Đại dịch Covid-19 đã và đang đặt ra nhiều thách thức và khó khăn trong đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng các hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu nói riêng và đảm bảo tăng trưởng kinh tế nói chung. Trên bình diện tổng thể kinh tế nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế suy giảm từ 7% năm 2019 xuống còn 2,9% năm 2020 (GSO, 2021). Điều đó cũng đồng nghĩa là sản lượng hàng hóa dịch vụ và thu nhập thực tế suy giảm với mức như vậy. Về số lượng việc làm mất đi do ảnh hưởng của Covid-19, ước tính đến cuối năm 2020, khoảng 32 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong đó, 69% bị giảm thu nhập, 40% phải giảm giờ làm, và 14% bắt buộc phải nghỉ việc hoặc bị sa thải. Nhóm ngành bị tác động lớn nhất thuộc về dịch vụ với 72% số công nhân bị ảnh hưởng, tiếp theo là công nghiệp và xây dựng (65%), và nông nghiệp (26%) (GSO, 2021). Với vai trò điều tiết nền kinh tế, chính phủ cũng đã và đang thực hiện một loạt các biện pháp nhằm hai mục tiêu chính là vừa kiểm soát dịch, vừa đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế. Nhưng đảm bảo hai mục tiêu này đồng thời (còn gọi là mục tiêu kép) là vô cùng khó khăn. Đứng trước những khó khăn và thách thức như vậy, cung ứng nhân lực ngành kinh tế tiếp tục đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Các phần dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về các vấn đề đặt ra, các kiến thức và kĩ năng mà ngành học kinh tế trang bị cho người học, các vị trí công việc và cơ sở đào tạo ngành học uy tín.

Ngành kinh tế trang bị những gì?

Ngành kinh tế cung cấp vốn kiến thức rộng và là nền tảng căn bản của các chuyên ngành sâu. Chính bởi vậy, sinh viên theo học ngành này có khả năng thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi nghề nghiệp trong thời đại ngày nay. Ngoài những kiến thức kinh tế căn bản, người học còn được trang bị những kỹ năng thiết yếu như phát hiện vấn đề, ứng dụng công nghệ 4.0 trong tìm kiếm và tổng hợp thông tin, xử lý dữ liệu, thuyết trình, và ra quyết định dựa trên lượng thông tin thu được. Những kiến thức và kỹ năng này đóng vai trò thiết yếu thúc đẩy quá trình tự học và tự hoàn thiện kiến thức cho từng vị trí công việc cụ thể mà người học theo đuổi. Đây cũng chính là một trong các phương pháp học phù hợp nhất giúp người học có thể phát triển sự nghiệp trong tương lai của mình sau khi tốt nghiệp trước sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh chóng ngày nay.

leftcenterrightdel
 

Tổng kết sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2018

Một cách dễ hiểu hơn, nhiều câu hỏi dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau có thể được giải đáp khi người học theo đuổi ngành học Kinh tế như một vài gợi ý dưới đây:

Dưới góc độ người mua hàng hóa dịch vụ: sau khi học xong, người học có thể lý giải được giá cả hàng hóa dịch vụ được quyết định bởi các yếu tố nào, hành vi của các doanh nghiệp sản xuất trên thị trường cạnh tranh hay độc quyền, làm sao tối ưu hóa được ngân sách chi tiêu mà vẫn đảm bảo thỏa mãn nhu cầu,…

Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất: người học có thể hiểu được các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng để từ đó đưa ra các chiến lược tiếp thị và kinh doanh hiệu quả, quyết định chiến lược giảm giá hay tăng giá để tăng doanh thu và lợi nhuận,…

Dưới góc độ người tìm kiếm công việc: người học có thể nhận định, đánh giá sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế, dẫn tới sự thay đổi về thị trường lao động (nhu cầu, mức lương, vị trí công việc và các kĩ năng cần có). Điều này giúp lựa chọn các ngành kinh tế phù hợp với xu hương tương lai với mức thu nhập mong muốn.

Với chính phủ trong vai trò điều tiết nền kinh tế: người học có thể hiểu được tại sao chính phủ phải can thiệp vào nền kinh tế, sự can thiệp thông qua các công cụ và chính sách cụ thể sẽ tác động ra sao đến thu nhập, việc làm của các đối tượng (doanh nghiệp, người lao động, người tiêu dùng) trong nền kinh tế…

Thêm một lợi thế của sinh viên theo học ngành Kinh tế là có nhiều cơ hội tìm được các vị trí công việc đa dạng, có khả năng thích ứng cao với sự thay đổi nghề nghiệp hay sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay.

