Trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ “Phát triển triển kỹ năng cốt lõi cho lao động nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam” (mã số: A21/371) thuộc Chương trình John Dillon Fellowship với sự tài trợ của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR), được thực hiện bởi nhiều đối tác trong và ngoài nước, trong đó Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn) là đối tác chính kết hợp với Viện nghiên cứu chính sách nông nghiệp và sức khoẻ (HAPRI), Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn: “Xác định nhu cầu và các lộ trình phát triển kỹ năng cốt lõi của lao động nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số: tình huống chuỗi giá trị xoài tươi xuất khẩu ở Việt Nam” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom.
Mục tiêu của Hội thảo là tham vấn, trao đổi và thông báo với các bên liên quan về nhu cầu và các lộ trình để nâng cao hiểu biết, giảm khoảng cách và cải thiện sự thiếu hụt về năng lực và kỹ năng cốt lõi của lao động nông nghiệp trong chuỗi giá trị xoài tươi xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Hội thảo thu hút được sự quan tâm và đến dự của đại diện nhiều cơ quan, đơn vị: Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia, ACIAR Việt Nam; Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương; Đại học ĐH Tasmania (Australia); Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp; Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La; Hội Nông nghiệp huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La; Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO). Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đến từ nhiều cơ quan ban ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu khác của Việt Nam cũng như các hợp tác xã, hộ nông dân trên 02 địa bàn nghiên cứu là Sơn La và Đồng Tháp cũng tham dự trực tuyến qua nền tảng Zoom.
|
|
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm |
Các tham luận trình bày tại Hội thảo tập trung vào các nội dung: một số yêu cầu của thị trường đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam; Tổng quan một số loại công nghệ kỹ thuật số liên quan đến chuỗi giá trị xoài xuất khẩu; Thực trang năng lực và kỹ năng cốt lõi của lao động nông nghiệp trong chuỗi giá trị xoài xuất khẩu trong bối cảnh chuyển đổi số; Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực và kỹ năng cốt lõi của lao động nông nghiệp trong chuỗi giá trị xoài xuất khẩu trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam; Đề xuất lộ trình phát triển năng lực và kỹ năng cốt lõi của lao động nông nghiệp trong chuỗi giá trị xoài tươi xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số. Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận mở về các vấn đề liên quan đến nhu cầu và lộ trình để nâng cao hiểu biết, giảm khoảng cách và cải thiện sự thiếu hụt về năng lực và kỹ năng cốt lõi của lao động nông nghiệp trong chuỗi giá trị xoài tươi xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Đồng Giao (DOVECO) đã chia sẻ về các công nghệ tiên tiến được áp dụng trong chuỗi giá trị xoài xuất khẩu đang được áp dụng tại đơn vị. Ông cũng cho nhấn mạnh, xoài là mặt hàng tiềm năng của công ty, tuy nhiên có sự cạnh tranh gay gắt giữa hai luồng hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu đi và đến từ thị trường Trung Quốc. Do vậy, cần thiết phải đánh giá được nhu cầu thị trường để có các chiến lược khai thác thị trường hiệu quả.
TS. Nguyễn Thị Thu Quỳnh (chủ nhiệm đề tài) đã đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu chính của dự án, cụ thể: Nhìn chung đa số người lao động có thái độ tích cực đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, có khoảng 52,01% số lao động trả lời họ sẽ áp dụng hoặc bắt đầu sử dụng. Tuy nhiên, nhìn chung người lao động chưa có mức độ tự tin cao trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số trong sản xuất và sinh hoạt. Họ đều cho rằng các kỹ năng này cần được cải thiển trong thời gian tới. Các rào cản trong chuyển đổi số của lao động nông nghiệp là: Thiếu sự tự tin sử dụng công nghệ; Chi phí lớn cho mua sắm và bảo dưỡng/dịch vụ cho công nghệ; Không thể nhìn thấy các lợi ích của công nghệ; Không nhiều nông dân khác trong vùng sử dụng các công nghệ số mà tôi đang dùng hoặc muốn dùng; Không biết cách tận dụng công nghệ tối đa, việc học cách sử dụng nó cũng là một khó khăn đối với nhưng lao động lớn tuổi.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và chỉ ra các điểm mấu chốt cần tác động để nâng cao năng lực và kỹ năng cho chuyển đổi số của lao động nông nghiệp nói chung và trong chuỗi giá trị xoài tươi xuất khẩu nói riêng như: cần tuyên truyền, tập huấn cho người dân có thể tiếp cận được các thông tin để thay đổi nhận thức và tư duy của từng cá nhân, và để họ nhận thấy được lợi ích và trách nhiệm của việc chia sẻ, cung cấp thông tin, sử dụng thông tin trong cùng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ cho việc ra quyết định sản xuất, phân phối, tiêu thụ hiệu quả. Các đại biểu cũng cho rằng cần xác định được vai trò, ai là người dẫn dắt chuỗi giá trị xoài tươi xuất khẩu để có các can thiệp phù hợp. Và đặc biệt cần hình thành và phát triển các HTX/tổ hợp tác của người nông dân để dễ dàng tổ chức các hoạt động can thiệp một cách có hiệu quả.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp và nhận được sự đánh giá cao của các nhà khoa học và các nhà quản lý cũng như các tác nhân liên quan đến chuỗi giá trị xoài xuất khẩu về các thông tin được trao đổi. Các ý kiến thảo luận tại hội thảo góp phần giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo tổng kết và xây dựng bản kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan về những giải pháp, hành động cần thiết thúc đẩy nâng cao năng lực và hoàn thiện kỹ năng cốt lõi cho lao động trong chuỗi giá trị xoài xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới./.
Ninh Xuân Trung, Nguyễn Thị Thu Quỳnh - Khoa Kinh tế PTNT