Ngày 30/10/2024, Nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp đã tổ chức Hội thảo để góp ý cho Báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội”, mã số CT09/01-2022-3 do PGS.TS Nguyễn Phượng Lê chủ trì.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ hướng tới sự phát triển bền vững, nông nghiệp vẫn tiếp tục đóng vai trò cốt lõi, cung cấp nguồn lương thực thực phẩm cho quốc gia và góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Với sự phát triển của các ngành công nghiệp, dịch vụ và sự đô thị hóa mạnh mẽ, nền nông nghiệp truyền thống đang đối diện với nhiều thách thức về năng suất, chất lượng và hiệu quả. Để giải quyết những thách thức này, nông nghiệp công nghệ cao đã và đang được xem là xu hướng tất yếu, là giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để triển khai nông nghiệp công nghệ cao một cách rộng rãi và hiệu quả, nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng phù hợp đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong bối cảnh đó, đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công của ngành nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Hà Nội, với vị thế là thủ đô của đất nước, không chỉ là trung tâm kinh tế - chính trị mà còn là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố Hà Nội có tiềm năng lớn trong việc phát triển nông nghiệp với lực lượng lao động dồi dào và hệ thống giáo dục, nghiên cứu khoa học nông nghiệp được đầu tư bài bản. Để tận dụng hết những lợi thế này, việc nghiên cứu được thực trạng và đề xuất được các giải pháp phát triển đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội là yêu cầu cấp thiết.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích:
1. Xin ý kiến đóng góp của các bên liên quan (các nhà khoa học, các cán bộ quản lý nhà nước về đào tạo nghề, đại diện các cơ sở dạy nghề, đại diện người sử dụng lao động nông nghiệp công nghệ cao, đại diện người học nghề nông nghiệp công nghệ cao) về Báo cáo tổng kết của đề tài.
2. Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các cơ sở đào tạo nghề về những thách thức của cơ sở trong quá trình đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao.
3. Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị sử dụng lao động về nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hội thảo cũng là cơ hội để phát triển mối quan hệ bền chặt của Bộ môn Kinh tế Nông nghiệp và Chính sách, Khoa Kinh tế và Quản lý với các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo nghề, các đơn vị sử dụng lao động nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hội thảo cũng giúp khẳng định hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của khoa Kinh tế và Quản lý có sự phối hợp khăng khít với các đơn vị có liên quan trong chuyển giao tri thức khoa học và đào tạo lao động đáp ứng theo nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên số.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của của đông đảo các nhà khoa học và giảng viên trong và ngoài khoa tham dự. Các diễn giả và các đại biểu tham gia Hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện các giải pháp đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao cho thành phố Hà Nội, trong đó nhấn mạnh đến các chương trình đào tạo nghề, đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và một số giải pháp khác.
Một số hình ảnh của buổi Hội thảo: