Trong khuôn khổ các sự kiện chào mừng khai giảng năm học 2024-2025, vào chiều ngày 7/10/2024, Khoa Kinh tế và Quản lý đã tiếp tục tổ chức chuỗi seminar khoa học tại phòng Hội thảo 405 của Khoa. Buổi seminar thu hút sự tham gia của đông đảo giảng viên và nghiên cứu viên, dưới sự chủ trì của PGS. TS. Nguyễn Mậu Dũng. Nhiều bài trình bày chất lượng từ các giảng viên có chuyên môn cao và kinh nghiệm nghiên cứu đã được chia sẻ tại sự kiện.
Mở đầu buổi seminar, GS. TS. Đỗ Kim Chung đã trình bày bài “Linear or circular economy? A review of theories and practices, countries experiences and recommendation for Vietnam”. Bài trình bày đã đưa ra các quan điểm về kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần hoàn, trình bày các kinh nghiệm phát triển của các quốc gia và khuyến nghị các định hướng phát triển xoay quanh kinh tế tuần hoàn.
Tiếp nối phần trình bày, TS Nguyễn Minh Đức đã trình bày “Phương pháp tích hợp các yếu tố về khí hậu, đa dạng sinh học và tính bền vững vào quy hoạch sử dụng đất dựa trên các công cụ GIS”. Bài trình bày đã hệ thống hóa khung tích hợp các vấn đề về khí hậu, đa dạng sinh học và tính bền vững vào quy hoạch sử dụng đất, đồng thời đưa ra một số hướng phương pháp tiếp cận, đánh giá và xây dựng kỹ thuật GIS kết hợp đánh giá trong các nghiên cứu kinh tế xã hội, qua đó đưa ra một số loại mô hình kết hợp có thể được sử dụng phù hợp.
Bài trình bày “Tiêu dùng năng lượng trong các hộ gia đình ở Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Hải Ninh chia sẻ đưa ra một hướng nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp tại Việt Nam. Nghiên cứu của TS Ninh đã xây dựng khung lý thuyết về sử dụng năng lượng và đưa ra một số phương pháp tiếp cận và đánh giá mức sử dụng năng lượng. Qua đó áp dụng vào nghiên cứu ở Việt Nam, thông qua các chỉ tiêu đánh giá được xây dựng nhằm lựa chọn số liệu có giá trị từ bộ số liệu mức sống hộ gia đình ở Việt Nam. Nghiên cứu đã chỉ ra thực trạng chi tiêu cho năng lượng, phân loại và sử dụng mô hình thống kê để đánh giá, đưa vào mô hình nghiên cứu.
Bài trình bày của TS. Nguyễn Thị Thu Quỳnh về chủ đề “Is Digital Transformation a Game-changer for enhancing the food safety and traceability of Vietnam's export mango value chain?” cũng được thảo luận rất sôi nổi. Nghiên cứu dựa trên khảo sát các hộ nông dân và cho thấy thực trạng sản xuất và tiêu thụ xoài Việt Nam theo cách tiếp cận chuỗi giá trị, qua đó cho thấy những hạn chế trong việc tiếp cận nhu cầu thị trường của người sản xuất và tiềm năng cũng như thách thức trong việc ứng dụng chuyển đổi số.
Nối tiếp chương trình, TS. Nguyễn Thị Huyền Châm chia sẻ chủ đề “Tổng quan về nền kinh tế chia sẻ và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam”. Đây cũng là chủ đề mới và được sự quan tâm của cộng đồng. Bài trình bày đã đưa ra những khái niệm, đặc điểm về kinh tế chia sẻ, đưa ra thực tiễn mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế chia sẻ ở nước ta.
ThS. Thái Thị Nhung trình bày nghiên cứu “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội”. Nghiên cứu đã chỉ ra thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn nghiên cứu, các yếu tố ảnh hưởng và xây dựng một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thất.
Tại buổi seminar, các chủ đề nghiên cứu nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các thầy cô và nhà khoa học, với những cuộc thảo luận sôi nổi xoay quanh các nội dung trình bày và định hướng nghiên cứu trong tương lai. Đặc biệt, các đề tài về kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên, và chuyển đổi số trong nông nghiệp đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng.
Khai màn năm học mới với chuỗi seminar khoa học đầy hứng khởi của Khoa Kinh tế và Quản lý, các thầy cô đã mang đến những góc nhìn mới về kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp bền vững, chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ và nhiều vấn đề thời sự quan trọng khác.
Một số hình ảnh tại buổi seminar: