Thực hiện nhiệm vụ tư vấn theo hợp đồng số 01-2021/HĐKT-HVNN-NT giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, nhóm tư vấn gồm 10 thành viên của khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn và khoa Thú y đã tiến hành xây dựng đề án “Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. Sau gần 4 tháng thực hiện khảo sát, phân tích, tổng hợp thông tin và hoàn thiện dựa trên những góp ý của các chuyên gia, các sở, ngành và địa phương, nhóm tư vấn xây dựng của Học viện đã hoàn thành bản thảo đề án. Chiều ngày 8/12/2021, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị nghiệm thu đề án tại Hội trường số 1, Văn phòng UBND tỉnh. Về thành phần tham dự, đại diện cho UBND tỉnh có đồng chí Lê Huyền – Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị; các lãnh đạo của các sở Nông nghiệp &PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo 06 huyện Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Bắc, Thuận Nam. Về phía đơn vị tư vấn, PGS. TS. Nguyễn Phượng Lê – trưởng nhóm tư vấn và các thành viên xây dựng đề án đã tham dự Hội nghị.
Nhóm tư vấn trình bày tóm tắt đề án
Toàn cảnh Hội nghị nghiệm thu
Hội nghị đã lắng nghe đại diện nhóm tư vấn của Học viện Nông nghiệp Việt Nam – TS. Lưu Văn Duy trình bày tóm tắt kết quả xây dựng đề án và ý kiến góp ý của đại diện các sở, ngành và các địa phương.
Bản đồ quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030
Phạm vi thực hiện của đề án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Các thành viên tham dự cuộc họp đánh giá cao chất lượng của bản đề án trên các khía cạnh chi tiết, khoa học, thực tiễn và cập nhật. Kết luận Hội nghị nghiệm thu, đồng chí Lê Huyền – Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây là đề án đầu tiên về lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh, đề án được xây dựng công phu, có tính khả thi cao đối với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh, nhằm phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận hy vọng sau khi phê duyệt, đề án sẽ được triển khai và góp phần thúc đẩy chăn nuôi tỉnh Ninh Thuận theo hướng an toàn, hiệu quả, góp phần vào công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo của tỉnh trong thời gian tới.
Người viết bài: Bộ môn Kinh tế Nông nghiệp & Chính sách