (Thuộc nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) làm chủ nhiệm.

Thành phần Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu bao gồm:

-         TS. Đỗ Hải Hồ - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (Chủ tịch hội đồng)

-         ThS. Vương Đắc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT (Phó chủ tịch hội đồng)

-         KS. Trần Bảo Toàn -  Chuyên gia Khoa học công nghệ (Phản biện 1)

-         ThS. Hoàng Văn Tuân -  Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh (Phản biện 2)

-         ThS. Bùi Đức Biên - Phó chủ tich Hội Nông dân tỉnh (Uỷ viên)

-         ThS. Nguyễn Quyết Tiến - Phó trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN (Uỷ viên)

-         CN. Bùi Tiến Thành - CV. Phòng QLKH, Sở KH&CN (Thư ký hành chính)

Đến dự buổi họp hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KHCN, ngoài các thành viên của hội đồng, còn có sự có mặt của đại diện các sở ban ngành có liên quan tới lĩnh vực dược liệu và các đơn vị thông tấn báo chí của tỉnh Hoà Bình.

leftcenterrightdel
 

Sau gần 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đề tài đã hoàn thành kết quả nghiên cứu theo đúng tiến độ được giao, trong đó có nhiều tiêu chí hoàn thành vượt mức về sản phẩm. Chủ nhiệm đề tài -  TS. Nguyễn Thị Minh Thu đã trình bày tóm lược kết quả đạt được của đề tài như sau:

Thứ nhất, tổng kết và xây dựng 07 bài học kinh nghiệm cho phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hòa Bình: (i) Công tác quy hoạch sản xuất dược liệu: Tỉnh cần phải tuân thủ quy hoạch sản xuất dược liệu đã được phê duyệt; Xác định rõ được những loại dược liệu trọng yếu cần phát triển; Ở mỗi địa phương chỉ rõ loại dược liệu nào cần được tập trung đầu tư thành vùng nguyên liệu tập trung để thu hút các nhà đầu tư. (ii) Đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích và sự chia sẻ rủi ro giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị dược liệu tới người dân để hướng tới duy trì và phát triển sản xuất tập trung cũng như ổn định hoạt động của chuỗi theo hướng bền vững. (iii) Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ đáp ứng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị. (iv) Đẩy mạnh tăng cường thu hút doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, công nghệ sau thu hoạch để hướng tới đa dạng hoá sản phẩm chế biến từ dược liệu. (v) Hình thành và duy trì quản lý chất lượng sản phẩm ở tất cả các khâu/mắt xích/tác nhân trong chuỗi giá trị dược liệu. (vi) Lồng ghép, gắn kết phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị với các chương trình tái cơ cấu kinh tế, phát triển nông thôn mới, OCOP, thương mại… thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư. (vii) Tăng cường liên kết “Bốn nhà” (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông) và “nhiều nhà” trong phát triển chuỗi giá trị dược liệu. Thứ hai, ỉnh Hoà Bình có tiềm năng về quy mô diện tích, nguồn dược liệu bản địa, điều kiện sản xuất dược liệu dưới tán rừng, cải tạo vườn tạo và trên đồng ruộng theo vùng tập trung gắn với chuỗi giá trị. Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình các vùng trồng dược liệu tập trung đã có sẵn với tổng diện tích trên 1000 ha và quy mô giao động ở các địa phương từ 2 - 50 ha/vùng. Nguyên liệu dược liệu của tỉnh Hoà Bình đang được tiêu thụ dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó: 67,74%  trong tổng số nguyên liệu được đưa vào chế biến, với 32% chế biến sâu. Tổng lợi ích tham gia theo chu kì kinh doanh, tác nhân phân phối (gồm bán buôn và bán lẻ) đang chiếm giữ lợi ích cao nhất trong khi thời gian tham gia chuỗi ngắn, còn tác nhân sản xuất lại đạt lợi ích thấp nhất trong khi thời gian tham gia lại kéo dài nhất trong chuỗi. Tuy nhiên, các chính sách, giải pháp phát triển dược liệu đang lồng ghép trong phát triển nông nghiệp, chưa mang tính chuyên biệt, ngoại trừ bản quy hoạch dược liệu của tỉnh. Đề tài đã xây dựng 03 mô hình sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hoà Bình theo hướng hoàn thiện mô hình bao gồm: (i) Trồng cà gai leo và xạ đen trên đồng ruộng của các hộ nông dân gắn kết với HTX Bảo Hiệu, HTX Yên Trị, DN dược Tuệ Linh và OPC. (ii) Trồng xạ đen cải tạo vườn tạp của các hộ nông dân gắn kết với HTX Yên Trị và Tập đoàn Xuân Khiêm (tỉnh Ninh Bình); (iii) Trồng dược liệu quý hiếm dưới tán rừng ở Đà Bắc và Mai Châu gắn kết với HTX Big farm, HTX Green và Tập đoàn BigFa. Thứ ba, các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hoà Bình bao gồm: Cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển;  Đặc điểm của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị dược liệu; Yếu tố thị trường tiêu thụ; Khoa học công nghệ; Điều kiện tự nhiên. Thứ tư, giải pháp đề xuất phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hoà Bình bao gồm:  (i) Hoàn thiện cơ chế, chính sách chung về phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị: Thị trường, vốn, KHCN, CSHT, đất đai, bảo tồn…; (ii) Điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng sản xuất dược liệu để phù hợp với xu hướng thị trường; (iii) Phát triển thị trường đầu ra cho dược liệu thông qua thu hút doanh nghiệp chế biến và thương mại đầu tư vào lĩnh vực dược liệu và thúc đẩy thương mại hoá các sản phẩm dược liệu đạt OCOP; (iv) Chuyển giao khoa học công nghệ tiến bộ cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị dược liệu; (v) đề xuất thực hiện mô hình sản xuất dược liêu tập trung gắn với chuỗi giá trị: Dưới tán rừng sản xuất và rừng phòng hộ (đất trống); cải tạo vườn tạp và trên đồng ruộng ở những nơi hạn chế về điều kiện thuỷ lợi.  Thứ năm, Kiến nghị đối với UBND tỉnh Hoà Bình: (i) Xây dựng thương hiệu dược liệu tỉnh Hoà Bình;  (ii) Phát triển thị trường tiêu thụ dược liệu trên cả 3 hướng (Hợp đồng cung cấp nguyên liệu dược liệu thô cho DN, Tập đoàn thông qua các HTX và DN nhỏ; Thúc đẩy nâng cao trình độ chế biến sâu để phát triển sản phẩm dược liệu đạt OCOP; Phát triển các bài thuốc đông y truyền thống); (iii) Đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, sơ chế, chế biến nguyên liệu dược liệu để giảm chi phí sản xuất và duy trì tốt chất lượng nguyên liệu dược liệu đáp ứng các công đoạn tiếp theo của chuỗi; (iv) Vùng dược liệu tập trung: Giảo cổ lam ở Tân Lạc, Mai Châu;  Xạ đen, cà gai leo ở Yên Thuỷ, Lương Sơn; Dược liệu quý hiếm ở Đà Bắc, Mai Châu.

Các thành viên hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KHCN đều nhất trí và cho rằng kết quả nghiên cứu đề tài là tài liệu có giá trị cả về lý luận và thực tiễn đối với cơ quan quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tác nhân tham gia chuỗi giá trị dược liệu của tỉnh Hoà Bình.

Kết luận đề tài đảm bảo yêu cầu đặt hàng của UBND tỉnh Hoà Bình và có 2 nhóm sản phẩm khoa học vượt trội là bài báo và đào tạo. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được chuyển tới các đơn vị có liên quan tiếp nhận thực hiện và có giá trị thiết thực đối với phát triển ngành dược liệu của tỉnh Hoà Bình trong thời gian tới.

 

Nhóm NCM Liên kết kinh tế & Phát triển thị trường