Trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đòi hỏi một lực lượng nhân lực chất lượng cao có đầy đủ kiến thức chuyên sâu, kỹ năng nghề nghiệp và tinh thần cũng như phong cách, tác phong làm việc theo yêu cầu của xã hội là đòi hỏi và nhiệm vụ rất khó khăn của các cơ sở đào tạo đại học, đòi hỏi các trường Đại học phải đổi mới chương trình đào tạo, phương thức đào tạo phù hợp với thực tế và đặc biệt là xây dựng, mở rộng và phát huy những mối liên kết trong đào tạo để tạo cơ hội cho sinh viên được trải nghiệm thực tế trong những môi trường, loại hình, tác phong làm việc cụ thể từ đó lĩnh hội và hình thành những kiến thức, kỹ năng và tác phong làm việc cũng như những hành trang tốt sự phát triển của tương lai.

    Là một khoa lớn của một trường đại học trọng điểm quốc gia, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp việt Nam, với truyền thống gần 60 năm xây dựng và phát triển, khoa luôn đổi mới nội dung và phương thức, mở rộng liên kết đào tạo với định hướng đào tạo và nghiên cứu đa ngành trên các lĩnh vực kinh tế và phát triển nông thôn. Đến nay khoa đang đào tạo 08 chuyên ngành tiêu chuẩn bao gồm: Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế, Kinh tế phát triển, Quản lý kinh tế, Kinh tế đầu tư, Kế hoạch đầu tư, Kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường và Phát triển nông thôn; 02 chuyên ngành chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo hoàn toàn bằng tiếng anh là: Kinh tế nông nghiệp chất lượng cao và Kinh tế tài chính chất lượng cao; 01 chuyên ngành định hướng nghề nghiệp-ứng dụng là chuyên ngành Phát triển nông thôn định hướng nghề nghiệp – POHE. Với nỗ lực không ngừng mở rộng liên kết, hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu, đến nay, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã có hợp tác với các trường đại học và các tổ chức quốc tế như ĐHTH Kyushu, ĐH Saga, ĐHTH Tokyo (Nhật Bản), ĐHTH Humbold, ĐHTH Hohenheim (Đức), ĐH Vân Nam (Trung Quốc), ĐHTH ChiangMai (Thái Lan), AIT, ĐHTH Sydney (Úc), ĐH Codorba (Tây Ban Nha), Dumbler (Bỉ), ĐHTH Gia Nghĩa (Đài Loan),  nhiều tổ chức quốc tế như IFAD, REI, IRRI, SEARCA, MCC, JICA, GTZ, UNDP, Ford Foundation, AIDA, SPF...thực hiện nhiều dự án và có nhiều đóng góp trong phát triển nông thôn. Do vậy, chương trình đào tạo của Khoa còn được thiết kế gắn với tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội được tiếp xúc với sinh viên nước ngoài, được giao lưu, học tập do giảng viên của các trường đại học nổi tiếng nước ngoài và có cơ hội được tu nghiệp ngắn hạn tại nước ngoài như Israel, Nhật Bản, Hà Lan…

    Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Khoa Kinh tế và phát triển nông thôn luôn chủ trương gắn đào tạo với thực tiễn thông qua các mối liên kết đào tạo, nghiên cứu với nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức, phương thức liên kết khác nhau và liên kết với các tổ chức quốc tế, tổ chức Phi chính phủ luôn được khoa ưu tiên bởi không những tính phù hợp với định hướng, mục tiêu, lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu của khoa mà còn mang lại kết quả và hiệu quả cao.

