Nằm trong chuỗi các hoạt động sinh hoạt chuyên môn thường kỳ của các nhóm nghiên cứu mạnh, chiều này 28 tháng 8 năm 2023, khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn tổ chức Seminar “Giải pháp điều tiết ảnh hưởng của di cư lao động đến phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” do ThS Đồng Thanh Mai – thành viên Nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý phát triển nông thôn trình bày.
|
|
ThS Đồng Thanh Mai trình bày seminar tại phòng 405 |
Buổi Seminar được tổ chức tại phòng hội thảo 405 của khoa Kinh tế & PTNT do TS. Nguyễn Hữu Nhuần chủ trì với sự tham gia của đông đảo giảng viên và nghiên cứu viên trong khoa.
Với lợi thế có vị trí địa lý gần thủ đô Hà Nội, sau khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, từ một tỉnh có thuần nông, Bắc Ninh trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1997 – 2021 đạt 13,9%, GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước. Hiện nay, Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghệ cao cả cả nước với 16 khu công nghiệp, 30 cụm công nghiệp, có 1.693 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư 20,5 tỷ USD và 11.840 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời đây cũng là địa phương đón nhận làn sóng di cư thuộc nhóm các tỉnh đông nhất cả nước. Trong bài trình bày của mình, ThS Đồng Thanh Mai đã mô tả được thực trạng di cư lao động của tỉnh Bắc Ninh bao gồm dòng nhập cư và dòng xuất cư, số lượng và đặc điểm nhân khẩu học của người di cư. Trước những năm 2005, lao động trên địa bàn tỉnh có xu hướng xuất cư nhiều hơn nhập cư, từ sau những năm 2005, khi các KCN & CCN của tỉnh Bắc Ninh chính thức đi vào hoạt động, số lượng lao động nhập cư đến tỉnh Bắc Ninh dần tăng và trở nên đỉnh cao vào năm 2021, tương tự đó số lao động xuất cư giảm dần ở những năm gần đây. Dẫn tới tỷ suất di cư thuần của tỉnh Bắc Ninh nằm trong nhóm cao nhất cả nước với tỷ lệ 41,7 ‰. Trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở mới nhất năm 2019, có 87,5% người di cư ở tỉnh Bắc Ninh cho rằng họ di chuyển vì lý do việc làm.
Tác giả cũng mô tả được thực trạng Phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Ninh với việc chi tiết các chỉ số phản ánh số lượng và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh luôn đạt ở mức cao, bình quân giai đoạn 1997–2021 tăng 13,89%/năm, quy mô nền kinh tế đứng thứ 7 trong cả nước vào năm 2021, chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động đạt 305,1 triệu đồng/lao động/năm, tăng 92 lần so với năm 1997 (4,0 triệu đồng/lao động), đô thị hóa nhanh, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh.
Những ảnh hưởng của di cư lao động tới phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Ninh đã được tác giả trình bày trong buổi báo cáo. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng DCLĐ đặc biệt là nhập cư đóng góp gần 30% lực lượng lao động và hơn 32% GRDP trong toàn tỉnh, góp phần gia tăng năng suất lao động, gia tăng thu nhập chung và giảm tỷ lệ đói nghèo cho người dân tỉnh Bắc Ninh. Lao động di cư đến góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, từ đó đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Ninh, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Tuy nhiên di cư lao động ít ảnh hưởng tới tỷ lệ đói nghèo và đặc biệt, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và mất cân bằng dân số của tỉnh Bắc Ninh là những mặt tiêu cực mà di cư lao động mang lại.
Cô Đồng Thanh Mai đã đề xuất các giải pháp về quy hoạch, các chính sách phát triển kinh tế gắn với người di cư lao động và giữ chân lao động di cư đến cũng như thu hút lao động di cư chất lượng cao như chính sách hộ khẩu, chính sách nhà ở, việc làm, chính sách an sinh cho người di cư và các chính sách khác.
Seminar đã diễn ra sôi nổi với các ý kiến thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm từ các giảng viên và nghiên cứu viên của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn. Kết thúc buổi seminar, TS. Nguyễn Hữu Nhuận kết luận, các giải pháp tác giả đưa ra cần phù hợp với thực tiễn hơn.
Tin & bài: ThS. Trần Thị Minh Hòa – Nhóm NCM Quản lý phát triển nông thôn