Ngành kinh tế giúp ích được gì cho người học nói riêng và sự phát triển kinh tế xã hội nói chung?

Ngành kinh tế được coi là “nôi” sản sinh ra các hệ thống lý thuyết kinh tế căn bản, góp phần tác động mạnh mẽ và chuyển đổi phương thức con người ra quyết định trong việc sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Giải thưởng Nobel danh giá về Kinh tế chính là sự ghi nhận công trạng đóp góp to lớn trong lĩnh vực lý thuyết của ngành này.

Người học theo đuổi ngành học kinh tế có thể thích ứng các vị trí làm việc đa dạng như sau:

(i)     Nhà nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo lĩnh vực kinh tế

Với vốn kiến thức căn bản, cùng các kĩ năng thiết yếu trong phân tích và xử lý dữ liệu được trang bị như trên, người học có niềm đam mê nghiên cứu, cập nhật dữ liệu, phát hiện các mối quan hệ kinh tế có thể tiếp tục theo học lên cao để sau này trở thành giảng viên, nhà nghiên cứu kinh tế. Những kiến thức cập nhật và kỹ năng phân tích dữ liệu tốt có thể cung cấp nhiều lợi ích cho sinh viên và người học trong các trường Đại học hoặc viện nghiên cứu.

(ii)  Chuyên viên phân tích kinh tế, nghiên cứu thị trường tại các công ty tư nhân

Trong kỷ nguyên số hóa hiện nay, xu hướng xây dựng và khai thác dữ liệu lớn (Big Data đóng vai trò thiết yếu trong việc ra quyết định. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể tìm thấy các vị trí phù hợp tại các công ty chuyên nghiên cứu thị trường, hoặc các công ty/tập đoàn lớn nơi mà đòi hỏi những nghiên cứu về hành vi (chẳng hạn người tiêu dùng, nhà sản xuất) hay phân tích xu hướng của thị trường là thiết yếu trong việc xây dựng và điều chỉnh chiến lược sản xuất/kinh doanh. Tất nhiên, để làm tốt vị trí công việc này, người học cần tiếp tục học hỏi thực tiễn và được tham gia và các dự án cụ thể để hoàn thiện kỹ năng

(iii)  Chuyên viên kinh doanh

Người học ngành kinh tế cũng dễ dàng tìm kiếm một công việc liên quan trực tiếp đến kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Các kỹ năng về thuyết trình, làm việc nhóm, thương thuyết với tư duy nhạy bén kinh tế là những yếu tố quan trọng giúp người học có thể thành công trong vị trí của một nhân viên kinh doanh. Nếu người học tự trang bị những kiến thức chuyên sâu về một sản phẩm/dịch vụ cụ thể của nơi làm việc, kết hợp với kinh nghiệm tích lũy được thì sau này sẽ trở thành những nhà kinh doanh xuất sắc.

(iv) Nhà đầu tư và phân tích tài chính/chứng khoán

Sự phát triển của ngành tài chính/ngân hàng cũng mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên học ngành kinh tế. Trên cơ sở kiến thức và kĩ năng căn bản được trang bị, người học có thể theo học thêm các khóa ngắn hạn về nghiệp vụ ngân hàng hoặc tài chính, hoặc có thể tự học bằng việc tiếp cận các kho dữ liệu khổng lồ trên Internet. Việc này sẽ giúp sinh viên có thể thành công trong chinh phục các nhà tuyển dụng hoặc tự mình tham gia đầu tư tài chính.

(v)  Nhà quản trị doanh nghiệp

Xu hướng khởi nghiệp đang rất phát triển và là một hướng đi được khuyến khích đối với các cơ sở đào tạo lĩnh vực kinh tế. Nhờ việc hình thành ý tưởng kinh doanh, niềm đam mê khởi nghiệp và đặc biệt là vốn kiến thức cũng như kỹ năng cơ bản được trang bị bởi theo học ngành kinh tế, sinh viên có thể xây dựng doanh nghiệp của riêng mình. Ngoài ra người học có thể trở thành các nhà quản trị doanh nhiệp giỏi sau một thời gian làm việc tại các doanh nghiệp, sở sản xuất kinh doanh.