    Gần đây nhất, là hợp tác giữa Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn và tổ chức Action On Poverty (AOP) – một tổ chức phi chính phủ hoạt động trên lĩnh vực cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, cho người nghèo tại địa bàn vùng núi phía Bắc. Theo đó, Khoa và tổ chức AOP sẽ phối hợp tổ chức cho 20 sinh viên chuyên ngành Phát triển nông thôn định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (POHE) đi thực hành nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian từ 12/3 – 30/4/2019 với mục tiêu: (1) Tăng cường cơ hội thực tập và trải nghiệm cho sinh viên: áp dụng những kiến thức đã học được trong thực tế công tác tại địa phương; (2) Tìm hiểu hiện trạng cuộc sống của người dân địa phương, thu thập các dữ liệu ban đầu cho việc thực hiện dự án phát triển du lịch cộng đồng; (3) Xây dựng các sáng kiến đóng góp cho cộng đồng, dựa trên việc phát huy các tiềm năng và nguồn lực sẵn có tại địa phương.

    Trong quá trình triển khai thực hiện, phía AOP sẽ hỗ trợ và sắp xếp địa bàn thực tập, hỗ trợ kinh phí đi lại, một phần kinh phí ăn ở và đặc biệt sinh viên được tập huấn các kỹ năng điều tra, làm việc với cộng đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, kỹ năng tổng hợp, xử lý thông tin số liệu và kỹ năng phân tích, viết báo cáo phản ánh thực tra. Đổi lại, sinh viên phải hoàn thành các sản phẩm theo yêu cầu từ phía AOP là bộ dữ liệu về thôn, bản và hộ gia đình, các dữ liệu cần thiết cho vùng triển khai dự án phát triển sau này; bản đồ thôn bản của địa bàn thực tập phản ánh các nguồn lực phát triển, vị trí các hộ gia đình; một số hình ảnh phản ánh đời sống tại địa phương để làm mô tả trước can thiệp của dự án; Dựa trên những hiểu biết về địa phương, sinh viên đưa ra những đề xuất để xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn. Những đề xuất/sáng kiến phù hợp sẽ được AOP tại Việt Nam hỗ trợ một số vốn ban đầu để triển khai. Sáng kiến được triển khai cần có sự góp công/góp vốn từ cộng đồng và báo cáo tổng kết tổng kết và đú rút các quan sát và đề xuất của sinh viên cho các vấn đề dự án có thể can thiệp.

    Kết quả là, trong thời gian 6 tuần, 20 sinh viên được chia thành 04 nhóm tại bốn điểm là bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu; bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu; bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ và bản Nà Bai, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ. Tại đây, sinh viên đã thực sự được qua sát và trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt, tập tục và những khó khăn mà đồng bào gặp phải bằng việc trực tiếp ăn ở, sinh hoạt và làm việc cùng cộng đồng. Đồng thời, dựa trên những hiểu biết về cộng đồng, 04 ý tưởng phát triển cộng đồng đã được các nhóm xây dựng và được phía AOP thẩm định, phê duyệt, tài trợ với số tiền là 25 triệu đồng đó là các sáng kiến xây dựng lò đốt rác kết hợp với tập huấn về thu gom, xử lý rác tại bản Nà Bai; ý tưởng cải tạo rừng thông phục vụ du lịch cộng đồng ở bản Hua Tạt; Xây dựng khu sân chơi cho trẻ em để tránh tình trạng trẻ em đi chơi ngoài bờ suối, giảm nguy cơ đuối nước ở bản Vặt và sáng kiến cuộc thi vẽ tranh cho trẻ em về chủ đề bảo vệ môi trường đã được triển khai thực hiện với sự ủng hộ và lắng nghe, tiếp thu cũng như huy động được nguồn lực, sự tham gia đóng góp của người dân mang lại những lợi ích thiết thực và phù hợp cho cộng đồng. Bên cạnh đó, các em sinh viên còn hình thành được những kỹ năng quan sát, làm việc, họ hỏi từ người dân; kỹ năng tổ chức, quản lý, huy động nguồn lực từ cộng đồng cho các hoạt đông phát triển; kỹ năng trình bày ý tưởng, viết báo cáo, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo và các kỹ năng cần thiết khác đánh dấu một bước trưởng thành hơn trong quá trình học tập. Kết thúc thực tập, sinh viên được Khoa và AOP cấp chứng nhận đã có thời gian thực tế tại AOP.

