Ngày 20 tháng 12 năm 2018 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Kinh tế và Phát triển đã tổ chức Hội thảo khởi động và xây dựng khung lý thuyết cho đề tài cấp thành phố Hà Nội: “Hội thảo xây dựng khung lý thuyết đề tài cấp thành phố: Giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của thành phố Hà Nội.” Mã số đề tài: 01X-10/03-2018-2. Các đại biểu tham dự hội thảo gồm Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Tiến Hồng – Phó Giám đốc trung tâm Khuyến Nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Hữu Thọ - Phó Trưởng ban Ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương; Ông Nguyễn Hữu Khánh – Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cán bộ và các doanh nghiệp ở các huyện của thành phố Hà Nội, các cán bộ, giảng viên tại Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn.

TS. Trịnh Quang Thoại, chủ nhiệm đề tài đang giới thiệu về đề tài

    Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các tham luận: (i) Thực trạng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội, (ii) Một số khó khăn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, và (iii) Xây dựng các loại hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở thành phố Hồ Chí Minh; Kinh nghiệm và bài học cho Hà Nội.

ThS. nguyễn Thị Thoa đang trình bày tham luận

TS. Nguyễn Hữu Thọ đang trình bày tham luận

TS. Nguyễn Hữu Khánh đang trình bày tham luận

    Sau khi các đại biểu trình bày tham luận, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và làm rõ các vấn đề khó khăn và bất cập trong thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như: (1) Về đất đai. Các doanh nghiệp khó thuê đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nếu doanh nghiệp thuê đất từ hộ nông dân thì rủi ro cao do nông dân rất dễ phá vỡ hợp đồng. Nếu doanh nghiệp thuê đất công thì thời hạn thuê mỗi chu kỳ là 5 năm nếu muốn thuê tiếp thì phải đấu thầu. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào sơ sở hạ tầng như nhà kính, nhà lưới, ... (2) Về quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Thời gian chờ phê duyệt quy hoạch quá lâu trong khi nông nghiệp có tính thời gian. Thủ tục quy hoạch rườm rà. Thành phố hà Nội nên đầu tư tập trung và có trọng điểm ở các huyện đã được quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, không nên đầu tư dàn trải. (3) Về vốn. Thủ tục vay vốn phức tạp, mức cho vay thấp, trong khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thì cần vốn lớn. (4) Về thị trường tiêu thụ. Đầu ra của sản phẩm không ổn định về địa điểm và giá bán. Giá bán các sản phẩm công nghệ cao phải cao hơn các sản phẩm thường cùng loại thì mới có thể đảm bảo đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao có lãi. Nên có dự báo về nhu cầu thị trường về nhu cầu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. (5) Về liên kết trong sản xuất. Một diều mẫu thuẫn là liên kết nhưng vẫn phải mời thầu, mà mời thầu thì rất lâu trong khi thời gian trong nông nghiệp không cho phép. HTX quá cồng kềnh vì trên phạm vi toàn xã, nên có những HTX nhỏ hơn (vì 7 thành viên là có thể thành lập HTX).

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

    Kết quả hội thảo đã giúp nhóm nghiên cứu đề tài làm sáng tỏ các vấn đề như định nghĩa về nông nghiệp công nghệ cao, các khó khăn và vướng mắc trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, qua đó giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện khung lý thuyết và phương pháp nghiên cứu đề tài. Qua hội thảo nhóm nghiên cứu cũng đã xác định được hướng đi cho đề tài như: chọn sản phẩm để nghiên cứu? chọn lĩnh vực đầu tư gắn với sản phẩm với mỗi vùng nghiên cứu nào cần được chọn để nghiên cứu? khó khăn nào là chính là cấp bách cần tháo gỡ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.