(vi) Nhà quản lý kinh tế trong các cơ quan quản lý Nhà nước

Quản lý, điều hành kinh tế của một quốc gia hay một vùng lãnh thổ (tỉnh, huyện, xã) đòi hỏi những kiến thức kinh tế căn bản và các kỹ năng thiết yếu như phát hiện vấn đề, lập kế hoạch, tổ chức, điều phối các công việc, và ra quyết định. Theo học ngành kinh tế được coi là chìa khóa quan trọng giúp trang bị các kiến thức và kỹ năng thiết yếu đó.

leftcenterrightdel
 

Khoa kinh tế và PTNT, HVNN VN phối hợp với Khoa Kinh tế PT, ĐHQG tổ chức Hội thảo Phát triển Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Biến đổi toàn cầu

Tại sao chọn học ngành kinh tế tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam?

Một trong những cơ sở uy tín trong đào tạo gắn với thực tiễn cho sinh viên ngành Kinh tế là Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Khoa có đội ngũ trên 80 giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ phục vụ có trình độ chuyên môn cao, với trên 50% cán bộ giảng viên có trình độ tiến sỹ. Nhiều giảng viên của Khoa đạt trình độ quốc tế, năng lực ngoại ngữ tốt và được được đào tạo bài bản về kinh tế thị trường và khoa học phát triển ở các nước như Úc, Nhật Bản, Bungari, Nga, Bỉ, Đức, Pháp, Úc, Newzeland, Mỹ và các quốc gia phát triển khác. Đội ngũ giảng viên có năng lực nghiên cứu giỏi, có kinh nghiệm tư vấn lâu năm cho nhiều dự án phát triển kinh tế xã hội trong và ngoài nước. Trong bề dày lịch sử, Khoa đã đào tạo và cung cấp rất nhiều đội ngũ cán bộ, chuyên gia, nhà quản lý kinh tế, nghiên cứu và chuyên viên kinh tế cho sự phát triển Kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cụ thể, trong những năm trở lại đây, hàng năm Khoa đào tạo khoảng 500 cử nhân, 200-300 thạc sĩ các ngành Kinh tế, Quản lý kinh tế, Phát triển nông thôn, Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế tài chính, Kinh tế đầu tư, Quản lý và phát triển nguồn nhân lực. Tỷ lệ sinh viên ngành Kinh tế ra trường có việc làm là trên 98%. Nhiều cựu sinh viên thành đạt hiện nay đã và đang là lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn CP việt Nam, Công ty cổ phần thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, hay là lãnh đạo các tỉnh, huyện xã, các Sở ban ngành (Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp,…) trong cả nước. Ngoài cung cấp nhân lực, đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Khoa đã và đang thực hiện nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học nhằm đề xuất các giải phắm để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

leftcenterrightdel
 

Đội ngũ cán bộ giảng viên của Bộ môn Kinh tế trong ngày Quốc tế phụ nữ 8-3

Một số Đề tài/dự án tiêu biểu Khoa Kinh tế và PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện như: i) Giải pháp cơ bản nhằm giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số miền núi đến năm 2030. Đề tài cấp Nhà nước, thực hiện giai đoạn 2018-2020 (Chủ nhiệm: PGS.TS. Trần Đình Thao); Đánh giá ảnh hưởng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến hành vi bảo vệ và phát triển rừng của các hộ gia đình vùng Tây Bắc, Việt Nam - Đề tài Nghiên cứu cơ bản thuộc Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted), thực hiện giai đoạn 2020-2022. (Chủ nhiệm: TS. Nguyễn Minh Đức); Nghiên cứu đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản - Đề tài cấp Bộ Nông nghiệp và PTNT, thực hiện giai đoạn 2019-2021 (Chủ nhiệm: TS. Nguyễn Thị Thu Phương) và rất nhiều các đề tài dự án trong nước và HTQT có liên quan khác.

Thông tin đăng ký học ngành Kinh tế tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam như sau:

Mã trường

Mãnhóm ngành

Tổ hợp tuyển sinh

Phương thức tuyển sinh

HVN

HVN12

A00:Toán, Vật lí, Hóa học

C04:Ngữ văn, Toán, Địa lí

D01:Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh

D10:Toán, Địa lí, Tiếng Anh

– Tuyển thẳng: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo + theo quy định của Học viện;

– Xét học bạlớp 11 hoặc lớp 12: Ba môn trong tổ hợp xét tuyển >=18 điểm;

– Xét điểm thi THPT quốc gia năm 2021: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

leftcenterrightdel
 

 

Thông tin liên hệ:

Điện thoại: 024.6261.7578, 024.6261.7520, 0961.926.639.

Website: https://www.vnua.edu.vn/

Facebook: www.facebook.com/tuyensinhvnua.edu.vn

Bộ môn Kinh tế, Khoa Kinh tế và PTNT