    Có được những thành quả tích cực trên là do; Thứ nhất, là sự liên kết hợp tác chú trọng vào thực chất cua Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn và tổ chức Action On Poverty (AOP). Theo đó, hai bên ký thỏa thuận liên kết tập trung vào những hợp tác và việc làm cụ thể phù hợp với mục tiêu phát triển hướng tới của hai bên đồng thời phù hợp với khả năng và nhu cầu của sinh viên; Thứ hai, là sự phối hợp nhịp nhàng và rõ ràng trong quá trình triển khai giữa một bên là Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ tổ chức và tập huấn những kiến thức chuyên môn, những kỹ năng điều tra, phỏng vấn, xử lý số liệu và viết báo cáo khoa học và một bên là tổ chức AOP thực hiện nhiệm vụ tổ chức sinh viên tại điểm thực tập, hỗ trợ kinh phí cũng như đặt hàng những sản phẩm cần thiết phải đạt được trong quá trình sinh viên thực tập cũng như những yêu cầu cụ thể cho từng sản phẩm. Đây là yếu tố then chốt và quan trọng để đạt được hiệu quả trong liên kết; Thứ ba là sự hướng dẫn cụ thể, chi tiết của giáo viên hướng dẫn từ định hướng đến việc chia sẻ, tập huấn những kỹ năng cần thiết, đưa ra những gợi ý và góp ý chỉnh sửa những ý tưởng và sản phẩm cho sinh viên; Thứ tư là sự tin tưởng và khả năng của sinh viên để giao những công việc, nhiệm vụ vừa sức cũng như phù hợp giúp sinh viên bứt phá và phát huy hết khả năng của bản thân.

Như vậy, liên kết trong đào tạo đại học với các đối tác, tổ chức trong nước và quốc tế hoàn toàn có thể có được những kết quả và hiệu quả tốt nếu như nó xuất phát từ nhu cầu và phù hợp với mục tiêu phát triển cũng như định hướng của hai bên. Kinh nghiệm hợp tác giữa Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam với tổ chức AOP cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể có được những thành quả trong đào tạo và nghiên cứu chỉ từ những hành động nhỏ những thiết thực và hiệu quả.

Chuyên ngành Phát triển nông thôn định hướng nghề nghiệp, ứng dụng (POHE) được xây dựng với sự hỗ trợ và tư vấn của các chuyên gia của dự án POHE - Hà Lan. Quan điểm đào tạo của chuyên ngành nhằm tăng cường tương tác giữa giảng viên và sinh viên, giữa sinh viên với thực tế. Theo đó, sinh viên được tăng cả cơ hội và thời gian được thực hành, đi quan sát thực tế để tự học hỏi các kiến thức xã hội, kinh nghiệm thực tiễn từ đó hình thành các kỹ năng cơ bản của nghề nghiệp. Chương trình này trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về phát triển, phát triển nông thôn, phát triển cộng đồng, kiến thức và kỹ năng về tổ chức sản xuất và cung ứng dịch vụ phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo học chương trình Phát triển nông thôn theo định hướng nghề nghiệp, ứng dụng, sinh viên lĩnh hội được các kỹ năng về nghề nghiệp; kỹ năng phân tích, đánh giá các vấn đề trong nông thôn; kỹ năng thiết kế và triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển và phát triển nông thôn; Kỹ năng về tổ chức, sản xuất cũng như khả năng độc lập cung ứng các dịch vụ tư vấn phát triển nông thôn và khuyến nông; kỹ năng trong hoạt động và giải quyết các vấn đề xã hội và công tác xã hội trong phát triển nông thôn… Sinh viên theo học ngành này còn được trang bị các kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng quản lý, lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ, tin học…

 

Một số hình ảnh liên quan

Sinh viên tổ chức họp và làm việc cùng người dân



Sinh viên làm việc cùng người dân

 

 

Sinh viên thảo luận xây dựng bản đồ thôn bản

Sinh viên cùng người dân thực hiện sáng kiến phát triển

Trình bày kết quả thực tập

Nhận chứng nhận thực hành nghề nghiệp

Chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên và AOP